Đê Choi còn có tên gọi khác là Cửa Khâu vì trước đây, sau mỗi đợt bom đạn trút xuống, nhân dân trong vùng lại kéo nhau ra “khâu” lại con đê để những đoàn xe ra chiến trường. Đầu năm 1960, huyện Hương Sơn phát động Phong trào “Xẻ núi, ngăn sông, đắp đập chắn lũ”. Công trình đê Choi dài khoảng 600m, ngăn nước lũ từ sông Ngàn Phố, được xây dựng từ đó. Con đê là điểm nối hai xã Sơn Bình, Sơn Hà (huyện Hương Sơn), nằm trên Quốc lộ 8-con đường huyết mạch vận chuyển quân, vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm ra các chiến trường trung, hạ Lào và nam Khu 4. Vì vậy, đê Choi là trọng điểm đánh phá ác liệt của không quân Mỹ.

Với phương châm “xe chưa qua, nhà không tiếc”, sau mỗi lần địch rải bom, người dân lại tháo dỡ nhà mình để đưa ra lấp, chắn hố bom, thông đường giúp những đoàn quân ra tiền tuyến. Suốt ngày đêm, những đoàn quân mang ba lô, súng đạn nặng trĩu hành quân qua đây. Các bà, các mẹ lại mang khoai, nước chè xanh ra động viên bộ đội. Các đơn vị bộ đội chiến đấu ở nước bạn Lào, chiến trường Trị Thiên về đây an dưỡng cũng nhận được sự đùm bọc, che chở của chính quyền và bà con trong xã. Để đối phó với cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, nhân dân đào hệ thống công sự rộng khắp, nhà thông nhà, làng thông làng. Ngày ấy, trên núi Mồng Gà, người dân tạc khẩu hiệu: “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, đứng xa 4-5km cũng nhìn thấy rõ.

Tôi còn nhớ mãi kỷ niệm lần tham gia lấp hố bom ở đê Choi ngày 12-9-1965. Hôm ấy, trong lúc giúp xã viên chở lúa, chị Nguyễn Thị Hạnh, Bí thư chi đoàn thôn nói với tôi: “Bút ơi, 7 giờ tối nay ra san lấp hố bom ở đê Choi nhé!”. Đúng giờ, thanh thiếu niên và nhân dân hối hả ra Cửa Khâu. Khi đoàn người cách con đê chừng 500m, tốp máy bay phản lực F-105 của Mỹ bắn pháo sáng rực trời. Các trận địa pháo phòng không 37mm ở Linh Cảm cách đó 7km, 4 trận địa súng máy 12,7mm bảo vệ đê Choi ở khu vực lân cận của ta đồng loạt nổ súng tạo thành lưới lửa phòng không dày đặc. Máy bay Mỹ điên cuồng thả bom làm rung chuyển cả vùng, đất đá, mảnh bom dồn dập rơi xuống. Chúng tôi vừa nhảy xuống giao thông hào thì nghe tiếng gọi thất thanh: “Máy bay Mỹ thả bom trúng bà con xã ta rồi! Cấp cứu khẩn trương!”.

Chúng tôi chạy đến nơi, nhiều thi thể không còn nguyên vẹn. Trong đêm tối, chúng tôi nghe tiếng kêu yếu ớt: “Mẹ ơi... Mẹ ơi!”. Em Nguyễn Thị Nhàn (16 tuổi) bị mảnh bom Mỹ văng vào chân làm bị thương nặng. Ngoài xác định số người thương vong, lãnh đạo xã yêu cầu các thôn nhanh chóng kiểm tra tình hình bà con. Thôn 8 báo cáo thiếu thầy giáo Thành, lực lượng du kích tìm kiếm suốt 3 ngày nhưng chỉ thấy mũ nan của thầy trôi trên sông Ngàn Phố...

leftcenterrightdel
 Cựu chiến binh Lê Anh Bút (ngoài cùng, bên trái) cùng với người thân trong lần về thăm quê (xã Sơn Bình, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh), năm 2019.

Những năm sau đó, máy bay Mỹ liên tục đánh phá đê Choi. Tháng 9-1968, đang ở chiến trường, tôi nhận được tin báo: Máy bay Mỹ đánh bom 3 ngày liên tiếp vào làng tôi-thôn 7, xã Sơn Bình-gây nhiều thương vong cho nhân dân, nhiều nhà cửa, cây cối bị thiêu rụi, lòng tôi đau như cắt. Tháng 5-1973, trên đường ra Bắc dự lớp tập huấn công tác tham mưu tại Trường Sĩ quan Lục quân 1, tôi được chỉ huy cho ghé về thăm gia đình. Sau hơn 5 năm xa quê hương, con đường 8 chiến lược đã thay đổi nhiều, hai bên đường chi chít hố bom, hàng cây phi lao thưa thớt, một số cây còn lại bị cụt ngọn, gãy cành hoặc cháy đen. Về đến Choi, mặt đê còn gồ ghề, mấp mô nhưng các đoàn xe vẫn có thể nối đuôi nhau ra chiến trường. Tôi chuẩn bị rẽ vào con đường làng thì bỗng sau lưng có tiếng gọi: “Có phải thằng Bút Tri (Tri là tên cha mẹ tôi) về đó không?”. Tôi ngoái đầu lại thấy các o ở cạnh nhà tôi: Nguyễn Thị Thư, Nguyễn Thị Nhượng, Nguyễn Thị Thiện đi chợ về. Tôi nói đùa: “Không phải, thằng Bút hy sinh rồi!”.

Nhận ra tôi, các o chạy đến ôm chầm lấy và nói: “Để ba lô đó cho bọn tau, mi về nhanh, mẹ mi đã khóc hơn 3 năm ni rồi!”. Tôi chạy về nhà trong sự ngỡ ngàng, vui sướng của mọi người. Nước mắt mẹ tôi lăn dài trên đôi má hóp: “Răng con đi biền biệt lâu rứa, không có tin gì, mẹ cứ tưởng...”.

Sơn Bình

 (*) Ghi theo lời kể của Đại tá, cựu chiến binh Lê Anh Bút, nguyên cán bộ nghiên cứu Viện Khoa học xã hội nhân văn quân sự (Bộ Quốc phòng).