Phóng viên (PV): Lịch sử hơn 60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của bộ đội TTG hẳn có nhiều dấu mốc đáng tự hào. Đồng chí có thể chia sẻ về sự kiện đánh dấu sự ra đời của Binh chủng TTG?
Thiếu tướng Đỗ Đình Thanh: Ngày 5-10-1959, Bộ Quốc phòng ra quyết định thành lập trung đoàn xe tăng đầu tiên của Quân đội ta, lấy phiên hiệu 202. Đây là sự kiện có ý nghĩa lịch sử, đánh dấu bước phát triển tất yếu của Quân đội ta trên con đường tiến lên chính quy, hiện đại, là cơ sở quan trọng cho sự ra đời của Binh chủng TTG sau này. Ngày 5-10 trở thành ngày truyền thống của bộ đội TTG Việt Nam anh hùng.
Ngay sau khi thành lập, cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã bắt tay ngay vào huấn luyện, xây dựng, củng cố doanh trại, khu xe để tiếp nhận vũ khí, trang bị kỹ thuật (VKTBKT) do Liên Xô viện trợ. Ngày 26-9-1960, đơn vị vinh dự được đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Tư lệnh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Thượng tướng Văn Tiến Dũng, Tổng Tham mưu trưởng tới thăm, kiểm tra, động viên bộ đội. Đồng chí Tổng Tư lệnh đã giao nhiệm vụ: “Trung đoàn 202 phải trở thành trung đoàn xe tăng chính quy, hiện đại, vững mạnh toàn diện, làm nòng cốt cho sự phát triển của Binh chủng Thiết giáp sau này”. Do yêu cầu, nhiệm vụ của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ngày 22-6-1965, Bộ Quốc phòng ra quyết định thành lập Bộ tư lệnh Thiết giáp (đến năm 1994 đổi tên là Bộ tư lệnh TTG).
PV: Ngay sau chiến thắng trận đầu Tà Mây-Làng Vây, Bộ Tổng Tư lệnh đã gửi điện biểu dương, khen ngợi: “... Các đồng chí đã đánh thắng oanh liệt trận đầu, góp phần xây dựng truyền thống vẻ vang của bộ đội thiết giáp nói riêng và của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam nói chung”, “Hễ ra quân là đánh thắng, đã nổ súng là tiêu diệt địch giòn giã”... đề nghị đồng chí cho biết rõ hơn về chiến công này?
Thiếu tướng Đỗ Đình Thanh: Đầu năm 1967, tình hình cách mạng nước ta có bước phát triển mới, xuất hiện thời cơ chiến lược lớn. Ngày 5-8-1967, Bộ tư lệnh Thiết giáp được Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ triển khai lực lượng vào chiến trường miền Nam chiến đấu. Ngày 1-10-1967, Tiểu đoàn Xe tăng 198 hành quân từ huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình vào chiến trường. Trải qua 50 ngày đêm hành quân, vượt qua nhiều địa hình phức tạp, địch đánh phá ác liệt, đơn vị đã đến vị trí tập kết an toàn. Đây là cuộc hành quân lịch sử bằng xích xe tăng từ hậu phương vào chiến trường có ý nghĩa chiến lược, cực kỳ quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân và dân ta.
Để bảo đảm chắc thắng, cấp trên quyết định sử dụng Đại đội tăng 3 phối thuộc cho Trung đoàn Bộ binh 24, Sư đoàn 304 (Quân đoàn 2) tiêu diệt cứ điểm Huội San-Tà Mây. Đúng 20 giờ ngày 23-1-1968, các trung đội xe tăng lần lượt xuất kích, được bộ đội công binh bảo đảm, xe tăng ta đã dẫn dắt, chi viện bộ binh phát triển nhanh vào trung tâm sở chỉ huy của địch. Sự xuất hiện bất ngờ của xe tăng khiến quân địch hoảng hốt tháo chạy tán loạn, ta nhanh chóng đè bẹp sự kháng cự của địch. Đến 8 giờ ngày hôm sau, quân ta hoàn toàn làm chủ Tà Mây. Sau khi cụm cứ điểm Huội San-Tà Mây bị tiêu diệt, quân ta tiếp tục tiến công tiêu diệt cứ điểm Làng Vây. Chiều tối 6-2-1968, trận tiến công cứ điểm Làng Vây bắt đầu, đến rạng sáng hôm sau, quân ta đã làm chủ trận địa.
Chiến thắng Tà Mây-Làng Vây đã góp phần phá vỡ một mảng tuyến phòng thủ chiến lược của địch trên Đường số 9, dồn địch vào thế phòng thủ, bị động; đồng thời, ta đã phối hợp kịp thời với các chiến trường, góp phần vào chiến công vang dội của quân và dân cả nước trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Chiến thắng Tà Mây-Làng Vây là chiến công đầu của bộ đội thiết giáp, là trận đánh hiệp đồng binh chủng đầu tiên và điển hình về tinh thần đoàn kết giữa bộ binh, công binh, pháo binh và xe tăng, góp phần làm rạng rỡ lịch sử truyền thống “Đã ra quân là đánh thắng” của bộ đội TTG Việt Nam anh hùng.
PV: Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, hình ảnh hai chiếc xe tăng 390 và 843 húc đổ cổng dinh Độc Lập trưa 30-4-1975 đã khắc sâu vào tâm trí quân dân cả nước nói riêng, bạn bè quốc tế nói chung. Tiếp nối truyền thống “Đã ra quân là đánh thắng”, những năm qua, Đội tuyển Xe tăng Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam tham gia Hội thao Quân sự quốc tế (Army Games) và đã lập nhiều thành tích xuất sắc, đồng chí có thể chia sẻ về những chiến công đó?
Thiếu tướng Đỗ Đình Thanh: Bộ đội TTG luôn tự hào là một trong những lực lượng quan trọng có mặt tại thời khắc lịch sử trong Chiến dịch Hồ Chí Minh. Đúng 10 giờ 45 phút ngày 30-4-1975, hai chiếc xe tăng mang số hiệu 390 và 843 dẫn đầu đội hình tiến công của Lữ đoàn Xe tăng 203 húc đổ cánh cổng sắt tiến vào dinh Tổng thống ngụy quyền. Đúng 11 giờ 30 phút, Trung úy Bùi Quang Thận, Đại đội trưởng Đại đội 4 treo lá cờ giải phóng trên nóc dinh Độc Lập, báo hiệu giờ toàn thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Đây là niềm vinh dự, tự hào về truyền thống “Đã ra quân là đánh thắng” của bộ đội TTG Việt Nam anh hùng.
Những năm qua, cùng với nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, bộ đội TTG còn lập thành tích xuất sắc trong các kỳ Army Games. Đặc biệt, sau thành công của Army Games 2020, đội tuyển của ta thi đấu tại bảng 1 cùng với đội tuyển đại diện các nước có lực lượng TTG rất mạnh như: Liên bang Nga, Trung Quốc, Belarus... Năm 2022, với quyết tâm rất cao và sự nỗ lực vượt bậc, đội tuyển của ta vào vòng bán kết của bảng 1, đạt thành tích tốt, tiêu diệt 20/24 mục tiêu. Tuy không vào chung kết nhưng xét về bắn hạ mục tiêu thì đội tuyển của ta có thành tích cao thứ hai trong số 8 đội tuyển thi đấu ở bán kết, chỉ xếp sau đội tuyển Liên bang Nga. Đây là một sự nỗ lực không ngừng của Binh chủng TTG và lực lượng TTG nói chung, của Đội tuyển Xe tăng QĐND Việt Nam nói riêng.
PV: Những năm gần đây, đơn vị đã nỗ lực khắc phục khó khăn, triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao hiệu quả tổ chức, quản lý, khai thác, làm chủ các loại VKTBKT mới, hiện đại, đồng chí có thể cho biết những khâu đột phá của binh chủng?
Thiếu tướng Đỗ Đình Thanh: Những năm qua, binh chủng luôn chú trọng chọn khâu đột phá nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện, tập huấn, chuyển giao công nghệ... cho đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật và thành viên kíp xe làm chủ VKTBKT mới, hiện đại; nâng cao chất lượng công tác huấn luyện tổng hợp sát thực tế chiến đấu, sát đối tượng, địa bàn tác chiến, phù hợp với tổ chức biên chế, trang bị hiện có, vũ khí, trang bị mới, trong điều kiện địch sử dụng vũ khí công nghệ cao...
Trong thời kỳ mới, chúng tôi luôn xác định tiếp tục phát huy truyền thống đơn vị Anh hùng LLVT nhân dân, truyền thống “Đã ra quân là đánh thắng” của bộ đội TTG Việt Nam anh hùng. Không ngừng nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, tiếp tục xây dựng Binh chủng TTG và lực lượng TTG toàn quân vững mạnh toàn diện, nhất là “chất thép” về tư tưởng, chính trị, tổ chức, đạo đức, niềm tin chiến thắng và nhân tố chính trị tinh thần cho bộ đội. Bộ đội TTG luôn thấm nhuần chỉ thị của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu trong lần đến thăm cán bộ, chiến sĩ Binh chủng TTG ngày 11-2-1999: “TTG là khối sắt thép cơ động, có sức đột kích mạnh, nhưng cái quan trọng nhất là thép tư tưởng, chính trị mới là cái quyết định nhất, cơ bản nhất”.
Nhìn lại chặng đường lịch sử đã qua, chúng ta vô cùng tự hào và biết ơn các thế hệ cán bộ, chiến sĩ TTG đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, mồ hôi công sức, trí tuệ và cả xương máu, một lòng tận trung với Đảng, tận hiếu với dân trong chiến đấu và công tác, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xây đắp nên truyền thống “Đã ra quân là đánh thắng” của bộ đội TTG Việt Nam anh hùng.
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
NGUYỄN KIÊN THÁI (thực hiện)