Phóng viên (PV): Trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, Quân khu 3 vừa là hậu phương, vừa là tiền tuyến, cung cấp sức người, sức của chi viện cho các chiến trường... Vì vậy, số lượng đối tượng chính sách là thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công, người bị nhiễm chất độc hóa học... trên địa bàn quân khu hiện nay rất lớn. Đồng chí có thể nói rõ hơn về sự cống hiến, hy sinh của quân và dân Quân khu 3?

Đại tá Nguyễn Nam Tiến: Đúng vậy, qua các cuộc kháng chiến và công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, quân khu đã động viên hơn 3 triệu thanh niên nhập ngũ, hơn 60 vạn thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến phục vụ các chiến dịch, chiến trường. Quân và dân Quân khu 3 luôn có mặt ở những trọng điểm ác liệt, tham gia nhiều chiến dịch lớn, những thời khắc lịch sử, như: Chiến thắng Điện Biên Phủ, cắm cờ trên nóc Dinh Độc Lập, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước... Chỉ tính riêng trong cuộc kháng chiến chống Pháp, nhân dân và LLVT Liên khu 3 (nay là Quân khu 3) đã phối hợp với các đơn vị chủ lực, đánh hơn 78.600 trận lớn, nhỏ; loại khỏi vòng chiến đấu gần 400.000 tên địch, phá hủy và thu hơn 42.000 súng các loại, phá hủy và bắn rơi 126 máy bay, đánh đổ 1.299 đầu tàu và toa xe lửa quân sự, đốt cháy và thu 2 triệu lít xăng, cùng hàng trăm nghìn phương tiện chiến tranh.

Trong cuộc chiến chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ra miền Bắc, quân và dân Quân khu 3 đã phối hợp chặt chẽ với các Quân chủng Hải quân, Phòng không-Không quân tạo nên thế trận hiệp đồng vừa rộng khắp, vừa có trọng điểm, đánh địch nhiều tầng, nhiều hướng; đạt hiệu suất chiến đấu cao. LLVT quân khu cùng với các lực lượng trên địa bàn đánh 39.450 trận, bắn rơi 1.526 máy bay Mỹ (trên tổng số 4.181 máy bay Mỹ bị bắn rơi ở miền Bắc), trong đó có 10 máy bay B-52, 2 máy bay F-111, bắt sống nhiều giặc lái; bắn chìm, bắn cháy 75 tàu chiến các loại, tiêu diệt nhiều toán biệt kích Mỹ-ngụy; rà phá và tháo gỡ gần 69.000 quả bom, mìn, thủy lôi, phá tan chiến dịch phong tỏa đường biển vào cảng Hải Phòng... Hiện nay, Quân khu 3 là một trong những quân khu có nhiều đối tượng chính sách nhất, với gần 22.000 Bà mẹ Việt Nam anh hùng; 250.000 liệt sĩ, 150.000 thương binh, bệnh binh và hàng vạn người bị nhiễm chất độc hóa học da cam/dioxin... Sự hy sinh trên đã góp phần làm nên giá trị truyền thống của LLVT Quân khu 3 “Đoàn kết, chủ động, sáng tạo, hy sinh, chiến thắng”.

leftcenterrightdel

Lãnh đạo Quân khu 3 tặng quà các đối tượng chính sách địa bàn thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, năm 2019. Ảnh: HUỲNH THIỆN 

PV: Tôi còn nhớ thời bao cấp, dù điều kiện kinh tế khó khăn nhưng các địa phương của Quân khu 3 đều có những ưu tiên cả về vật chất và tinh thần cho các gia đình chính sách, gia đình bộ đội, như tạo điều kiện cho con thương binh, liệt sĩ đi đào tạo ở các cơ sở giáo dục chất lượng tốt; giảm thuế nông nghiệp; ưu tiên tem phiếu mậu dịch; chia thêm khẩu phần lương thực, thực phẩm dịp lễ, tết... Vậy hiện nay, việc thực hiện chính sách thương binh, liệt sĩ và người có công trên địa bàn quân khu như thế nào, thưa đồng chí?

Đại tá Nguyễn Nam Tiến: Sự quan tâm, chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công và các đối tượng chính sách luôn xuyên suốt và là truyền thống tốt đẹp của LLVT Quân khu 3. Quán triệt và triển khai các nghị quyết của Đảng, Quân ủy Trung ương, Đảng ủy Quân khu 3 có nghị quyết chuyên đề lãnh đạo về công tác chính sách hậu phương quân đội; Bộ tư lệnh Quân khu 3 đã cụ thể hóa bằng các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án và chỉ đạo, triển khai quyết liệt, hiệu quả. Hằng năm, Bộ tư lệnh quân khu đều họp bàn, thống nhất hoạt động với lãnh đạo 9 tỉnh, thành phố trên địa bàn; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị; tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội để huy động mọi nguồn lực, kết hợp ngân sách nhà nước, địa phương và xã hội hóa công tác chính sách, chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công và các đối tượng chính sách khác.

Trên địa bàn quân khu, xuất hiện nhiều mô hình tiêu biểu, sáng tạo, hiệu quả trong công tác chính sách, như: TP Hải Phòng hỗ trợ gạch cho thương binh, gia đình liệt sĩ xây nhà. Tỉnh Quảng Ninh hỗ trợ, tạo việc làm cho con đối tượng chính sách; mua Thẻ bảo hiểm y tế tặng người chăm sóc nạn nhân chất độc da cam/dioxin... 100% Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống trên địa bàn quân khu đều được phụng dưỡng. Các địa phương nỗ lực, bảo đảm mức sống của đối tượng chính sách ngang bằng trở lên với các hộ trong khu dân cư. Các tỉnh, thành phố đều đẩy mạnh các phong trào: “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, xây dựng nhà tình nghĩa cho đối tượng chính sách...

Trong 5 năm (2017-2022), toàn quân khu đã quyên góp, ủng hộ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” gần 20 tỷ đồng; Quỹ “Vì người nghèo” hơn 17 tỷ đồng; hỗ trợ xây mới 662 căn nhà tình nghĩa, 72 nhà đồng đội; tặng 336 sổ tiết kiệm, đỡ đầu và tuyển dụng 101 con của liệt sĩ, thương binh, bệnh binh nặng vào các cơ quan, đơn vị công tác; đóng góp hơn 70.000 ngày công lao động xây dựng, tu sửa nhà tình nghĩa; tặng cây, con giống, công cụ sản xuất trị giá gần 2 tỷ đồng cho gia đình chính sách; khám sức khỏe, cấp thuốc điều trị miễn phí cho hơn 35.000 lượt đối tượng chính sách...

leftcenterrightdel
 Các thầy thuốc Bệnh viện Quân y 7 (Cục Hậu cần, Quân khu 3) khám bệnh cho bệnh nhân là đối tượng chính sách. Ảnh: NAM HÒA

PV: Chiến tranh đã lùi xa, song các chế độ, chính sách thương binh, liệt sĩ, người có công vẫn phải tiếp tục tiến hành. Nhiều gia đình liệt sĩ mong mỏi tìm thấy hài cốt thân nhân và quy tập, an táng về nghĩa trang liệt sĩ quê nhà. Đồng chí có thể cho biết giải pháp và những kết quả đạt được của các cơ quan, đơn vị LLVT Quân khu 3 trong thực hiện những vấn đề trên?

Đại tá Nguyễn Nam Tiến: Công tác chính sách thương binh, liệt sĩ, người có công luôn là sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước và các cấp bộ, ngành, địa phương. Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu 3 lãnh đạo, chỉ đạo, giao cơ quan chức năng nghiên cứu, tham mưu để triển khai thực hiện công tác này đạt kết quả cao nhất. Phương châm của quân khu là giải quyết các chế độ, chính sách thương binh, liệt sĩ, người có công phải bảo đảm đúng các quy trình quy định; thận trọng, cụ thể, tỉ mỉ; giải quyết thấu tình đạt lý, không để sai sót, tạo được sự đồng thuận xã hội cao. Nhờ đó, từ năm 2017 đến nay, toàn quân khu đã có 3.290 trường hợp được xét duyệt, cơ quan có thẩm quyền ra quyết định hưởng chế độ thương binh; 34 trường hợp hưởng chế độ bệnh binh; đề nghị cấp Bằng Tổ quốc ghi công cho 112 liệt sĩ. Công tác chính sách đối với người tham gia kháng chiến được thực hiện nghiêm túc, đúng hướng dẫn, quy định của Nhà nước, Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội...

Xác định công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ là việc làm mang ý nghĩa chính trị sâu sắc, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, là tình cảm, trách nhiệm, lòng biết ơn và sự tri ân với anh hùng liệt sĩ, Bộ tư lệnh Quân khu 3 chỉ đạo các đơn vị, địa phương nỗ lực thực hiện nhiệm vụ này. Đến nay, toàn quân khu đã hoàn thành lập hồ sơ, danh sách liệt sĩ, kết luận địa bàn, sơ đồ quản lý các nghĩa trang liệt sĩ và bản đồ tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ trên địa bàn 9 tỉnh, thành phố để phục vụ công tác quản lý, tra cứu dữ liệu thông tin liệt sĩ. Cũng 5 năm qua, toàn quân khu tổ chức 10 đợt tìm kiếm, quy tập 129 hài cốt liệt sĩ, bàn giao về 17 tỉnh, thành phố cả nước và tổ chức an táng tại nghĩa trang liệt sĩ địa phương đúng nghi thức quân đội. Các địa phương thuộc quân khu tiếp nhận hài cốt, tổ chức lễ truy điệu 263 liệt sĩ hy sinh tại các chiến trường và ở nước bạn Lào, Campuchia, an táng trong nghĩa trang của quê hương liệt sĩ...

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

HƯƠNG HỒNG THU (thực hiện)