Cuối tháng 12-1953, Bộ Chính trị quyết định chọn Điện Biên Phủ làm điểm quyết chiến chiến lược. Những đơn vị chiến lược của chiến cuộc Đông-Xuân (1953-1954) sau thời gian chuẩn bị được tung ra mặt trận, trong đó có Trung đoàn 367 vừa bí mật hành quân từ Trung Quốc về nước biên chế trong đội hình của Đại đoàn công pháo 351. “Ngày 22-12, lệnh xuất quân đến với trung đoàn. Cả khu rừng bỗng chốc náo động. Có chiến sĩ phấn khởi quá, bế bổng bạn lên quay mấy vòng. Những chiến sĩ đang bị sốt rét hành hạ cũng tung chăn nhỏm dậy. Lều bạt được tháo, gấp trong tiếng nói, tiếng cười rổn rang. Ai nấy đều vội vã, cứ như nếu lỡ cơ hội này thì cấp trên sẽ thay đổi, để đơn vị mình ở lại. Khi chúng tôi đi nhận kế hoạch hành quân về thì mọi công tác chuẩn bị đã được các chiến sĩ tự động làm đâu vào đấy”, Thiếu tướng Nguyễn Quang Bích (1922-2010), nguyên Phó tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân; nguyên Phó trung đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Trung đoàn 367 trong Chiến dịch Điện Biên Phủ nhớ lại.
Thời điểm ấy, núi rừng Tây Bắc bừng bừng khí thế ra trận. Mới năm nào, đường tiến quân còn nhỏ hẹp, cây cỏ um tùm, đầy những ụ, hố, nay đã được mở rộng, vươn dài. Theo tiếng gọi của Đảng, hàng vạn nam nữ dân công, thanh niên xung phong với bàn tay lao động và dụng cụ thô sơ đã cùng các chiến sĩ công binh vượt khó khăn, gian khổ bạt núi, phạt rừng làm cầu nổi, cầu ngầm mở đường cho bộ đội ta đi ra tiền tuyến. Đối với đoàn pháo binh cơ giới, thử thách đầu tiên đến với họ là gặp phải nhiều đoạn đường cua gấp quá hẹp, xe kéo pháo không thể vượt qua. Muốn bảo đảm an toàn phải chờ dân công sửa hàng tuần lễ, như vậy không thể tới đích đúng thời gian.
Thiếu tướng Nguyễn Quang Bích kể: “Trong cuộc chạy đua có ý nghĩa chiến lược này, chỉ một phút dừng lại thì kẻ địch sẽ nhích hơn ta 1 phút. Nhớ lời đồng chí Nguyễn Chí Thanh-Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị dặn hôm giao nhiệm vụ: “Phải làm sao có thể thu nhỏ xe, pháo lại cho vừa với đường kháng chiến, trên sẽ tích cực giúp đỡ nhưng bộ đội ta cần lấy sức mình là chính”, cả đơn vị sôi nổi thảo luận. Cuối cùng, một sáng kiến được mọi người đồng tình, đó là vận dụng khoa mục chiếm lĩnh trận địa đã học ở trường, cắt pháo khỏi xe, dùng tay kéo qua chỗ khó. Bằng cách đó sẽ không phải chờ sửa đường mà ta vẫn tiến quân được”.
Cứ như vậy hết đêm này qua đêm khác, mặc cho mưa rét và mệt nhọc, đoàn pháo binh cơ giới của ta vẫn băng mình tiến lên phía trước, tập kết kịp thời gian tại những chặng đường đã quy định. Nhiều lần, khi bộ đội chuẩn bị thu pháo để hành quân thì tiếng động cơ máy bay vọng đến, rồi chúng xuất hiện từng tốp ngay trên đầu. Nổ súng lúc này có thể hạ được máy bay địch, bảo vệ khu vực trú quân, nhưng yếu tố bất ngờ về hỏa lực pháo cao xạ cho chiến dịch khó mà giữ được. Vì vậy, ban chỉ huy đơn vị hạ lệnh: “Tất cả sẵn sàng tiêu diệt địch ngay từ loạt đạn đầu, nhưng phải chờ lệnh. Tuyệt đối không được nổ súng!”.
Hiểu rõ tâm tư của các chiến sĩ chỉ mong giờ phút được giương nòng pháo nã đạn vào kẻ thù nên chính trị viên của các đại đội, tiểu đoàn thường xuyên động viên anh em bình tĩnh, sẽ có ngày chúng phải đền tội! Vì vậy, suốt chặng đường, bộ đội luôn trong tâm thế hành quân và sẵn sàng nổ súng bất cứ lúc nào. Khẩu hiệu “Chưa chuẩn bị chiến đấu tốt, chưa ăn ngon, ngủ yên” đã thành nếp quen của bộ đội.
|
|
Cụm tượng đài kéo pháo ở Điện Biên Phủ. Ảnh: QUANG KIÊN
|
Ngày 14-1-1954, hội nghị cán bộ toàn chiến dịch diễn ra khi các đơn vị pháo cao xạ và lựu pháo đã có mặt ở vị trí tập kết đông đủ, đúng thời hạn. “Trong hội nghị, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã truyền đạt quyết tâm của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh mở Chiến dịch Trần Đình, tập trung lực lượng tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Bên bàn cát lớn đắp toàn cảnh Điện Biên Phủ, Bộ chỉ huy chiến dịch lần lượt giao nhiệm vụ cho các đại đoàn. Để yểm hộ cho bộ binh chiến đấu, đoàn pháo binh cơ giới được lệnh sẽ để xe lại, dùng sức người đưa cả mấy chục khẩu lựu pháo và pháo cao xạ vào bố trí trận địa ở hướng chủ yếu. Các cán bộ pháo cao xạ nhìn nhau không giấu nổi vẻ ngạc nhiên, họ không biết sẽ làm thế nào để có thể dùng tay kéo hàng trăm tấn thép cồng kềnh vượt qua chặng đường núi non hiểm trở dài hàng chục cây số?...
Thấy rõ những băn khoăn của họ, Đại tướng ôn tồn nói: Chúng ta chủ trương kéo pháo bằng sức người không phải vì chúng ta không làm được đường cho xe chạy mà chính là vì chúng ta hết sức giữ bí mật, bất ngờ, nhất là bất ngờ về hỏa lực lựu pháo và pháo cao xạ, những lực lượng đầu tiên tham chiến”-Đại tá Nguyễn Bội Giong, nguyên chuyên viên cao cấp của Bộ Tổng Tham mưu, Thư ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, kể.
Chấp hành nhiệm vụ do Bộ tư lệnh chiến dịch giao, Phó trung đoàn trưởng Nguyễn Quang Bích đã cùng đồng đội quyết tâm thực hiện ngay. Trên con đường đầy dốc cao, vực thẳm chưa có tên trên bản đồ bắt đầu vang lên tiếng hò kéo pháo. Ròng rã hơn 10 đêm liền, quân ta đã kéo pháo vào tới trận địa. Trên cánh đồng Na Hi, Bản Tố, những khẩu 37mm và súng máy cao xạ đang náu mình chờ địch. Chính lúc đó, một mệnh lệnh đến đột ngột, đột ngột hơn cả khi họ nhận nhiệm vụ kéo pháo bằng tay qua núi: “Ngay từ tối hôm nay, bắt đầu chuyển pháo ra khỏi trận địa lâm thời, đến vị trí an toàn. Mệnh lệnh này cần được chấp hành triệt để. Nhiệm vụ chuyển pháo ra coi như nhiệm vụ chiến đấu”...
Sau bao ngày kéo pháo gian khổ chỉ mong tới giờ phút được nổ súng mà nay lại rút ra, khiến cả mặt trận “sửng sốt”. Thiếu tướng Nguyễn Quang Bích tâm sự: “Bấy giờ, tuy chưa hiểu rõ ý định của cấp trên nhưng xếp lại mọi thắc mắc chờ nghe giải đáp sau, Đảng ủy Đại đoàn 351 nhanh chóng họp và quyết nghị tuyệt đối tin tưởng sự chỉ đạo của Bộ chỉ huy mặt trận, chấp hành mệnh lệnh thật tốt. Đồng thời, chúng tôi phân công nhau xuống tận cơ sở động viên, kiểm tra bộ đội”.
Tại Tiểu đoàn 383, Trung đoàn 367, đồng chí Phạm Ngọc Mậu, Chính ủy Đại đoàn 351 nói: “Tôi cũng như các đồng chí đều thấy kéo pháo vào mồ hôi của chúng ta đã đổ nhiều, kéo ra bây giờ còn gay go, gian khổ hơn, nhưng chúng ta vẫn kiên quyết chấp hành vì đó là chủ trương đúng. Quyết tâm tiêu diệt kẻ thù trước sau vẫn như một. Vì tình hình địch có thay đổi nên ta phải chủ động đổi kế hoạch. Đưa pháo ra bây giờ chính là để chuẩn bị điều kiện trở vào lần thứ hai được thắng lợi chắc chắn hơn. Chúng ta đã được thử thách với nhiều kinh nghiệm qua bao ngày kéo pháo vào, bộ binh, pháo binh, công binh tổ chức, chỉ huy cụ thể, hiệp đồng chặt chẽ. Vì vậy nhất định chúng ta sẽ hoàn thành nhiệm vụ kéo pháo ra theo đúng mệnh lệnh!”.
Vậy là, máu và mồ hôi của cán bộ, chiến sĩ lại rơi theo những vết bánh pháo mới, những vết chân lại in chồng lên nhau. Cho tới ngày nay và mãi mãi về sau, kỳ công kéo pháo trong Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử luôn là trang sử vàng của Bộ đội Pháo binh Việt Nam.
Ngày 13-3-1954, quân ta được lệnh mở cuộc tấn công vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Nhiệm vụ của đợt 1 chiến dịch là phải tiêu diệt 3 trung tâm đề kháng: Him Lam, Độc Lập và Bản Kéo, tạo điều kiện thắt chặt vòng vây và mở cuộc tấn công vào khu trung tâm. Đại đoàn 351 nhận lệnh dùng toàn bộ hỏa lực pháo mặt đất trực tiếp ủng hộ cho bộ binh diệt các cứ điểm, kiềm chế pháo binh địch, tập kích vào các cơ quan chỉ huy, kho tàng và sân bay địch. Pháo binh ta giội những trận bão thép xuống đầu quân địch. Pháo cao xạ yểm hộ cho các đơn vị đảm nhiệm hướng chủ yếu được an toàn, bảo vệ trận địa pháo binh từ Hồng Cúm đến Đông bản Nà Lời và phát triển về phía sân bay Mường Thanh...
Vấp phải lưới lửa cao xạ, cả Phi đội 14 của địch trước đây tự do tung hoành trên bầu trời Tây Bắc không giữ nổi đội hình chiến đấu, thay nhau tháo chạy. “Lúc này, các chiến sĩ pháo binh mới hiểu hết ý nghĩa và tác dụng lớn lao của việc giữ bí mật, tạo bất ngờ về hỏa lực của binh chủng mà bao lâu nay chúng tôi phấn đấu bền bỉ, gian khổ thực hiện. Những tiếng “hoan hô cao xạ pháo” của các đồng chí bộ binh khi thấy máy bay địch chạy tán loạn càng thôi thúc chúng tôi tiến về phía trước”-Thiếu tướng Nguyễn Quang Bích chia sẻ.
HƯỚNG NAM