Bước ngoặt của lịch sử hay “sai lầm lịch sử”?

Tác giả của bài viết này đã nhiều lần đến quê hương của Cách mạng Tháng Mười, chứng kiến nhiều đoàn khách nghiêng mình kính cẩn viếng lãnh tụ V.I.Lênin và được nghe nhiều người dân nước Nga kiêu hãnh nói về ý nghĩa lịch sử của cuộc Cách mạng Tháng Mười vĩ đại.

Theo những người dân Nga, phải hình dung nước Nga và cả thế giới hơn 100 năm trước mới thấy hết được tầm vóc của cuộc cách mạng lịch sử do V.I.Lênin và Đảng Bolshevik lãnh đạo làm rung chuyển toàn thế giới. Trước đó, nước Nga với chế độ chuyên chế Nga hoàng được ví như ngục tù lớn nhất của các dân tộc phương Đông.

Dưới ánh sáng của “Luận cương tháng Tư” và sự chỉ đạo của V.I.Lênin, những người Bolshevik xác định nhiệm vụ cấp bách và quan trọng nhất cho toàn Đảng lúc đó ở nước Nga là phải lôi cuốn đông đảo giai cấp công nhân và nhân dân lao động về phía cách mạng; thành lập đội quân chính trị đông đảo, đủ sức mạnh đánh bại lực lượng phản cách mạng; thành lập lực lượng vũ trang cách mạng làm chỗ dựa vững chắc cho cuộc đấu tranh chính trị và chủ động đối phó với sự thay đổi của tình hình. Cách mạng đã lật đổ quyền thống trị của giai cấp tư sản, của lực lượng chuyên chế phong kiến Nga hoàng, xóa bỏ tình cảnh nô lệ của quần chúng công-nông, đem lại cho họ quyền tự do, dân chủ và địa vị làm chủ xã hội.

leftcenterrightdel
 

Người dân đọc báo số ra ngày 10-11-1917, trong đó đăng tải các sắc lệnh của V.I.Lênin về hòa bình và đất đai. Ảnh: rbth.com

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga cùng với sự ra đời của nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới được xem là sự kiện lịch sử vĩ đại nhất của thế kỷ 20. Từ chỗ chỉ là ước mơ cao đẹp của loài người, sau Cách mạng Tháng Mười Nga, chủ nghĩa xã hội (CNXH) đã trở thành hiện thực và có sức mạnh vô cùng to lớn, mở đường cho các dân tộc bị áp bức vùng lên đấu tranh giành độc lập, tự do.

Thế nhưng, trong nhiều năm qua, đã có không ít kẻ cơ hội chính trị vẫn luôn tìm mọi cách xuyên tạc, phủ nhận giá trị, ý nghĩa của Cách mạng Tháng Mười. Thậm chí, có người còn cho rằng, Cách mạng Tháng Mười Nga là “sai lầm lịch sử” nên cần phải xóa bỏ mọi sản phẩm ra đời từ “sai lầm” đó, bao gồm tư tưởng của Chủ nghĩa Mác-Lênin, Nhà nước Liên Xô, Đảng Cộng sản Liên Xô, hệ thống XHCN... Đặc biệt, từ khi Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu do mắc các sai lầm và sụp đổ (năm 1991), họ đã “kết luận” rằng, Cách mạng Tháng Mười Nga kéo nước Nga theo con đường XHCN là trái với quá trình lịch sử-tự nhiên.

Sự thật không thể phủ nhận

Có lẽ những kẻ cơ hội chính trị nói trên không biết hoặc cố tình không muốn biết rằng, ngay sau Cách mạng Tháng Mười, V.I.Lênin và Đảng Bolshevik Nga đã tập trung củng cố chính quyền Xô viết, xây dựng chế độ xã hội mới, đem lại cuộc sống tốt đẹp cho quần chúng nhân dân. “Sắc lệnh hòa bình” và “Sắc lệnh ruộng đất” được ban hành ngay sau khi cách mạng thành công, đáp ứng được ý nguyện của quần chúng nhân dân lao động Nga về một cuộc sống hòa bình, tự do và hạnh phúc. Nhờ sức mạnh công nghiệp hùng hậu, nhờ sức động viên của chế độ xã hội mới, nhờ sự quên mình của nhân dân, tài tổ chức lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô, một đảng được tôi luyện trong ngọn lửa Tháng Mười, Liên Xô đã trở thành lực lượng quyết định nhất tiêu diệt chủ nghĩa phát xít, cứu loài người khỏi thảm họa hủy diệt. Chỉ trong vòng 20 năm sau chiến tranh, Liên Xô đã đạt những thành tựu vĩ đại làm cả thế giới khâm phục: Nước đầu tiên khai phá con đường chinh phục vũ trụ, cũng là nước đầu tiên đưa năng lượng hạt nhân vào phục vụ đời sống hòa bình của con người.

Cũng cần phải nhắc lại rằng, sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, chế độ XHCN được xây dựng ở hàng loạt quốc gia châu Âu (CHDC Đức, Tiệp Khắc, Ba Lan, Hungary, Bulgaria, Romania, Albania...), châu Á (Trung Quốc, Việt Nam, Mông Cổ, Triều Tiên, Lào) và khu vực Mỹ Latin (Cuba), tạo thành hệ thống XHCN thế giới. Bên cạnh đó, có hàng chục quốc gia khác định danh XHCN trong quốc hiệu của mình và nhiều quốc gia châu Á, châu Phi, Mỹ Latin tuyên bố định hướng XHCN.  

 Với người lao động ở vị trí làm chủ xã hội, hệ thống XHCN thế giới đã phát triển kinh tế rất mạnh mẽ, vượt qua chủ nghĩa tư bản (CNTB) về tốc độ tăng trưởng trong nhiều thập kỷ, công nghiệp hóa thành công, nhanh chóng xóa bỏ tình trạng nghèo nàn ở nhiều quốc gia, trở thành một lực lượng kinh tế-vật chất hùng hậu trên thế giới. Phát triển xã hội với nhiều ưu việt về văn hóa, giáo dục, y tế, nhà ở, thể thao, bình đẳng giới, phúc lợi xã hội và quyền của nhân dân lao động nói chung. Phát triển khoa học kỹ thuật, công nghệ với tốc độ và thành tựu bước ngoặt, dẫn đầu thế giới trên nhiều lĩnh vực, điển hình là khoa học vũ trụ, kỹ thuật quân sự... Thực hành nền đối ngoại hòa bình, hợp tác và phát triển, gắn hòa bình với độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, quyền tự quyết, bình đẳng trong sinh hoạt quốc tế; tạo ra một kiểu quan hệ quốc tế mới giữa các quốc gia, dân tộc; giương cao ngọn cờ chủ nghĩa quốc tế vô sản.

Thực tế là như vậy, nhưng một số đối tượng lại tìm mọi cách xuyên tạc lịch sử, lợi dụng sai lầm của một số đảng cộng sản để phản bác Chủ nghĩa Mác-Lênin, cho rằng, “CNXH là không tưởng”, là “sai lầm của lịch sử”...

Năm 2005, trong thông điệp trước Quốc hội Liên bang Nga, Tổng thống Nga V.Putin đã mô tả sự sụp đổ của Liên Xô như thảm họa địa chính trị lớn nhất của thế kỷ trước.

Sức sống trường tồn của Chủ nghĩa Mác-Lênin

Thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 đánh dấu sự ra đời của CNXH hiện thực trên thế giới. Từ một nước, CNXH đã phát triển thành một hệ thống, với những thành tựu to lớn và tính ưu việt nổi bật. Tuy nhiên, sự sụp đổ của Liên Xô và các nước Đông Âu vào thập kỷ cuối thế kỷ 20 làm cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế lâm vào giai đoạn khủng hoảng, tạm thời thoái trào. Lợi dụng vấn đề này, các thế lực thù địch, phản động và chủ nghĩa cơ hội, xét lại ra sức công kích, xuyên tạc Chủ nghĩa Mác-Lênin, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, con đường đi lên CNXH ở Việt Nam và cho rằng: “Đi theo CNTB, Việt Nam mới giàu có và phù hợp với xu thế phát triển của thời đại hiện nay”. 

 Ai cũng biết rằng, do sử dụng có hiệu quả các thành tựu của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại, sự phát triển của lực lượng sản xuất đã làm cho của cải trong xã hội có sự gia tăng nhanh chóng. Thế nhưng, CNTB vẫn được xây dựng trên nền tảng chế độ chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất nên sự giàu có đó luôn thuộc về thiểu số giai cấp tư sản thống trị, bóc lột; đại đa số công nhân, nhân dân lao động luôn có nguy cơ bị đẩy vào cảnh thất nghiệp, nghèo đói và ngày càng bần cùng hóa. Nhiều ông chủ tư sản đang nắm giữ khối tài sản vài chục tỷ USD-nhiều hơn tài sản của một quốc gia nghèo. Việc nhiều công nhân và người lao động ở các nước tư bản hiện nay sở hữu một lượng cổ phần, cổ phiếu nhất định và có cuộc sống vật chất tương đối đầy đủ không phải do sự hảo tâm của giai cấp tư sản, càng không phải CNTB đã thay đổi về bản chất như nhiều người lầm tưởng, mà đó là sự điều chỉnh, thích nghi của CNTB để kéo dài sự tồn tại và phát triển. Thực tế, khoảng cách giàu nghèo ngày càng gia tăng ở các nước tư bản và giữa các nước tư bản phát triển với các nước đang phát triển. Hậu quả của cuộc cách mạng khoa học, công nghệ hiện đại và các chính sách tư nhân hóa, bãi bỏ hoặc cắt giảm phúc lợi xã hội... đang đẩy hàng triệu người lao động lâm vào cảnh mất việc làm. 

Nếu chỉ coi sự sụp đổ của mô hình CNXH ở Liên Xô và các nước Đông Âu là bằng chứng để thừa nhận thời đại hiện nay là của CNTB thì đó là cách nhìn thiển cận, thiếu kiến thức lịch sử và khoa học về thời đại. Bởi, quá trình ra đời, phát triển và thay thế thời đại này bằng một thời đại khác phải trải qua chặng đường lâu dài, quanh co, phức tạp, chứa đựng cả bước tiến mạnh mẽ và cả sự tụt lùi, đổ vỡ.

Hiện nay, CNXH hiện thực mặc dù đang gặp nhiều khó khăn, nhưng xu thế phát triển tất yếu của thời đại từ CNTB lên CNXH vẫn luôn tỏ rõ trong thực tế. CNXH hiện thực vẫn tồn tại ở một số nước và khẳng định sức sống mãnh liệt, triển vọng phát triển. Sự phát triển của Việt Nam trong những năm qua là một ví dụ sinh động. Những tư tưởng về một xã hội công bằng, bình đẳng vẫn tiếp tục thẩm thấu trong nhận thức và biến thành hành động cách mạng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên thế giới. Các định hướng về giải phóng lực lượng sản xuất, xóa bỏ áp bức, bóc lột, bất công, sự phân hóa giàu nghèo... để hướng tới một xã hội văn minh, giàu mạnh vẫn là những giá trị cơ bản, phù hợp với tình cảm, nguyện vọng và lợi ích của đại đa số nhân dân lao động trên toàn thế giới.

Trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luận giải và khẳng định: “Ngay khi mới ra đời và trong suốt quá trình đấu tranh cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn luôn khẳng định: CNXH là mục tiêu, lý tưởng của Đảng Cộng sản và nhân dân Việt Nam; đi lên CNXH là yêu cầu khách quan, là con đường tất yếu của cách mạng Việt Nam”.

ĐỖ PHÚ THỌ