Trong Chiến dịch Đường 9-Nam Lào (1971), Mỹ-ngụy đổ bộ đánh vào đội hình trung đoàn, trong đó có tuyến của tiểu đoàn tôi. Bộ đội đường ống cùng với Sư đoàn 2 chiến đấu giành giật với địch từng đoạn tuyến ống, nhất là ở C6-cao điểm 723-660. Sau 42 ngày, chiến dịch kết thúc, chúng ta toàn thắng. Sau chiến dịch, cả trung đoàn lại lao vào nhiệm vụ vận hành xăng dầu và kéo dài tuyến ống, đồng thời tổng kết mùa khô, tổng kết chiến dịch.
Ngày 24-6-1971, báo cáo tổng kết đã được làm xong. Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Minh Phương ký xác nhận giao cho Thượng sĩ Hoàng Văn Sấn mang nộp lên cơ quan hậu cần trung đoàn. Một con người cẩn thận, trách nhiệm như Sấn, ai ngờ có việc mang báo cáo nộp lên trên mà “không hoàn thành nhiệm vụ”. Trung đoàn không nhận được báo cáo, còn Sấn thì đã được điều động sang trung đoàn khác. Chiến tranh đã đi qua bao năm rồi. Trung đoàn 592 anh hùng đã giải thể. Lớp anh chị em làm công tác hậu cần có người hy sinh ngay tại chiến trường như: Tóm, Sơn, Nhân, Vân, Vi, Nhàn...; có người vì tuổi già, đã ra đi. Đa phần bây giờ đã có tuổi, năm tháng có khi nhớ quên nhầm lẫn. Nhưng với tôi, bản báo cáo hậu cần mùa khô năm ấy vẫn ám ảnh, vì nó phản ánh tình hình hậu cần tiểu đoàn vào thời kỳ gian khổ, ác liệt nhất, vậy mà nó thất lạc đi đâu?
Năm 2009, nhân kỷ niệm 50 năm Ngày mở Đường Hồ Chí Minh, cựu chiến binh đường ống Trường Sơn tổ chức gặp mặt. Đêm hôm trước ngày gặp mặt, Sấn đến nhà tôi, trao lại bản báo cáo. Anh kể: “Trên đường lên trung đoàn bộ thì tôi nhận được lệnh phải nhập đoàn hành quân vào đơn vị mới nên không thể chuyển lên cấp trên được. Tôi định đến địa điểm mới sẽ gửi ngay về. Không ngờ phải hành quân cả tuần, khi có thể gửi thì đã quá thời hạn tổng kết. Tôi rất ân hận vì đây là tổng hợp công sức của công tác hậu cần trong thời kỳ gian khổ, ác liệt nhất của tiểu đoàn. Tôi quyết định phải giữ gìn để trao lại cho anh”.
    |
 |
Trung tá NGUYỄN XUÂN GIÁ . Ảnh do nhân vật cung cấp. |
Tôi rưng rưng nhìn bản báo cáo viết tay của mình ở hang Bản Na 37 năm trước, 30 trang giấy kẻ ô ly chữ như còn tươi mực. 37 năm, Sấn đã qua bao đơn vị, bao nhiêu bom đạn mà bản báo cáo vẫn được giữ cẩn thận. Đọc bản báo cáo, những hoạt động sôi nổi và đáng tự hào của chúng tôi ngày xưa ấy như hiện về mồn một.
Đọc lại bản báo cáo, những tên đơn vị làm công tác hậu cần giỏi lại hiện về: Bếp ăn, tập thể Đại đội 3, bếp 40, Đại đội 4, Đại đội 2... Rồi những cá nhân xuất sắc: Nguyễn Thị Then, Nguyễn Văn Sơn, Ngô Văn Thọ, Hoàng Văn Sấn... Đặc biệt là y tá Ngô Mậu Khưng, người dũng cảm lăn lộn trên trọng điểm Pha Băng Nưa ác liệt. Anh quê ở xã An Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, từ sau năm 1975 chưa gặp lại.
Năm 1973, Tiểu đoàn Đường ống 668 được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Là những người làm công tác hậu cần, chúng tôi tự hào vì đã góp phần nhỏ bé của mình vào thành tích chung của đơn vị. Thượng sĩ Hoàng Văn Sấn ngày ấy, khi xuất ngũ mang quân hàm đại úy. Cách gìn giữ bản báo cáo của anh thể hiện một con người đầy tinh thần trách nhiệm với đơn vị. Không hiểu bằng cách nào mà câu chuyện bản áo cáo lưu lạc ấy đến tai Bảo tàng Hậu cần. Ngày 4-5-2012, đồng chí Trung úy Hoàng Anh Giá được Ban giám đốc bảo tàng cử đến gặp tôi, xin được tiếp nhận bản báo cáo để làm kỷ vật chiến tranh. Tôi cảm động trao tặng bảo tàng, vì nghĩ rằng một bản báo cáo được viết giữa lúc ác liệt nhất của chiến tranh, giờ có thể coi như kỷ vật quý.
Như vậy, kể từ ngày 24-6-1971 đến ngày về đến Bảo tàng Hậu cần, bản báo cáo đã đi qua khoảng thời gian hơn 40 năm. Đó cũng là một kỷ niệm sâu sắc trong đời làm công tác hậu cần của tôi.
Trung tá NGUYỄN XUÂN GIÁ