Chúng tôi cùng đoàn công tác của Ban CHQS thị xã Nghi Sơn (Thanh Hóa) do Thượng tá Lê Hòa Hiệp, Chính trị viên Ban CHQS thị xã làm trưởng đoàn đến thăm, tặng quà Thiếu tá Lại Văn Tùng, sinh năm 1941, ở tổ dân phố Liên Thịnh, phường Hải Bình, thị xã Nghi Sơn. Ông Tùng nguyên là báo vụ chính Tàu T167, Phân đội 7, tham gia trận đánh ngày 5-8-1964, góp phần làm nên Chiến thắng trận đầu của quân và dân miền Bắc chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.

Ở tuổi 83, ông Tùng sức khỏe đã yếu, song còn minh mẫn. Gợi lại những năm tháng hào hùng chống Mỹ và tham gia trận đánh ngày 5-8-1964, ông hào hứng kể: “Tôi nhập ngũ tháng 2-1961 vào Tiểu đoàn 135 (Cục Hải quân). Sau đó, tôi được chọn đi đào tạo báo vụ. Kết thúc khóa học, tôi được điều về Phân đội 7, Khu tuần phòng 2 và biên chế về tổ báo vụ của tàu tuần tiễu T167. Tổ báo vụ có hai người, tôi là báo vụ viên chính. Ở tàu, tôi luôn phấn đấu tốt, giành nhiều kết quả xuất sắc nên được kết nạp vào Đảng ngày 8-8-1964, chỉ sau hơn 3 năm nhập ngũ”.

Ngày 5-8-1964, Tàu T167 làm nhiệm vụ tại cảng Gianh (Quảng Bình). Báo vụ Lại Văn Tùng vẫn duy trì nghiêm chế độ canh trực thông tin liên lạc. “Lúc 12 giờ 30 phút, một tốp máy bay Mỹ đánh phá cảng Gianh, bắn rocket vào các tàu đang neo trú và các cơ sở hậu cần của ta ở đây. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy máy bay Mỹ, nhưng chúng tôi bình tĩnh, không sợ hãi, vẫn vững vàng làm nhiệm vụ. Chúng tôi đã được học tập, quán triệt nhiệm vụ, tinh thần cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu đánh máy bay địch, nhất là sau khi các tàu của ta đã tiến công, đánh đuổi tàu Maddox của Mỹ xâm phạm vùng biển của ta. Mặc cho máy bay địch gầm rú, bắn phá ác liệt, tôi vẫn bình tĩnh kiểm tra máy thông tin liên lạc, gửi điện về sở chỉ huy Khu tuần phòng 2 báo cáo tình hình của tàu. Thuyền trưởng Tàu T167 Đào Duy Nhàn khéo léo chỉ huy tàu cơ động tránh rocket của địch, tổ chức hỏa lực bắn trả. Cùng với các tàu đang làm nhiệm vụ ở cảng Gianh và các trận địa pháo phòng không trên bờ tạo thành lưới lửa trừng trị máy bay Mỹ. Ngay trận đánh đầu tiên, các tàu đã phối hợp, hiệp đồng bắn rơi một máy bay của Mỹ ở khu vực cửa sông Gianh.

leftcenterrightdel
Cựu chiến binh Lại Văn Tùng (thứ ba, từ trái sang) trò chuyện với cán bộ, nhân viên Ban CHQS thị xã Nghi Sơn. Ảnh: VĂN DŨNG

Đến khoảng 16 giờ 20 phút ngày 5-8-1964, lại một tốp máy bay Mỹ vào đánh phá cảng Gianh. Các tàu hải quân và bộ đội, dân quân, tự vệ lại đồng loạt nổ súng đánh trả và tiếp tục bắn rơi một máy bay Mỹ. Tôi vẫn duy trì nghiêm chế độ thông tin liên lạc, không rời vị trí chiến đấu, kịp thời gửi điện báo, báo cáo về sở chỉ huy. Thuyền trưởng yêu cầu tôi gửi điện báo cáo sở chỉ huy Khu tuần phòng 2: Tàu cơ động tốt, cán bộ, chiến sĩ toàn tàu đã chiến đấu dũng cảm, tuy có thương vong, song tàu bảo đảm an toàn”, ông Tùng kể.

Sau trận đánh ngày 5-8-1964, ông Tùng tiếp tục công tác ở Phân đội 7, tổ chức huấn luyện cho nhân viên, chiến sĩ báo vụ mới được bổ sung. Năm 1966, do có thành tích công tác tốt, ông được chọn đi đào tạo tại Trường Sĩ quan Hải quân (nay là Học viện Hải quân). Năm 1968, ông tốt nghiệp, được giữ lại trường làm cán bộ quản lý học viên. Đến năm 1979, ông được điều về Phòng Cán bộ, Cục Chính trị Quân chủng Hải quân. Năm 1986, ông được nghỉ hưu với quân hàm Thiếu tá.

Về địa phương, Thiếu tá Lại Văn Tùng tích cực hoạt động công tác xã hội, cùng với Hội Cựu chiến binh xã Hải Bình tham gia vận động nhân dân hiến đất làm đường, xây dựng nông thôn mới. Kết quả đó góp phần làm cơ sở để thành lập phường Hải Bình năm 2020.

BÙI NGUYỄN