Ngày đó, tôi vừa tròn 8 tuổi, đang cùng các bạn trong đội thiếu nhi cắm trại ở khu vực trung tâm xã thì được anh phụ trách Đội báo tin: “Bố em được nghỉ phép, vừa về!”. Và anh cho phép tôi về gặp bố. Tôi mừng khôn xiết, chạy như bay về nhà. Vừa chạy vào đến sân, tôi thấy một chú bộ đội ngồi giữa nhà. Thấy tôi ngại ngùng, thập thò ở cửa, bà tôi lên tiếng: “Cháu vào với bố đi”. Lúc đó, tôi bẽn lẽn đi vào. Bố ôm tôi vào lòng. Sau 5 năm xa cách, đây là lần đầu tiên tôi tường tận về bố mình. Bố tôi nhập ngũ tháng 7-1949, khi đó tôi còn nhỏ nên chưa hình dung rõ khuôn mặt bố. 

Bố tôi-ông Trần Công Ký (1921-2000), quê ở xã Giao Xuân, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định. Những năm đầu vào bộ đội, ông là chiến sĩ bộ binh thuộc Liên khu 3, sau đó chuyển sang lực lượng pháo binh và được đưa đi đào tạo cấp tốc khẩu đội trưởng pháo binh để tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ngày ấy, Trung đoàn 45 được trang bị 24 khẩu lựu pháo 105mm. Để hạn chế sự phản pháo và bom đạn của địch, Trung đoàn 45 bố trí trận địa pháo theo nguyên tắc “hỏa khí phân tán, hỏa lực tập trung”.

Theo lời bố tôi kể, trận địa mới của đơn vị ông được bố trí thành một vòng cung khoảng 30km từ Đông Nam đến Tây Bắc cánh đồng Mường Thanh. Giãn cách giữa các trận địa pháo khoảng 4-5km, các đại đội pháo bố trí trong cự ly 250-400m, các khẩu đội pháo cách nhau 60-100m. Các khẩu đội pháo đều bố trí hầm pháo, hầm đạn có nắp, được xếp bằng những cây gỗ hai người khiêng rồi phủ đất lên trên, khiến địch khó phát hiện cả ở trên không và dưới mặt đất. Đúng 17 giờ 5 phút ngày 13-3-1954, Đại đội 806 của Trung đoàn 45 (nay là Lữ đoàn 45, Binh chủng Pháo binh) bắn phát đạn đầu tiên vào cứ điểm Him Lam, mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ... Sau đợt 1 của chiến dịch, Bộ đội Pháo binh vinh dự được đón nhận Cờ “Quyết chiến quyết thắng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đại đoàn Công pháo 351 quyết định trao vinh dự đó cho Trung đoàn 45 và lễ đón nhận cờ đã được tổ chức ngay trên trận địa.

leftcenterrightdel

Khẩu đội trưởng Trần Công Ký (tháng 8-1954). Ảnh do gia đình cung cấp

Đợt 2 của chiến dịch diễn ra từ ngày 30-3 đến 30-4-1954, ta tiến công vào các ngọn đồi phía Đông, gồm C1, C2, E, D và A1 rất quyết liệt. Khẩu đội pháo của bố tôi vẫn phát huy kết quả đợt 1, chi viện đắc lực cho các đơn vị bộ binh. Nhận mệnh lệnh của trung đội trưởng, cả khẩu đội nhanh chóng đẩy pháo từ hầm ra triển khai thiết bị bắn, sẵn sàng chiến đấu. Trên cương vị khẩu đội trưởng, bố tôi truyền đạt phần tử bắn của trung đội trưởng. Theo đó, pháo thủ số 1 thận trọng khi lấy phần tử bắn chính xác trên thước tầm và độ hướng; pháo thủ số 2 mở khóa nòng; pháo thủ số 3 nạp đạn và giật cò khi có lệnh. Khẩu đội trưởng hô: “Bắn”, pháo thủ số 3 giật cò. Và ngay lập tức, khẩu đội được lệnh bắn cấp tập vào mục tiêu và bắn chuyển làn chi viện đắc lực, hiệu quả cho bộ binh xung phong đánh chiếm mục tiêu.

Đợt tiến công thứ 3 bắt đầu từ ngày 1 đến 7-5-1954. Thời điểm này, thời tiết mưa dầm kéo dài, ẩm ướt, các hầm và trận địa bị sụt lún, xuống cấp, cần phải được gia cố gấp để bảo đảm an toàn và độ chính xác bắn. Cùng với các khẩu đội pháo trong Trung đoàn, khẩu đội pháo của bố tôi đã nhanh chóng sửa sang lại hầm pháo, hầm đạn, kể cả trận địa triển khai bắn. Tuy sức khỏe của các thành viên trong khẩu đội giảm sút nhưng ai nấy đều giữ vững ý chí, quyết tâm bám trụ vị trí chiến đấu. Các khẩu đội pháo của Trung đoàn 45 đã góp phần xứng đáng vào sự toàn thắng của chiến dịch.

Sau Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, bố tôi còn tiếp tục phục vụ trong Quân đội 12 năm rồi mới nghỉ theo chế độ vào năm 1966. Chuyện kể của bố về những ngày tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ không chỉ ghi sâu trong tâm trí tuổi thơ tôi mà còn là động lực để tôi nhắc nhở bản thân và các con, cháu sau này luôn phấn đấu vươn lên hoàn thành mọi nhiệm vụ, xứng đáng với cha ông từng là chiến sĩ Điện Biên năm xưa.

Đại tá, PGS, TS NGUYỄN QUANG LƯỢNG (Nguyên giảng viên Học viện Quốc phòng)