Nâng niu cuốn nhật ký gìn giữ hàng chục năm qua, cựu chiến binh Phạm Viết Thu, nguyên Trung đội trưởng trinh sát Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 675B (Quân khu Trị Thiên) hiện sống ở phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, TP Hà Nội, kể cho chúng tôi nghe về ký ức Tết ở chiến trường của mình.

“Ngày 9-2-1969 (tức 23 tháng Chạp năm Mậu Thân), tôi đang ở Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 675B (nay là Lữ đoàn 368, Quân đoàn 1) chiến đấu chống lại cuộc hành quân mang tên “Tiến về phía Núi Hổ” của sư đoàn thủy quân lục chiến Mỹ ở phía tây Quảng Trị. Tôi là Trung đội trưởng trinh sát Tiểu đoàn 2 cùng đồng chí Tiểu đoàn trưởng Phạm Thanh Loan tổ chức đài chỉ huy bắn, đánh địch ở điểm cao Kô Ka Va thuộc huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Ngày Ba mươi Tết, vùng núi trùng điệp sương mù bao phủ nên khó quan sát và điều chỉnh bắn. Tiểu đoàn trưởng Loan ra lệnh tăng cường ngụy trang, trinh sát nắm địch, hết sương mù mới được nổ súng và cử tôi cùng anh Tiến tìm vị trí mới đặt đài chỉ huy.

Chúng tôi được đồng chí Cô Cha (Chính trị viên xã đội) dẫn đường đi tìm vị trí đặt đài mới. Khi mặt trời đã lên đỉnh núi, chúng tôi vào ngôi nhà cũ thì gặp 15 anh em du kích xã do đồng chí Thanh (người Pa Cô), Bí thư chi bộ, vừa chỉ huy tập kích vào đại đội Mỹ đóng quân ở nương sắn gần đài của đơn vị về. Bữa cơm mừng chiến thắng chiều Ba mươi Tết năm ấy của đội du kích là một nồi sắn khiến tôi nhớ quê hương. Không biết bố mẹ, anh em, bạn bè đang làm gì? Chắc mọi người đang hồi hộp chờ đón năm mới như những ngày tôi còn ở nhà. Trong tôi, niềm thương nhớ bố mẹ, gia đình xen lẫn niềm căm thù giặc cứ dâng lên vơi đầy.

leftcenterrightdel
 Cựu chiến binh Phạm Viết Thu (ngoài cùng, bên phải) cùng đồng đội đến thăm Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch (năm 2020). Ảnh: TRUNG THU

Sáng mồng Một Tết, chúng tôi tiếp tục leo núi tìm vị trí đặt đài chỉ huy. Qua trinh sát được biết, quân địch từ Kô Ka Va tiến dần sâu hậu phương của ta. Anh Thanh du kích cho biết, khu vực đài hiện nay của đơn vị bị bao vây ba mặt. Phía trước cách 600m có một đại đội lính thủy đánh bộ Mỹ, phía trái là một đại đội bộ binh, sau lưng cách 1km có một trung đội Mỹ. Do vậy, anh Loan ra lệnh “xé rừng”, rút đài về trận địa. Tôi đi đầu, gai nhọn, dây leo như muốn quấn vào người. Vừa đi vừa phát cây mở lối, leo dốc cao, xuống khe sâu, nhiều chỗ như dựng đứng, khiến hai cánh tay tôi đều rớm máu. Sau hơn 3 giờ gian nan, chúng tôi cũng về đến trận địa.

Trời nhá nhem tối, đơn vị cử người cảnh giới, lực lượng còn lại, ai nấy xúm vào mỗi người một tay làm bữa cơm chiều mồng Một Tết. Bữa cơm có phần tươm tất hơn, ngoài món canh rau rừng quen thuộc còn có thêm nửa cân thịt hộp. Sau bao ngày gian nan, vất vả, hiểm nguy rình rập, cơm ăn bữa no, bữa đói..., nay được ăn một bữa cơm ngày Tết bình yên mới thấy ngon lành, hạnh phúc làm sao.

Sáng hôm sau, tôi cùng anh Chiêm (Trung đội trưởng Trung đội Pháo, Đại đội 3) đang chuẩn bị vật chất, lau chùi súng đạn thì bất ngờ có tiếng súng AK, pháo cối, tiếng nói của lính Mỹ ngay chân đồi hậu cứ đơn vị. Tôi được lệnh cùng anh Chiêm và đồng chí Hiên, pháo thủ dùng trung liên, lợi dụng địa hình tạo một chốt chặn, quyết không cho địch vượt qua. Các đồng chí còn lại cảnh giới phía sau, đề phòng địch đánh lén.

Hai mươi phút sau, đột nhiên tiếng súng im bặt. Nhưng những loạt đạn pháo địch trút xuống ồ ạt, mỗi lúc một ác liệt. Loạt bắn thứ tư trùm lên vị trí chúng tôi đứng, khói bụi đất đá mù mịt. Tôi bị tức ngực và choáng, đồng chí Hiên bị trúng đạn gãy xương đùi, được anh em băng bó đưa vào hầm ẩn nấp. Những ngày sau, Mỹ cho quân vòng sang hai bên nhằm tạo thế bao vây vu hồi. Sau đó, chúng chi viện thêm hai tiểu đoàn thủy quân lục chiến khép chặt thành hai gọng kìm. Chúng tôi xác định đây là trận đánh khó khăn, sẵn sàng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Nhưng sau đó, cấp trên lệnh tiểu đoàn lùi về phía sau thực hiện kế hoạch mới. Rút khỏi vòng vây của địch về hậu cứ, chúng tôi được tắm giặt sau bao ngày người bám đầy bụi đất chiến trường, cùng với bữa cơm canh rừng nóng hổi, ngủ một giấc bình yên và trôi trong giấc mơ của những ngày đầu xuân...

HOÀNG TRUNG