Sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng, cha là cán bộ tham gia khởi nghĩa giành chính quyền tại Cà Mau tháng 8-1945, ngay từ nhỏ, sớm chứng kiến cảnh quê hương bị giặc tàn phá nên mới hơn 15 tuổi, Tư Thẩm noi theo cha tham gia hoạt động cách mạng, làm thành viên của Ðoàn Tuyên truyền dân quân chánh (quân chính) huyện Cà Mau, rồi Thư ký phụ trách tổ chức của Ban Thanh niên cứu quốc huyện Cà Mau, tỉnh Bạc Liêu. Ông hồi tưởng: “Trước tình hình quân Pháp đánh xuống các tỉnh Tây Nam Bộ, trung tuần tháng 2-1946, Bộ chỉ huy Chiến khu 9 tổ chức hội nghị mở rộng ở Ngan Dừa-Phước Long. Hội nghị quyết định tổ chức ra 3 phân khu (còn gọi là 3 mặt trận): Ngan Dừa-Phước Long, Cái Tàu-An Biên, Tân Hưng-Cà Mau để ngăn bước tiến của quân Pháp và căng địch ra để đánh.

Mặt trận Tân Hưng-Cà Mau bố trí với chính diện từ sông Ông Đốc (Giao Vàm) qua Rạch Rập đến Gành Hào, chiều sâu từ sát thị trấn Cà Mau đến Cái Rắn, khu vực chính là đình Tân Hưng. Xác định Mặt trận Tân Hưng-Cà Mau có vị trí chiến lược quan trọng, ngăn chặn quân địch đánh xuống phía Nam Cà Mau nên để tăng cường phòng thủ cho mặt trận, cuối tháng 3-1946, Ủy ban Kháng chiến tỉnh Bạc Liêu và huyện Cà Mau huy động hàng nghìn dân, có LLVT bảo vệ và hàng trăm xuồng ghe chở đất đá, gốc cây... đắp đập ngăn không cho tàu địch chạy vào căn cứ. Hai bên bờ sông đào một số công sự để bộ đội, du kích chiến đấu ngăn chặn và tiêu hao sinh lực địch. Cha tôi-ông Nguyễn Phước Hoạch phụ trách Ban tiếp tế của Mặt trận Tân Hưng-Cà Mau, đã tích cực vận động, bảo đảm vật chất hậu cần cho mặt trận.

Về phía quân Pháp, sau khi phá vỡ được Mặt trận Ngan Dừa-Phước Long, Mặt trận Cái Tàu-An Biên và chiếm được huyện lỵ Cà Mau, lúc này ở miền Tây Nam Bộ chỉ còn Mặt trận Tân Hưng-Cà Mau nên thực dân Pháp tập trung lực lượng quyết tâm phá vỡ. Ngày 2-5-1946, Pháp tập trung lực lượng lớn và phương tiện chiến tranh hiện đại lúc bấy giờ mở cuộc đại tiến công vào Mặt trận Tân Hưng-Cà Mau. Quân ta đánh trả quyết liệt, chặn đứng nhiều đợt tiến công của quân địch trên hướng chính diện, nhưng do tương quan lực lượng và vũ khí, trang bị chênh lệch nên Mặt trận Tân Hưng-Cà Mau - mặt trận cuối cùng ở Chiến khu 9 bị phá vỡ, địch bắt đầu đóng đồn, bốt nối liền từ Cà Mau đến Năm Căn”.

Sau khi Pháp chiếm được Cà Mau, anh thanh niên Tư Thẩm cùng các đội viên Thanh niên cứu quốc tiếp tục hoạt động trong lòng địch. Ngày 3-1-1948, thanh niên Tư Thẩm được kết nạp Ðảng tại Chi bộ Thanh niên cứu quốc huyện Cà Mau.

leftcenterrightdel
Ông Nguyễn Phước Thẩm (1930-2024). 

Trong hàng ngũ của Đảng, Tư Thẩm tham gia lớp tập huấn cán bộ do Ty Thông tin tỉnh Bạc Liêu mở. Hoàn thành khóa học với thành tích tốt, Tư Thẩm được điều động về Ty Thông tin, phụ trách văn phòng và công tác phát hành, lưu trữ tài liệu, sách, báo, sau đó được điều về Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Bạc Liêu, công tác với danh nghĩa Tổng đại lý Báo Nhân Dân miền Nam. Lúc này, công việc của ông  là tiếp nhận, phát hành, lưu trữ toàn bộ sách, báo của Ðảng, trong đó có những tài liệu mật chỉ có các đồng chí cao cấp được tiếp cận.

Kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, ông Tư Thẩm nhận nhiệm vụ ở lại địa phương hoạt động. Trước sự đàn áp của chế độ Mỹ-Diệm, ông bị địch bắt, tra tấn dã man. Sau khi được thả, ông lên Sài Gòn hoạt động. Sau ngày đất nước thống nhất (năm 1975), ông Tư Thẩm về Cà Mau công tác ở đài truyền thanh Duyên Hải (sau đó đổi là Ngọc Hiển). Từ khi nghỉ hưu, ông chuyên tâm nghiên cứu, sưu tầm tư liệu, tham gia biên soạn tài liệu Lịch sử Đảng bộ tỉnh Cà Mau...

Bài và ảnh: THÚY AN - QUỐC RIN