Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, quân và dân Cà Mau đã lập nhiều chiến công, góp phần cùng cả nước đi đến chiến thắng “lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu” năm 1954. Ông Nguyễn Phước Thẩm nhớ lại: “Thực hiện Hiệp định Geneva, lệnh ngừng bắn tại Nam Bộ bắt đầu từ ngày 11-8-1954. Cà Mau được chọn làm khu vực tập kết tạm thời 200 ngày. Ngày 26-8-1954, sau khi quân đội Pháp rút khỏi Cà Mau, gần 2 vạn đồng bào từ các huyện Ngọc Hiển, Trần Văn Thời và các xã xung quanh Cà Mau quần áo chỉnh tề, cùng những tấm băng rôn nổi bật với dòng chữ: “Hoan hô hòa bình lập lại ở Đông Dương!”; “Đảng Lao động Việt Nam muôn năm!”; “Hồ Chủ tịch muôn năm!”; “Nước Việt Nam độc lập, thống nhất, dân chủ, hòa bình muôn năm!” tuần hành tràn ngập các ngả đường, tiến về sân vận động dự mít tinh mừng chiến thắng.

Thời gian này, Tỉnh ủy Bạc Liêu thành lập Đoàn tuyên truyền lưu động để tuyên truyền về Hiệp định Geneva, vận động quần chúng nhân dân, hướng dẫn hoạt động cách mạng, đấu tranh với các thủ đoạn thâm độc của địch. Tôi là thành viên của đoàn. Theo sát Đoàn tuyên truyền lưu động là Đội chiếu bóng của Sở Thông tin Nam Bộ. Ban ngày, ta tổ chức mít tinh, giải thích, trả lời chất vấn, thắc mắc của đồng bào về Hiệp định Geneva. Buổi tối lại tổ chức chiếu phim để khơi gợi tinh thần cách mạng, lòng yêu nước của đồng bào”.

leftcenterrightdel

 Ông Nguyễn Phước Thẩm

200 ngày tập kết là sự kiện không thể nào quên đối với đất và người Cà Mau. Chính quyền ta đã cấp hàng nghìn héc-ta ruộng đất cho nhân dân; xuất hơn 10.000 tấn gạo, hàng vạn đồng bạc Đông Dương để cứu trợ đồng bào đói nghèo. Rất nhiều nhà cửa của người dân bị đổ nát do chiến tranh, do bị giặc đốt đã được chính quyền, đoàn thể quần chúng cách mạng tu sửa, xây cất lại.

Theo chỉ đạo của Trung ương Cục miền Nam, trong 200 ngày tập kết, Tỉnh ủy và Ủy ban Kháng chiến-Hành chính tỉnh Bạc Liêu (nay là tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Cà Mau) phải xây dựng hình mẫu chính quyền cách mạng. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Bạc Liêu, do đồng chí Võ Văn Kiệt là Bí thư Tỉnh ủy, một chính quyền cách mạng thực sự của dân, do dân, vì dân hình thành. “Có mấy nhiệm vụ trọng yếu trong thời điểm đó. Một là phải làm sao để xây dựng được hình mẫu chính quyền cách mạng mới, khôi phục sức dân, củng cố hậu phương, lực lượng và nhất là sự ủng hộ, tin tưởng của nhân dân với Đảng, với Bác Hồ, với sự nghiệp cách mạng. Tiếp theo là phải chọn vũ khí tốt để giấu, lại chuẩn bị phương án, nguồn lực kháng chiến trong mọi tình huống. Đặc biệt là việc chọn cán bộ ở lại để thích hợp với tình hình mới, lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng. Bảo vệ chu toàn cho các đồng chí lãnh đạo cao cấp. Tiếp theo là củng cố, phát huy các mặt đấu tranh chính trị, binh vận để chống lại những hành động phá hoại Hiệp định Geneva”, ông Tư Thẩm cho biết.

Ông Tư Thẩm vẫn nhớ như in hình ảnh những bà má Cà Mau đầm đìa nước mắt ra tận bến, giơ hai ngón tay tiễn con cháu đi tập kết, với ngụ ý sẽ sum họp sau hai năm. Trong chuyến tàu tập kết cuối cùng rời bến sông Ông Đốc, má Lê Thị Sảnh, ở ấp 10, xã Trí Phải, huyện Thới Bình (Cà Mau), đã trao cho đồng chí chỉ huy Đại đội 370 pháo binh, Tiểu đoàn 307 cây vú sữa được ươm trồng trong một chiếc bình tích bằng sành để gửi tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cây vú sữa miền Nam đã được Bác Hồ trồng cạnh nhà sàn, trở thành biểu tượng bất diệt cho tấm lòng kính yêu vô hạn của nhân dân miền Nam với Bác và để Bác ngày ngày thấy miền Nam ở sát cạnh bên mình.

Trong số cán bộ, chiến sĩ và đồng bào tập kết ra miền Bắc không có tên Tư Thẩm. “Khi chuyến tàu cuối cùng rời bến, tôi biết là mình được tổ chức phân công ở lại để nhận nhiệm vụ mới. 200 ngày tập kết tuy ngắn nhưng đó là những ngày mà nhân dân thật sự được sống trong tự do, hạnh phúc với không khí hòa bình sau 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Đó cũng là những ngày đẹp nhất và không thể nào phai mờ trong tâm trí, trái tim tôi”, ông Tư Thẩm cười thật tươi với niềm tự hào của người cả đời cống hiến cho cách mạng.

Bài và ảnh: DIỄN PHÚC