Sau những ngày đánh địch lấn chiếm, bảo vệ vùng giải phóng ở phía tây nam Pleiku, sáng 1-1-1974, Đại đội 1, Tiểu đoàn 16 súng máy cao xạ 12,7mm (Sư đoàn 320) chúng tôi được về hậu cứ ở khu vực làng Do, cách căn cứ Chư Ty 4km về phía bắc (nay thuộc thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) củng cố và chuẩn bị đón Tết Giáp Dần.

Nhưng chưa được bao lâu thì đại đội tôi được lệnh khẩn trương bí mật hành quân đến căn cứ Chư Nghé (nay thuộc xã Ia Krai, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) để hạ cờ ngụy và sẵn sàng đánh địch đổ bộ đường không. Thì ra, chiều 1-1-1974, địch cho trực thăng đổ một toán thám báo xuống Chư Nghé (địch gọi là Lệ Ninh) cắm cờ rồi loan tin: “Quân lực Việt Nam cộng hòa đã đánh lui một lực lượng lớn của Việt cộng và đã tái chiếm được căn cứ Lệ Ninh”.

leftcenterrightdel
 Minh họa: MAI MINH

Đoạn đường từ đơn vị đến Chư Nghé khoảng 30km. Do thông thuộc địa hình nên mặc dù đêm tối, mang vác nặng, nhưng sau hơn 8 giờ hành quân, chúng tôi đã đến căn cứ Chư Nghé. Sau khi làm công tác chuẩn bị chiến đấu xong, sáng hôm sau (ngày 2-1), chúng tôi quan sát căn cứ Chư Nghé, không thấy địch, mà chỉ có lá cờ ngụy ba sọc treo trên cột cờ ở khu trận địa pháo cũ, phía trái đường băng sân bay Sùng Thiện. Đại đội trưởng cho một tổ lên đánh sập cột cờ của địch. Sau đó, đại đội tiếp tục ở lại trực sẵn sàng chiến đấu cho đến chiều 4-2 (Ba mươi Tết Nguyên đán) thì được lệnh cơ động về khu vực ngầm Ia Yom, cách Chư Nghé 5km về phía đông phục kích đánh máy bay địch.

Khoảng 19 giờ ngày Ba mươi Tết, chúng tôi bắt đầu hành quân. Chúng tôi về đến vị trí tập kết là một làng cũ của đồng bào Gia Rai nằm bên vệ Đường 15, cách ngầm Ia Yom 2km về phía tây nam, thì đã gần 21 giờ. Cùng lúc đó, anh em đi lấy hàng Tết ở tiểu đoàn cũng vừa về tới. Ở khu làng cũ, còn một căn nhà của đồng bào bỏ lại, đại đội phân công các trung đội triển khai công sự xung quanh. Công việc sắp xếp chỗ ở vừa tạm ổn thì đã hơn 23 giờ. Chúng tôi phân công nhau canh gác rồi tập trung tại nhà đại đội đón Giao thừa. Trong ngôi nhà ấm cúng, dưới ánh sáng của chiếc đèn dầu tự tạo, chúng tôi ngồi sát bên nhau, ăn bánh kẹo và kể cho nhau nghe phong tục đón Tết của quê mình. Gần đến Giao thừa, Chính trị viên đại đội Nguyễn Xuân Sơn vặn to âm lượng của chiếc radio đặt ngay ngắn giữa nhà. Chúng tôi chăm chú lắng nghe Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng chúc Tết đồng bào, chiến sĩ cả nước. Nghe Bác Tôn chúc Tết, mỗi chúng tôi đều thấy lâng lâng một niềm tin chiến thắng. Không nói ra, nhưng ai cũng thầm nguyện sẽ chiến đấu giỏi hơn để góp phần nhanh chóng giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

5 giờ sáng mồng Một Tết, chúng tôi được lệnh ra vị trí xây dựng trận địa. Trận địa phục kích của đại đội được bố trí trên một dải đồi cây lúp xúp đối diện với ngầm Ia Yom về phía tây. Ngầm này khá dài, nằm trên Đường 5A nối Chư Nghé với Pleiku. Chư Nghé dù đã được giải phóng nhưng địch vẫn khống chế được vùng trời. Vì vậy, cấp trên đưa đại đội tôi về đây vừa để chủ động đánh máy bay địch bảo vệ vùng giải phóng, vừa tiếp tục đề phòng địch trở lại Chư Nghé. Khoảng gần trưa thì công sự trận địa hoàn thành. Vừa làm xong công tác chuẩn bị chiến đấu thì nuôi quân mang cơm lên. Bữa cơm ngày mồng Một Tết có thêm món thịt kho và canh xương nấu chuối rừng khá ngon miệng.

Đến mồng 3 Tết, ngay từ sớm, một chiếc máy bay trinh sát L19 của địch từ hướng nam lượn mấy vòng rộng quanh khu vực rồi bay đi. Khoảng 9 giờ, một chiếc trực thăng UH-1A bất ngờ từ hướng đông bay thẳng về phía trận địa. Toàn đại đội được lệnh vào vị trí chiến đấu. Máy bay địch vẫn tiếp tục bay vào, độ cao hơn 800m. Chờ cho mục tiêu vào đến cự ly thích hợp, đại đội trưởng mới phát lệnh nổ súng. Cùng lúc, cả 6 khẩu súng phòng không của chúng tôi phát hỏa, những viên đạn vút lên chụp vào máy bay địch, nó bốc cháy, rồi lao xuống sườn núi phía tây.

Bầu trời yên tĩnh trở lại. Chúng tôi nhanh chóng củng cố ngụy trang, chờ địch đến. Nhưng tới gần trưa mới thấy một chiếc L19 bay tới lượn mấy vòng rồi cút thẳng. Chúng tôi tiếp tục bám giữ trận địa cho tới ngày mồng 5 Tết  thì được lệnh cơ động nhận nhiệm vụ mới.

NGUYỄN HÙNG TẤN