Bộ Tổng Tư lệnh mở hội nghị để quán triệt các nhiệm vụ hậu chiến dịch vào tháng 6-1954. Các cơ quan chức năng của Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị, Tổng cục Cung cấp (nay là Tổng cục Hậu cần) phối hợp tổ chức thực hiện công tác trao trả tù binh.

Theo kế hoạch, các địa điểm trao trả ở phía Bắc là tại thị xã Tuyên Quang, thị xã Việt Trì (các địa điểm này nay đều là thành phố) và xã Tử Đà (nay là xã Bình Phú, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ). Bộ Tổng Tư lệnh giao cho cơ quan hậu cần Liên khu Việt Bắc chuẩn bị mọi mặt từ vật chất hậu cần, lực lượng, phương tiện phục vụ trao trả tù, hàng binh đến việc đón các đồng chí và người dân ta.

Các cơ quan của Tổng cục Cung cấp được giao nhiệm vụ phục vụ việc trao trả tù, hàng binh và đón anh em ta ở các địa điểm trao trả phía Nam, trên địa bàn Liên khu 3, Liên khu 4.

Khối lượng công tác bảo đảm về ăn mặc, thuốc men điều trị là rất lớn và gặp nhiều khó khăn, bởi theo thống kê ban đầu, ta sẽ trao trả cho phía Pháp gần 10.000 tù, hàng binh. Phía Pháp sẽ trao trả cho ta hàng chục nghìn anh em và người dân mà đối phương đã bắt trong các trận càn...

Các cơ sở may quân nhu làm việc ngày đêm để may thêm quần áo cho anh em ta và người dân khi đón nhận, đồng thời sản xuất các tư trang cần thiết như mũ, thắt lưng, giày dép...

Ở các địa điểm trao trả, chính quyền địa phương huy động dân công dùng các vật liệu tranh, tre, nứa, lá làm nhà tạm để đón người trao trả. Tuy là nhà tạm nhưng yêu cầu phải sạch sẽ, thoáng mát, có tiện nghi tối thiểu. Mỗi địa điểm trao trả đều có trạm quân y với đủ y, bác sĩ trực để xử lý các tình huống về sức khỏe, dịch bệnh.

leftcenterrightdel

Tù binh Pháp bày tỏ sự cảm phục đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu

Với tinh thần “Phát huy Chiến thắng Điện Biên Phủ, ra sức thi đua làm theo lời Bác”, từ tháng 7-1954, các guồng máy phục vụ nhiệm vụ trao trả đã tỏa về các địa bàn để huy động thêm lương thực, thực phẩm; huy động các cơ sở may tư doanh, tư nhân gia công quần áo, tư trang; thu mua thêm các mặt hàng nhu yếu phẩm; huy động các cơ sở vận tải tham gia vận chuyển...

Cục Vận tải (Tổng cục Cung cấp) sử dụng hơn 70 đầu xe vận chuyển các vật phẩm đến các điểm trao trả ở phía Bắc và gần 20 đầu xe phục vụ các điểm trao trả ở phía Nam.

Theo chỉ đạo của trên, các trại giam giữ tù, hàng binh đều tổ chức ăn tươi, liên hoan trước khi đưa họ đến địa điểm tập kết.

Nhiều tù, hàng binh Âu-Phi hết lời ca ngợi tấm lòng nhân đạo cao cả của bộ đội và nhân dân Việt Nam. Họ nói: “Trên thế giới này, khó có một nước nào giống như Việt Nam. Họ thật đặc biệt, xin tri ân”.

Ngày 18-8-1954, ta trao trả tù, hàng binh đợt đầu tiên cho phía Pháp tại Việt Trì và đến cuối tháng 11-1954 thì kết thúc nhiệm vụ trao trả. Toàn ngành hậu cần đã kết hợp chặt chẽ với các ngành, các địa phương hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Bộ Tổng Tư lệnh giao, bảo đảm cung cấp hàng nghìn tấn gạo và muối, 72.000 bộ quần áo, cấp một số tiền lớn để mua thực phẩm, nhu yếu phẩm phục vụ trao trả. Cán bộ, nhân viên quân y của ta làm việc tận tình, tử tế, chu đáo, khiến các tù, hàng binh phía Pháp hết sức xúc động.

Đại tá TRẦN TIỆU