Sau Ngày miền Nam giải phóng, nhân dân ta chưa kịp hưởng hòa bình thì lại phải bước vào cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam do tập đoàn Pol Pot-Ieng Sary gây ra. Không chỉ đưa quân sang xâm chiếm, cướp bóc, giết hại đồng bào ta mà ở trong nước, chúng cũng tiến hành hàng loạt hành động tàn sát. Đất nước Campuchia chìm trong “biển máu”. Hàng vạn người dân Campuchia đã phải rời quê hương chạy sang Việt Nam tị nạn.
Sự khủng bố dã man của quân Pol Pot đã làm nổ ra hàng loạt cuộc nổi dậy chống chế độ diệt chủng ở khắp nơi. Từ giữa năm 1977, nhận rõ bản chất phản động của chúng, các lãnh tụ cách mạng của bạn như: Samdech Heng Samrin, Samdech Chea Sim, Samdech Hun Sen... đã tập hợp những thanh niên yêu nước, xây dựng và huấn luyện lực lượng cứu nguy dân tộc.
Về phía Đảng ta, căn cứ vào chủ trương làm nghĩa vụ quốc tế, Bộ Chính trị quyết định thành lập Ban B68, tách ra từ Ban Công tác Z Trung ương (tổ chức đầu tiên của lực lượng chuyên gia Việt Nam giúp cách mạng Campuchia) trực thuộc Trung ương Đảng, do Thiếu tướng Nguyễn Xuân Hoàng làm Trưởng ban và các đồng chí Phó trưởng ban: Trần Văn Phác, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Doãn Tuế (sau là Trung tướng), Phó tổng Tham mưu trưởng; Đan Thành (sau là Thiếu tướng), Phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần.
Một thời gian sau, do sự phát triển của tình hình cách mạng Campuchia, Ban Bí thư đã quyết định điều Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng làm Trưởng ban thay đồng chí Nguyễn Xuân Hoàng và tăng cường một số Phó trưởng ban, gồm các đồng chí: Vũ Oanh (sau là Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương); Lê Xuân Đồng, Phó trưởng ban Tuyên huấn Trung ương; Lê Hai (sau là Trung tướng), Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Ngô Điền, Đại sứ Việt Nam tại Campuchia... Đây là các đồng chí tham gia lãnh đạo Ban B68 những năm đầu đầy gian khổ, khó khăn để giúp Campuchia đi từ không đến có trên tất cả lĩnh vực của đất nước. Còn tôi may mắn được phục vụ liên tiếp 3 đồng chí lãnh đạo Ban B68 là Hoàng Thế Thiện, Nguyễn Xuân Hoàng và Vũ Oanh.
Xin được giới thiệu thêm, thời gian đầu, bộ máy cơ quan Ban B68 chủ yếu dựa vào bộ máy cơ quan Ban Phụ trách công tác Z (bí danh Ban 10) của Quân ủy Trung ương. Văn phòng vừa là cơ quan tham mưu kế hoạch-tổng hợp của lãnh đạo Ban B68 vừa là nơi bảo đảm hậu cần nuôi dưỡng cán bộ và chuyên gia ta. Đồng chí Vũ Hữu Loan, Vụ trưởng Ban Đối ngoại Trung ương được cử làm Chánh văn phòng Ban B68 một thời gian ngắn. Sau đó, đồng chí Đại tá Phạm Văn Hiện, Phó chủ nhiệm Hậu cần Binh chủng Pháo binh được biệt phái sang phụ trách Văn phòng Ban B68. Do tính chất công việc hết sức cơ mật nên việc lấy người về công tác tại Văn phòng Ban B68 đòi hỏi phải lựa chọn rất kỹ. Vì vậy, những năm đầu, biên chế Văn phòng Ban B68 hầu hết là cán bộ, chiến sĩ Quân đội được lựa chọn từ nhiều đơn vị biệt phái sang.
|
|
Tình cảm gắn bó giữa nhân dân Campuchia với Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam, năm 1979. Ảnh: NGUYỄN DĨNH
|
Tôi nhớ, khi vừa mới tách ra từ Ban Phụ trách công tác Z, chưa kịp ổn định nơi làm việc, lãnh đạo Ban B68 đã giao cho chúng tôi tiếp nhận số kiều dân Campuchia được tuyển chọn từ Đoàn chuyên gia quân sự 478. Đồng thời cử lực lượng về các địa phương biên giới, nơi tập trung nhân dân Campuchia tị nạn để tiếp tục tuyển chọn nòng cốt. Tuy lúc này biên chế của Văn phòng Ban còn thiếu nhiều vị trí nhưng là những sĩ quan Quân đội, chúng tôi đã được rèn luyện, trưởng thành trong chiến đấu, với ý thức tổ chức kỷ luật cao và tinh thần đoàn kết, tương trợ nhau nên ngay sau khi nhận bàn giao xong ở Đoàn 478, đồng chí Phạm Văn Hiện đã dẫn đầu đoàn cán bộ về các địa phương tìm hiểu tình hình. Kết quả bước đầu, chúng tôi đã tuyển chọn được 108 người đưa về tập trung nuôi dưỡng, bảo vệ và bồi dưỡng chính trị. Từ lực lượng nòng cốt này, ta đã giúp bạn thành lập Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia và xây dựng giúp bạn được hơn 10 khung đơn vị vũ trang cấp tiểu đoàn.
Ngay sau đó, Ban B68 khẩn trương giúp bạn chuẩn bị tổ chức mít tinh để Mặt trận ra mắt nhân dân. Văn phòng Ban B68 là đầu mối hợp đồng và chủ trì mọi công việc. Quân khu 7 được giao chuẩn bị địa điểm, đường sá và công tác bảo vệ. Tổng cục Hậu cần lo việc bảo đảm hậu cần và đưa nhân dân Campuchia từ một số trại tị nạn về dự mít tinh. Ngày 2-12-1978, tại vùng giải phóng Snuol thuộc huyện Snuol, tỉnh Kratie, Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia dưới sự lãnh đạo của các lãnh tụ cách mạng của bạn là: Samdech Heng Samrin, Samdech Chea Sim, Samdech Hun Sen... đã ra mắt nhân dân với một cương lĩnh thể hiện sự quyết tâm đoàn kết cùng nhân dân Việt Nam và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới đánh đổ chế độ diệt chủng Pol Pot, xây dựng lại đất nước Campuchia hòa bình, phồn vinh.
Ban B68 còn giúp bạn thành lập Đài Phát thanh tiếng nói nhân dân Campuchia và Thông tấn xã Campuchia (SPK) để Mặt trận tiếp cận được với nhân dân trong nước và bè bạn quốc tế. Về chuẩn bị đội ngũ cán bộ cho bạn, các đoàn chuyên gia của ta đã cùng với nhân cốt của bạn tiếp tục tuyển chọn người đưa về bồi dưỡng, mở 2 lớp tập huấn cán bộ cấp tỉnh và 2 lớp cán bộ cấp huyện, tổng số gần 1.500 người.
Mọi công việc cơ bản được tiến hành đồng bộ. Đoàn tiền trạm Văn phòng Ban B68 báo cáo về nước đã chuẩn bị xong, sẵn sàng đón Trung ương bạn về Campuchia. Đúng theo kế hoạch, ngày 24-1-1979, Ban B68 đã đưa Trung ương bạn gồm 11 người về nước bằng máy bay chuyên cơ. Đúng 9 giờ, máy bay cất cánh rời Tân Sơn Nhất, lần lượt nghiêng cánh chào TP Hồ Chí Minh, nơi đã ươm mầm, nuôi dưỡng lực lượng cách mạng non trẻ của Campuchia. Đồng chí Lê Đức Thọ và đồng chí Nguyễn Duy Trinh với tình cảm cách mạng trong sáng, thủy chung và đầy lưu luyến đã ra tận cầu thang máy bay tiễn lãnh đạo bạn về nước.
Do có bộ phận tiền trạm của Văn phòng Ban B68 đi trước chuẩn bị, ngày hôm sau, ta đã giúp bạn tổ chức thành công lễ mừng chiến thắng. Từ rất sớm, bộ đội và nhân dân Campuchia đã tập hợp trước quảng trường Hoàng cung trong đội hình các đoàn diễu hành, diễu binh mừng đất nước thoát khỏi họa diệt chủng. Đêm pháo hoa rực rỡ bầu trời Phnom Penh. Nhìn lên bầu trời, nhiều người không khỏi xúc động. Họ hiểu rằng, từ đây, được sự giúp đỡ của Việt Nam, nhân dân Campuchia đã thực sự thoát khỏi họa diệt chủng.
Sau lễ mừng chiến thắng, lãnh đạo và các cơ quan Ban B68 bắt đầu những ngày làm việc trên đất bạn. Chúng tôi sang giúp Campuchia trong điều kiện gian khổ và thiếu thốn, có khi nguy hiểm đến tính mạng vì lúc nào cũng có thể bị tàn quân Pol Pot tấn công. Đi làm chuyên gia nhưng mọi người đều phải đem tiêu chuẩn lương thực và tiền lương của mình để bảo đảm đời sống và sinh hoạt. Tết Nguyên đán đầu tiên trên đất bạn, lãnh đạo Ban B68 cũng như các chuyên gia đều phải ăn hạt bo bo và mắm kem.
Đến cuối năm 1979, ta đã giúp bạn cơ bản xây dựng xong chính quyền từ Trung ương đến cơ sở. Đất nước Campuchia hồi sinh từng ngày. Những cánh đồng chết đã phủ kín màu xanh của lúa. Những ngôi trường vừa mới dựng lại vang tiếng trẻ học bài. Bệnh viện đã hoạt động trở lại, chợ búa tấp nập người mua, kẻ bán...
Gần nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng những kỷ niệm về một thời giúp bạn Campuchia không bao giờ phai mờ trong tâm trí những chuyên gia Việt Nam công tác tại Văn phòng Ban B86, trong đó có tôi, người lính già đã ở tuổi 80!
Đại tá TRỊNH VINH PHA (nguyên Trợ lý Trưởng ban B68)