Đại tá Trần Lư, nguyên Phó tham mưu trưởng TCHC, người được giao nhiệm vụ tổ chức chuyến đi kể: Đoàn có khoảng 30 người, nhiều đồng chí là lãnh đạo như: Tố Hữu, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Thống nhất Trung ương; Nguyễn Thọ Chân, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Thống nhất Trung ương... Đoàn hành quân bằng xe con đã được đổi biển số. Lúc vào đi theo tuyến Tây Trường Sơn, qua Nam Lào và Đông Campuchia để đến Nam Bộ. Khi trở ra thì theo Đông Trường Sơn để làm việc với Bộ tư lệnh Tây Nguyên và Khu 5.
Đường vào đến miền Đông Campuchia, hành trình tuy vất vả nhưng mọi việc ổn thỏa. Từ đây, sau khi qua Đường 19 (trên đất Gia Lai), thực hiện phương án tối ưu, đoàn tiến hành vượt sông Sê San để đi tiếp đến Nam Bộ. Đại tá Trần Lư hồi tưởng: “Hôm ấy, lúc nhá nhem tối, Bộ tư lệnh Trường Sơn tổ chức đưa các đồng chí lãnh đạo đi trước bằng xe máy, vượt sông ở bến phụ an toàn rồi về trạm giao liên nghỉ. Khoảng 21 giờ, tôi chỉ huy đoàn xe con vượt sông ở bến chính, cách bến phụ khoảng 3km. Vừa rời phà được vài trăm mét thì máy bay OV-10 và C-130 của địch ập đến. Đoạn này chỉ có rừng le, khộp trống trải. Không còn cách nào hơn, tôi lệnh cho các chiến sĩ lái xe nhanh chóng đưa xe vào đó giấu ở những chỗ khả dĩ. Người thì tìm nơi trú nấp càng cách xa xe càng tốt. Máy bay địch thả pháo sáng, quần thảo soi mói tìm diệt, nhả đạn xối xả xuống các xe của ta.
Suốt một tiếng đồng hồ, khi thấy cả 6 chiếc xe bốc cháy, chúng mới bỏ đi. Toàn bộ đồ dùng của đoàn để trên xe cháy hết. May nhất, người còn nguyên vẹn. Anh em từ trạm giao liên tức tốc đến ứng cứu. Quá nửa đêm, tất cả về đến trạm. Đồng chí Đinh Đức Thiện và đồng chí Tố Hữu mừng rỡ lao đến ôm chặt từng người rồi lệnh cho toàn đoàn hành quân ngay đề phòng khu vực này đã bị lộ...
Một buổi sáng trung tuần tháng 4-1973, tại sở chỉ huy của Bộ tư lệnh Miền trong rừng Lộc Ninh dạt dào tình hậu phương-tiền tuyến, chúng tôi được chăm sóc chu đáo. Điều kiện sinh hoạt trở lại bình thường. Suốt 18 ngày, đồng chí Đinh Đức Thiện chỉ đạo đoàn TCHC làm việc với Cục Hậu cần Miền, thăm các trung đoàn xe, kho tàng, bệnh viện... rồi cùng đoàn do đồng chí Tố Hữu phụ trách làm việc với Trung ương Cục và Quân ủy Miền. Sau đó, đồng chí Bùi Phùng, Chủ nhiệm Hậu cần Miền trực tiếp đưa đoàn ra Tây Nguyên và Khu 5.
Từ Bù Gia Mập, theo hướng phía Đông Trường Sơn để ra Đăk Tô. Xe theo tọa độ lăn bánh qua rừng khộp. Có đoạn thấy cả một khu rừng đang cháy, phải tìm đường tránh. Đoạn qua sông Bung (phụ lưu của sông Vu Gia ở Quảng Nam), thuyền xô vào chướng ngại vật, bị lật. Tất cả bơi lội lóp ngóp. Làm việc ở Tây Nguyên, thấy bộ đội và đồng bào đang thiếu gạo, thiếu muối trầm trọng, đồng chí Đinh Đức Thiện điện cho Bộ tư lệnh Trường Sơn, yêu cầu tổ chức chở lương thực đến...
Sau hơn 3 tháng trực tiếp làm việc với lãnh đạo và ngành hậu cần các chiến trường, chuyến công tác lịch sử kết thúc. Một máy bay chuyên cơ đưa đoàn từ Đồng Hới về Hà Nội an toàn. Chuyến đi ngoài kiểm tra mọi mặt, truyền đạt chủ trương của Trung ương và Quân ủy giúp các chiến trường giải quyết khó khăn, nhất là trong bảo đảm hậu cần và xây dựng hậu phương, các đồng chí lãnh đạo có thêm thực tiễn cho quyết định chiến lược mở đường cơ bản Đông Trường Sơn thành quốc lộ xuyên Bắc-Nam để phục vụ quân sự và kinh tế dân sinh. Trước mắt là để thuận lợi cho việc đưa các binh đoàn cùng với các trang bị, hỏa lực vào miền Nam chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công tiến tới toàn thắng.
PHẠM XƯỞNG