Chiến dịch tiến công giải phóng tỉnh Quảng Trị năm 1972, đặc biệt là 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ là trang vàng trong lịch sử chiến đấu của quân và dân ta, điều đó không ai có thể phủ nhận. Khi chúng tôi đến gặp Trung tướng Phạm Hồng Cư để tìm hiểu về những ngày ông làm phái viên tại Mặt trận Trị Thiên, ông kể: “Trong chiến dịch này, bên cạnh những ưu điểm lớn, chúng ta có hai khuyết điểm và nhược điểm: Thứ nhất là trong giai đoạn tiến công chỉ đánh vỗ mặt mà không vu hồi. Thực chất khi chuẩn bị chiến dịch, ta có làm đường cho mũi vu hồi vào Huế, nhưng trước khi vào chiến dịch, lực lượng này lại được điều đi làm đường ở Tây Nguyên. Do đó, khi ta giải phóng Quảng Trị, địch rút chạy hỗn loạn về Huế mà ta lại không có mũi vu hồi nên bỏ lỡ thời cơ.
Khi địch quay trở lại phản công thì khuyết điểm thứ hai bộc lộ: Chúng ta không chủ động phòng ngự mà bước vào phòng ngự một cách bị động và lúng túng. Hồi ấy ở cơ quan mặt trận nên tôi biết, có một số cán bộ cao cấp cứ quan niệm máy móc rằng, cách mạng là tiến công, cho phòng ngự là tiêu cực, là hữu khuynh. Họ sai về nhận thức, không phân biệt giữa tư tưởng chiến lược của chiến tranh cách mạng là tiến công, còn hình thức tác chiến là có tiến công và phòng ngự, như hai câu thơ Bác Hồ viết trong bài “Học đánh cờ”: “Tấn công, phòng thủ không sơ hở/ Đại tướng anh hùng mới xứng danh”. Cho nên lúc đầu ta bị tổn thất. Hồi ấy khi tình thế rất cấp bách, ở mặt trận còn tranh luận có phòng ngự hay không. Chỉ đến khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra lệnh dứt khoát chuyển sang phòng ngự, lúc bấy giờ ta mới tổ chức phòng ngự khu vực, ngăn chặn các cuộc tiến công của địch, bảo vệ vững chắc vùng giải phóng.
Thành cổ Quảng Trị chỉ như một ô vuông bàn cờ như vậy mà Mỹ-ngụy dùng pháo hạm, B-52 băm nát thì quân ta không thể tránh khỏi thương vong. Chúng ta giữ Thành cổ là để phối hợp đấu tranh ngoại giao trên bàn đàm phán ở Hội nghị Paris. Chiến dịch tiến công giải phóng tỉnh Quảng Trị, đặc biệt là 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ là khúc tráng ca về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là sự hy sinh vô bờ bến của một thế hệ vàng vì Tổ quốc thân yêu. Về phương diện tác chiến thì ta có tổn thất. Đó là điều không thể tránh khỏi trong chiến dịch ác liệt kéo dài 304 ngày bằng sức mạnh cao nhất của hai bên trong thời điểm đó”.
Trung tướng Phạm Hồng Cư kể tiếp: “Ngày 2-4-1972, sau trận pháo kích dữ dội của Đoàn Pháo binh Bông Lau (Trung đoàn Pháo binh 38) vào cứ điểm 241 và uy lực tiến công của Sư đoàn 304 Quân Giải phóng, Trung tá, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 56 quân đội Sài Gòn Phạm Văn Đính, Chỉ huy trưởng cứ điểm, đã lên hệ thống truyền tin xin được gặp chỉ huy Đoàn Bông Lau mong được ngừng bắn để treo cờ trắng. Sau đó, ông ta và Trung đoàn phó Vĩnh Phong đã dẫn cả trung đoàn về với cách mạng.
Nhận được tin Trung đoàn 56 đầu hàng, tôi báo cáo ngay với đồng chí Song Hào. Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị chỉ thị ngay: Chuyển việc đầu hàng thành phản chiến, đối xử không phải tù binh, hàng binh mà là những người phản chiến về với cách mạng, giữ nguyên cấp bậc cho họ. Đó là sự chỉ đạo rất nhạy bén, rất chính xác, làm phân hóa tư tưởng đối với quân đội Sài Gòn”.
Sau này, Bộ Quốc phòng thăng quân hàm thượng tá cùng với Nhà nước ta trao tặng Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng Ba và Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất cho ông Phạm Văn Đính và Vĩnh Phong. Buổi lễ được tổ chức ở Quân khu 4 ngày 5-3-1994, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, Tư lệnh Quân khu 4 trao các quyết định. Ngày 19-6-2000, theo Quyết định số 01/QPH do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phạm Văn Trà ký, Thượng tá Phạm Văn Đính và Thượng tá Vĩnh Phong được nghỉ hưu theo chế độ.
HỒNG SƠN