Tháng 10 ở Trường Sơn đã bắt đầu mùa khô, cũng là khi ta mở những trận đánh lớn, chiến dịch lớn. Vào mùa khô, nhiều lúc khát nước, ngồi trong căn hầm chữ A tránh bom, đạn pháo của địch, chúng tôi lại nhớ tới mùa mưa. Vào mùa mưa ở Trường Sơn, trong sinh hoạt, những người lính hầu như chỉ mặc chiếc áo quân phục buộc túm gấu và chiếc quần đùi. Không ai muốn mặc quần dài, trừ khi phải ngồi sinh hoạt. Ai cũng ngại phải giặt, vì giặt quần áo vào mùa mưa không thể nào khô được, phải hong trên khói bếp. Vì vậy, quần áo bộ đội vào mùa mưa bộ nào cũng khét lẹt mùi khói. Chiếc mũ tai bèo thì hầu như lúc nào cũng ướt sũng nước. Và chuyện đào bếp Hoàng Cầm vào mùa mưa cũng là một kỳ công.

Tôi nhớ, vào tháng 7-1972, sau gần hai tháng hành quân vào miền Nam, Đại đội 44, Đoàn 22A Quân khu 4 chúng tôi tạm dừng chân ở một trạm nghỉ gần Binh trạm 42, A Lưới (Thừa Thiên Huế). Sau cuộc thi có một không hai “nấu cơm giữa trời đang mưa”, tưởng rằng ít hôm sau thì chúng tôi được biên chế về đơn vị mới, nhưng rồi chúng tôi phải nằm lại trạm nghỉ hơn mười ngày. Giữa mùa mưa đường sạt lở, sông, suối thác lũ cuồn cuộn nên cán bộ nhận quân không lên được. Thế là trong lúc chờ đợi, chúng tôi phải chia nhau làm những nhiệm vụ của trạm như đi gùi đạn; sắp xếp, chuyển đảo kho lương thực, thực phẩm; lên vùng tăng gia sản xuất của trạm trồng trọt, vệ sinh chuồng trại. Có hôm, chúng tôi lên trại tăng gia của trạm buổi sáng thì buổi chiều về giữa đường phải quay lại ngủ tạm ở các nhà kho vì nước lũ đổ về không thể qua con suối được...

leftcenterrightdel
Minh họa: LÊ HẢI 

Tôi là người hay quan tâm đến cái bếp Hoàng Cầm, nhất là kỹ thuật đào bếp. Những ngày tôi còn làm giáo viên Trường Sĩ quan Lục quân 1, làm đạo diễn các cuộc diễn tập chiến thuật của các khóa học, tôi cũng thường xem học viên thao tác đào bếp Hoàng Cầm. Những lúc ấy, tôi thường nhớ lại hơn 10 ngày dừng chân tại trạm nghỉ ở A Lưới, đại đội tôi có 4 cái bếp Hoàng Cầm nấu ăn cho 4 trung đội. Có lẽ do chưa có kinh nghiệm hoặc do chủ quan ở tạm nên 4 cái bếp ấy đào không đúng kỹ thuật. Sau mấy ngày nuôi quân nấu tạm, một đêm mưa lớn hơn thường ngày, sáng hôm sau cả 4 cái bếp bị nước mưa xóa sổ, đất đồi lấp kín.

Bếp Hoàng Cầm giữa mùa mưa Trường Sơn không chỉ là cái bếp để nuôi quân nấu ăn cho bộ đội. Chức năng của bếp rất đa dụng và thậm chí phải đỏ lửa cả ngày. Trên bếp là một giàn sấy củi, không có cái giàn này thì không bao giờ có củi khô để đun nấu. Treo trên dây ngang, dây dọc là hàng chục bộ quần áo, mũ, giày hết lớp này chồng lên lớp khác sấy cả đêm cả ngày. Ngoài ra, trên giàn bếp còn là nơi sấy gạo, sấy thực phẩm của anh em nuôi quân... Vì vậy, ở các vị trí đóng quân, ở hậu cứ có thể ví không gian bếp Hoàng Cầm là “không gian văn hóa” của lính. Vào mùa mưa, người lính đi đâu về cũng phải vào nhà bếp. Ở đó, chuyện vui, chuyện buồn, chuyện chiến đấu hôm nay ai còn, ai mất, chuyện người yêu, chuyện quê hương, làng xóm ở hậu phương... đan díu vào nhau không dứt!

Chuyện là thế nhưng mùa mưa Trường Sơn không chỉ gây khó, gây khổ và nguy hiểm đối với người lính, ngược lại, mưa Trường Sơn đem đến cho người lính sự “giàu có” vật chất, bổ sung nguồn lương thực, thực phẩm sinh hoạt, dự trữ chiến đấu. Mùa mưa là mùa măng, chúng tôi vào rừng đào về cả núi măng. Ăn măng tươi không hết thì muối để dành. Mùa mưa là mùa rau rừng, trên rừng thì có rau môn thục, rau lang rừng; dưới suối thì có rau dớn, ngọn hoa dong suối... Thú vị nhất là sau mưa đến ngày hửng nắng, chúng tôi đi dọc suối hái rau dớn. Những ngọn rau dớn mập như ngón tay cái, cao hơn hai gang tay, non mơn mởn. Ngọn rau dớn sau mưa hái về xào thịt hộp ăn đến no không chán. Mùa mưa Trường Sơn là mùa dưỡng quân, mùa chuẩn bị cơ sở vật chất cho những chiến dịch lớn mùa khô. Sống giữa mùa mưa Trường Sơn, người lính trở nên thi vị hơn, là khoảng thời gian bình yên để họ ôm ấp và nuôi dưỡng nhiều ước vọng về tương lai khi chiến tranh không còn.

Hàng chục năm qua đi rồi mà mỗi khi nhớ đến mưa Trường Sơn, thỉnh thoảng tôi vẫn ngân nga câu thơ: “Mưa cũng như em lúc hờn, lúc dỗi/ Áo chưa khô mưa đã ướt rồi”. Đó là hai câu thơ kết trong bài thơ “Mưa Trường Sơn” viết trên đường hành quân của anh Dương Danh Quý, sinh viên năm thứ tư Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Vinh-người bạn cùng quê, cùng nhập ngũ, cùng chiến đấu với tôi những năm tháng ở chiến trường Thừa Thiên Huế.

HỒ ANH THẮNG