Sau ngày đăng ký, chúng tôi lên đường. Chúng tôi chỉ đi ban đêm. Mỗi đêm đi khoảng 35km. Vừa mang một ba lô khoảng 8kg vừa gánh gạo 23kg, ăn uống thì cơm muối, vài con cá khô, một ít canh rau rừng. Sau vài đêm hành quân, đôi chân tôi đã sưng múp. Mỗi khi có lệnh nghỉ chân, tôi thả đôi bồ gạo xuống, rồi tìm một gốc cây vịn tay vào đó, cho đôi chân xoải dần để có thể ngồi một lúc, chứ không thể co chân lại được. Lúc đứng dậy, tôi phải ôm lấy cây để nâng người lên và chân lại tập tễnh bước đi. Đau không thể chịu được. Thú thật, tôi đã phát khóc mấy lần. Dọc đường hành quân, quân số cứ vơi dần. Riêng tôi thì nghĩ: “Không thể bỏ ngũ được. Lúc ra đi, xóm, xã tổ chức liên hoan, mình đã hứa những gì? Lại còn mấy bạn gái đến động viên, có bạn còn theo tiễn chân lên huyện, tặng vật kỷ niệm và nói những lời lần đầu tiên mới nói. Trong ba lô của tôi có chiếc khăn bạn gái thêu mấy chữ: “Hẹn ngày chiến thắng”... Vì những tình cảm cao quý, thiêng liêng ấy, tôi không thể hèn nhát đào ngũ được.

Lại tiếp tục hành quân. Thấy tôi không thể gánh được nữa vì hai vai đã loét và sưng tấy lên, bạn Nhỏ cùng tiểu đội đã gánh giúp tôi cả đôi bồ đầy gạo. Đổi lại, tôi mang hộ ba lô cho Nhỏ. Vậy là tôi mang một chiếc ba lô sau lưng, một chiếc trước ngực. Nhưng đi được dăm cây số thì ngực lại đau tức, rốt cuộc, bạn Nhỏ gánh luôn cả hai ba lô. Tôi chỉ đi, không phải mang, xách gì cả. Từ Nông Cống lên miền Tây Thanh Hóa, đến Hòa Bình, theo Đường 41 dọc sông Mã lên Tây Bắc. Đến đây, chúng tôi mới biết là đi phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ.

leftcenterrightdel

Trò chuyện với các nhân chứng lịch sử bên Tượng đài Liệt sĩ thanh niên xung phong Ngã ba Cò Nòi (huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La). Ảnh: BÍCH NGỌC 

Qua 35 đêm hành quân, đơn vị mới đến Ngã ba Cò Nòi, nơi giao nhau giữa đường từ Hòa Bình lên, từ Nghĩa Lộ, Yên Bái về và một đường lên Lai Châu-Điện Biên. Đơn vị chúng tôi-Đội thanh niên xung phong 40-được lệnh ở lại làm nhiệm vụ bảo đảm giao thông. Chúng tôi đóng quân cách đường lớn khoảng 1km. Đến 5 giờ chiều là quang gánh, xẻng, cuốc ra mặt đường san lấp hố bom. Ban ngày, địch trút xuống hàng chục tấn bom hòng cắt đứt đường tiếp tế ra mặt trận của ta. Cứ sau một ngày là mặt đường không còn, ngã ba không còn, chỉ có hố bom và những cồn đất đỏ. Chúng tôi được chia thành nhiều bộ phận làm việc đến khoảng 4 giờ sáng. Máy bay địch thả pháo sáng, oanh tạc, nhưng chúng tôi vẫn hoạt động bình thường. Đơn vị tôi có một đồng chí trúng đạn đã nằm lại bìa rừng, chúng tôi khâm liệm anh trong chiếc chăn. Thương bạn thì đào hố sâu một chút, đắp mộ cho to và ghép đá gà toàn bộ ngôi mộ. Cắm lên đó một thanh gỗ có khắc tên anh...

Cứ chiều chiều, từ các lán ở trong rừng, từng đoàn thanh niên xung phong lại kéo ra Ngã ba Cò Nòi. Chẳng ai quen ai, nhưng cứ nhìn nhau là tự nhiên thành bạn, thành thân. Mặt đường lúc nào cũng nhộn nhịp. Không đêm nào không có các đoàn dân công hỏa tuyến gánh, thồ gạo qua đây. Tiếng hò lanh lảnh của các cô gái sông Mã như tiếp thêm sức mạnh cho mọi người: “Đèo cao thì mặc đèo cao, tinh thần phục vụ còn cao hơn đèo”. Rồi từng đoàn xe chở lương thực, súng đạn, thuốc men. Từng đoàn tù, hàng binh từ Điện Biên giải về, thất thểu. Thế mà hàng trăm tù, hàng binh cũng chỉ có hai bộ đội áp giải. Xe chở thương binh về xuôi, xe chở bộ đội lên Điện Biên... Cứ kẻ xuôi, người ngược rộn rã từ 5 giờ chiều cho đến sáng hôm sau. Rồi tiếng hò, tiếng hát, tiếng gọi nhau, hỏi nhau, tiếng đùa cợt... làm cho không khí sôi động, vui vẻ hẳn lên.

leftcenterrightdel

Cựu thanh niên xung phong Nguyễn Quang Tuyên (bên trái) trò chuyện cùng bạn. Ảnh: TRẦN HOÀI

Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, tôi được trở về quê nhà, lúc đi tôi nặng 56kg, da dẻ hồng hào, giờ về chỉ còn 43kg. Sau bao nhiêu trận sốt rét, tóc rụng hết, da dẻ vàng vọt, xanh xao. Bà con trong xóm tập trung đến thăm hỏi, ai cũng mừng... Tôi rửa ráy qua loa, ngồi một lát thấy gai gai trong người, lúc sau thì thấy rét từ trong xương tủy. Từ đó, tôi liên tục chịu những cơn sốt rét cách nhật đến hàng năm trời. Ngày nào cũng uống ký ninh, tiêm thuốc. Vài năm sau, sức khỏe khá lên, tôi đi học lại lớp cuối Trường cấp 3 Phan Đình Phùng, rồi thi vào Trường Đại học Sư phạm Hà Nội... Năm nay, tôi đã 90 tuổi, kỷ niệm về những ngày tháng tham gia phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ 70 năm trước vẫn luôn in đậm, là niềm vinh dự, tự hào của đời tôi.

NGUYỄN QUANG TUYÊN