Vào ngày 21-4-1964, khoảng một tiểu đoàn địch đổ quân ở quận Kiến Bình (nay là huyện Tân Thạnh), rồi cấp tốc hành quân theo hướng bắc đánh vào trận địa phòng ngự của Tiểu đoàn 261. Chiến thuật của quân ta lúc đó là đột phá một mũi “nở hoa trong lòng địch”. Mặc dù chiến thuật đó bị phát hiện, nhưng lực lượng trinh sát của đơn vị đã kịp thời đánh chặn cách trận địa phòng ngự khoảng 3km làm tiêu hao quân địch.

leftcenterrightdel

Cựu chiến binh Nguyễn Hữu Tường kể lại cuộc chiến đấu ở kênh Giữa. 

Trước tình thế đó, địch buộc phải điều quân đổ bộ ở Kiến Bình để cắt địa hình qua kênh Giữa đến kênh Bằng Lăng (xã Tân Ninh) hỗ trợ. Tuy nhiên, khi đến kênh Giữa thì gặp ngay đội hình của Đại đội 1, Tiểu đoàn 504 mà trực tiếp là Tiểu đội Hỏa lực đang bố trí ở trước tiền duyên phòng ngự. Được lệnh của cấp trên, đồng chí Tư Cối, Tiểu đội trưởng Tiểu đội Hỏa lực ra lệnh cho tiểu đội sẵn sàng chờ địch tiến đến gần khoảng 30m thì nổ súng...  

Sau giây phút hoang mang, địch nhanh chóng củng cố đội hình tập trung đánh trả, liên tục gọi chi viện. Trên bầu trời xuất hiện máy bay ném bom, bắn rốc két. Trận địa khói bom, đạn mù mịt, khét lẹt. Trong cuộc chiến đấu không cân sức, các chiến sĩ Tiểu đội Hỏa lực vẫn quyết chiến tới cùng. Ông Nguyễn Hữu Tường kể: “Tôi được trang bị 5 băng đạn để quyết tử. Đến khoảng 17 giờ 30 phút, đồng chí Vinh, người giữ súng trung liên bị trúng đạn, lần lượt gãy chân phải rồi chân trái, súng bị gãy loa che lửa, chỉ còn bắn được phát một. Do phải hứng chịu nhiều trận bom nên tiểu đội của tôi hy sinh gần hết. Nhiều đồng chí bị thương nhưng vẫn gắng đứng vững chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Đó là đồng chí Tâm, quê ở Quảng Nam và đồng chí Kiều, mới 18 tuổi nhưng là những người rất năng nổ, xông xáo, thường xung phong nhận những việc khó khăn, nguy hiểm. Hai anh Tâm và Kiều là xạ thủ cùng chung công sự, được trang bị súng trường đã tích cực chiến đấu cho đến khi công sự bị bom đánh sập...”.

Di chuyển sang vị trí ẩn nấp của người dân trú ẩn bỏ lại, đồng chí Tâm bị thương nặng nên không thể tiếp tục chiến đấu, đồng chí Kiều bị thương ở tay. Vì hố sâu nên không thể đứng quan sát, chiến đấu, trong khi quân địch đang áp sát tiền duyên, đồng chí Tâm đã dũng cảm nằm xuống để đồng chí Kiều đứng lên thân mình tiếp tục đánh chia cắt, ngăn chặn địch. Do vết thương quá nặng, đồng chí Tâm đã anh dũng hy sinh...

Sau một ngày chiến đấu, cái đói, cái mệt làm cho Kiều kiệt sức. Loay hoay tìm đường rút lui an toàn, anh nghĩ đến vợ chồng ông Tư Nở sống ở bờ kênh, cạnh gốc cây me tây. Biết ông bà Tư Nở là địa chỉ đáng tin cậy, anh trườn sát dưới đất, đồng thời cõng theo đồng chí Tâm đến nhà ông Tư. Đến bên gốc me, anh dùng cành cây gài vào cò súng làm bẫy quân địch. Sau đó, anh tiến vào gần nhà ông Tư và gọi: “Ông Tư ơi! Con là Kiều. Con bị thương, Tâm hy sinh rồi, ông giúp con với...”.

Vốn tính cẩn thận, đề phòng quân địch nên ông Tư giả vờ như không quen biết. Sau một hồi nghe ngóng động tĩnh, ông mới nói Kiều ra dọc bờ kênh nằm. Ông Tư bước ra khỏi chòi mang theo bộ đồ bà ba cho Kiều mặc để giữ ấm cơ thể. Đồng thời, ông dùng chiếc xuồng ba lá đặt Tâm và Kiều lên xuồng rồi phủ rơm rạ lên. Sau đó kéo chiếc xuồng lội dọc bờ sông, vượt qua vòng vây của địch. Sau hơn một giờ đồng hồ, vừa kéo xuồng ngược dòng nước và xung quanh là họng súng kẻ thù có thể nã đạn bất cứ lúc nào, ông Tư cũng đưa được hai người về đến trạm cấp cứu thương binh...

BIỆN CƯỜNG