Trên đường vượt Trường Sơn gian khổ, ngày 20-2-1974, tôi vinh dự được kết nạp Đảng tại Binh trạm Tu Bơ. Trên đường đi, tôi nhớ có anh Đặng Văn Chung và An Thành Vân do bị sốt rét ác tính phải dừng lại trên đường hành quân, còn lại quân số bảo đảm đến đủ tại điểm tập kết ở Lò Gò-Xóm Giữa (Tây Ninh), khu vực biên giới giáp với Campuchia. Tại đây, chúng tôi dừng chân nghỉ khoảng một tháng để lấy sức, kết hợp học tập chính trị.

Thời gian này, tôi bất ngờ và vô cùng vui sướng vì gặp được người anh ruột là Nguyễn Hữu Ao, nhập ngũ năm 1960 và biệt tin từ ngày ấy. Hôm đó, chúng tôi nghe thông tin có đoàn thương binh của Mặt trận B2 trên đường ra Bắc báo cáo thành tích sẽ dừng lại học tập chính trị cùng đơn vị chúng tôi. Đón đoàn ở bờ kênh Xóm Giữa, từ xa, tôi đã thấy bóng dáng quen thuộc của anh nhưng chưa dám khẳng định nên vội tìm chỉ huy hỏi danh sách thương binh. Đúng anh Ao của tôi rồi! Anh là chiến sĩ của Trung đoàn U Minh (nay là Trung đoàn 1, Sư đoàn 330, Quân khu 9). Anh em gặp nhau mừng mừng tủi tủi. Anh chẳng nhớ rõ mặt tôi vì ngày anh đi, tôi mới là cậu bé 9-10 tuổi. Nay tôi đã là thanh niên tuổi đôi mươi trai tráng, mạnh khỏe. Anh tôi bị thương đến 5 lần, sức khỏe yếu thấy rõ. Nhưng anh rất lạc quan, vẫn nói mong chờ tổ chức điều động trở lại chiến đấu sau khi sức khỏe bình phục. Mừng cho anh em tôi gặp nhau, các bạn tân binh cũng lấy đó là niềm vui của chính mình. Tôi kể với anh về gia đình, tình hình quê hương Hà Long, còn anh thì chia sẻ những kinh nghiệm 10 năm chiến đấu ở chiến trường với những trận công đồn ác liệt. Anh em tôi chuyện trò mấy đêm liền mà chưa hết chuyện.

Gần một tháng bên nhau, cuối cùng phải đến ngày chia tay. Anh trai ra Bắc báo cáo thành tích còn tôi tiếp tục theo đoàn nhận quân của đơn vị vào mặt trận. Cuộc gặp bất ngờ như tiếp thêm cho tôi sức mạnh và nghị lực để cùng đồng đội vượt qua nhiều hiểm nguy trong quá trình chiến đấu sau này. Trải qua bao trận đánh ác liệt, tôi bị thương nặng trong trận Cây Dừa, thuộc khu vực kênh xáng Phụng Hiệp (Cần Thơ), ngày 8-6-1974. Sau khi điều trị lành vết thương, tôi trở về đơn vị tiếp tục tham gia nhiều trận chiến đấu công đồn, chống càn ác liệt, cùng đơn vị lập nhiều chiến công trên chiến trường miền Tây Nam Bộ. Cho đến Ngày giải phóng miền Nam, tôi lại cùng Đại đội 5, Tiểu đoàn 309, Trung đoàn U Minh-chính là đơn vị của anh tôi từng tham gia chiến đấu-ra đảo Phú Quốc làm công tác dân vận và bảo vệ đảo. Tháng 7-1977, tôi được xuất ngũ và ra Bắc, vào học tại Trường Cao đẳng Sư phạm Thanh Hóa. Tháng 9-1980, sau khi tốt nghiệp, tôi được Ty Giáo dục tỉnh Thanh Hóa điều động lên công tác tại huyện Bá Thước. Trải qua các cương vị công tác từ giáo viên lên Phó hiệu trưởng, rồi Hiệu trưởng Trường Phổ thông cơ sở Lũng Niêm, với phẩm chất của một người lính trưởng thành trong chiến đấu, tôi luôn cố gắng hết sức để hoàn thành nhiệm vụ của mình trên mặt trận mới...

NGUYỄN HỮU DUY