Năm 1953, Đinh Xuân Tòng nhập ngũ vào bộ đội địa phương tỉnh Kiến An (nay là TP Hải Phòng). Tháng 9-1954, ông được lựa chọn vào Đoàn 22, sau đó cơ động về sân bay Bạch Mai luyện tập để tham gia duyệt binh chào mừng Trung ương Đảng và Bác Hồ về Hà Nội ngày 1-1-1955. Ngày 13-5-1955, ông lại vinh dự trong đội quân tiếp quản TP Hải Phòng. Cuối năm 1955, ông được điều động về Trường Huấn luyện bờ bể (tiền thân của Học viện Hải quân ngày nay) thuộc Cục Phòng thủ bờ bể (nay là Quân chủng Hải quân). Thời gian ở trường, ông cùng đồng đội học tập văn hóa, sau đó đi đào tạo hải quân ở Trung Quốc. Năm 1959, ông về nước và công tác ở Đoàn 130, Cục Hải quân, tham gia tiếp nhận lớp tàu 79 tấn trang bị cho Đoàn 130 và huấn luyện vận hành tàu.

leftcenterrightdel

Cựu chiến binh Đinh Xuân Tòng (bên trái) và đồng đội ôn lại kỷ niệm quân ngũ. Ảnh: HỒNG THU

Ngày 3-8-1961, Tiểu đoàn 135 thành lập. Đinh Xuân Tòng được điều động về công tác tại Phân đội 3, Tiểu đoàn 135, phụ trách máy trưởng Tàu 339. “Cuối tháng 7-1964, Tàu 339 chúng tôi cùng với các tàu của Phân đội và Tiểu đoàn 135 tiến hành diễn tập. Đang trong thời gian diễn tập thì tàu chúng tôi nhận lệnh cùng với các tàu 333, 336 (Phân đội 3) về căn cứ làm công tác chuẩn bị, lắp ngư lôi, cơ động về vùng biển Thanh Hóa, tổ chức đánh tàu địch xâm phạm vùng biển của ta. Trên Tàu 339 khi ấy có Chính trị viên Phân đội 3 Mai Bá Xây, Thuyền trưởng Nguyễn Văn Giản, Thuyền phó Bùi Ổn và 10 chiến sĩ. Tôi là máy trưởng. 0 giờ 15 phút ngày 2-8, biên đội tàu phóng lôi của Phân đội 3 rời cảng Vạn Hoa cơ động qua hòn Nẹ, đến hòn Mê (Thanh Hóa) chờ lệnh. Chiều 2-8, phát hiện tàu Maddox của địch, cả biên đội tăng tốc tiếp cận mục tiêu. Khi các tàu phóng lôi của ta còn cách mục tiêu khoảng 6 hải lý thì tàu địch dùng pháo lớn bắn dồn dập về phía đội hình biên đội. Gần 15 giờ 30 phút, Tàu 339 tiếp cận mạn phải tàu Maddox ở cự ly 6 liên (khoảng 1km), phóng ngư lôi và rời khu vực tác chiến.

Song ngay sau đó, Tàu 339 của chúng tôi bị trúng đạn pháo của tàu địch và đạn rocket của máy bay Mỹ, khiến hệ thống máy tàu bị tê liệt, phải thả trôi. Hầu hết cán bộ, chiến sĩ trên tàu trúng đạn. Pháo thủ Phạm Trẹo hy sinh tại chỗ; thợ máy Nguyễn Văn Luân bị thương nặng và hy sinh sau đó, đồng chí Định sau khi kéo cần phóng lôi cũng trúng đạn của tàu địch, bị thương nặng. Tôi cũng bị trúng đạn vào cổ, vào bụng, máu chảy ướt đẫm áo quần. Thấy tàu chúng tôi không cơ động được, tốp máy bay Mỹ quây vào đánh phá. Thuyền trưởng Nguyễn Văn Giản lệnh cho tôi làm nổ thùng khói mù để nghi binh. Tôi khẩn trương làm nổ các thùng khói mù, tạo thành những cột khói đen đặc trùm lên tàu. Địch nghĩ rằng tàu của chúng tôi đã trúng đạn đang chuẩn bị chìm nên quay ra đánh phá hai tàu 333 và 336.

Thoát khỏi máy bay Mỹ, song tàu chúng tôi bị đạn bắn thủng, nước đã chảy vào khoang. Tôi nhanh chóng dùng búa đóng nút gỗ thông bịt lỗ thủng, sau đó cùng với đồng chí Thạo thợ máy và anh em hỗ trợ khắc phục máy hỏng. Trong khoang máy nóng hầm hập do hoạt động nhiều giờ và nhiều vật liệu bị cháy. Chúng tôi khắc phục đường ống dầu vỡ, máy nén khí và máy tàu... Vì các máy đều bị hư hỏng, nên tôi cùng anh em lựa chọn những bộ phận, phụ tùng còn tốt, dồn lại lắp cho một máy. Sau gần 2 giờ sửa chữa, tàu nổ máy trở lại. Lúc này, các khí tài dẫn đường, đo đạc của tàu cũng bị hư hại, Thuyền trưởng định vị bằng mặt trời, ánh sao ban đêm để lái tàu về bờ. Khoảng 3 giờ đêm, tàu về đến gần bờ thì được tàu của ta ứng cứu. Tôi bị thương mất máu và kiệt sức nên ngất đi. Sau này được anh em kể lại, khi tàu cập bến, có cô Đào đã sơ cứu vết thương cho tôi và chuyển đi bệnh viện điều trị. Đến nay, tôi vẫn chưa gặp lại được cô Đào, ân nhân của tôi”...

Giờ phút sinh tử trước bom đạn địch và cứu tàu thoát khỏi tử thần không thể nào quên đối với ông Đinh Xuân Tòng. Sau ngày 5-8-1964, ông được đi an dưỡng và tiếp tục học văn hóa, rồi vào đào tạo sĩ quan tại Trường Sĩ quan Hải quân. Ra trường, ông đảm nhiệm các cương vị thuyền phó, thuyền trưởng, tham gia vận tải phục vụ cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975; làm nhiệm vụ ở vùng biển Tây Nam. Thiếu tá Đinh Xuân Tòng nghỉ hưu khi giữ cương vị Hải đội trưởng Hải đội 10, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Hải quân (Quân chủng Hải quân).

ĐỨC ANH