Bước sang năm 1961, nhiệm vụ chính của các máy bay Li-2 thuộc biên chế Trung đoàn 919 (Cục Không quân) hoạt động vận tải cơ động cho Quân đội Pathet Lào và Quân tình nguyện Việt Nam từ các căn cứ thuộc Quân khu Tây Bắc sang các căn cứ vùng Thượng Lào. Máy bay ta đi về như con thoi, hầu như ngày nào cũng có từ 4 đến 6 chiếc hoạt động.

Đại tá Trần Văn Nam kể lại: “Thời gian đầu hoạt động, địch chưa có phản ứng. Thế nhưng ngay khi đó, Đại tá Đặng Tính, Cục trưởng Cục Không quân đã nhận định sớm muộn Mỹ sẽ đưa máy bay từ Thái Lan sang ngăn chặn không cho ta bay sang vùng Thượng Lào. Chính vì vậy, đồng chí Cục trưởng đã trực tiếp chỉ thị cho Trung đoàn 919 nhanh chóng nghiên cứu thiết kế làm giá để lắp súng đại liên Ka-li-nốp ở cửa sổ hai bên thân máy bay Li-2 đề phòng máy bay địch khiêu khích thì bắn chặn luôn. Tổ cơ khí đã khẩn trương thiết kế lắp đặt giá súng đại liên”.

Sau khi hoàn thiện việc lắp đặt giá súng, Đại tá Đặng Tính cùng lên máy bay mang theo những chiếc săm ô tô được bơm căng làm phao thả xuống vùng biển Hải Hậu (Nam Định) làm mục tiêu. Đồng chí Đặng Tính trực tiếp bắn thử, sau đó hướng dẫn các thành viên tổ bay cách lựa chọn góc bắn, cách bắn đón... Sau khi luyện tập thuần thục, các tổ bay tiếp tục thực hiện nhiệm vụ vận tải. Khi đó, trên máy bay đã lắp hai khẩu súng đại liên. Phi công tự tin thực hiện nhiệm vụ khi được trang bị thêm vũ khí tự vệ.

leftcenterrightdel

Đại tá Trần Văn Nam kể lại trận đánh đối đầu với máy bay địch. 

Đại tá Trần Văn Nam kể tiếp: “Đầu năm 1962, tổ bay Li-2 số hiệu 61327 gồm phi công Đinh Tôn lái chính, tôi là giáo viên bay và đồng chí Phan Thanh Liên cơ giới trên không đang bay ở Điện Biên thì phát hiện một chiến đấu cơ của địch lao từ phía bên phải đang bay chéo sang tiếp cận máy bay ta. Tổ bay nhanh chóng nắm thông tin. Đồng chí Đinh Tôn hội ý chớp nhoáng và nhận định khả năng máy bay địch khiêu khích, nếu cứ tiếp tục bay thẳng thì địch dễ bám đuôi tấn công. Tổ bay quyết định đối đầu và chọn thời cơ uy hiếp tiêu diệt máy bay địch. Tôi được giao khẩu đại liên bên trái sẵn sàng nổ súng, địch có khả năng cao sẽ vòng trái bay về hướng Thái Lan. Máy bay địch vẫn thẳng hướng, phi công Đinh Tôn quyết định giữ nguyên hướng bay đối đầu trực tiếp với kẻ thù. Khi khoảng cách giữa hai máy bay gần hơn, máy bay địch bất ngờ rẽ trái rút chạy. Tôi liền đưa vòng ngắm vào máy bay địch đang nằm ngang tầm nhả đạn. Súng bắn được 18 viên thì bị hóc, máy bay địch chuồn thẳng về Thái Lan. Sau đó, chúng tôi nhận được tin một máy bay B-26 của Mỹ bị trúng đạn phải hạ cánh gấp”.

Tổ bay về rút kinh nghiệm. Tại hội nghị, phi công Đinh Tôn chia sẻ rằng, việc quyết định cho máy bay đối đầu với máy bay địch là học tập kinh nghiệm của phi công Liên Xô trong thời kỳ chống chiến tranh phát xít. Khi đối đầu, kẻ nào run sợ sẽ phải rẽ hướng, lúc đó bắn sẽ thuận lợi nhất. Phi công Mỹ dù có lái máy bay hiện đại nhưng mang tâm lý của kẻ đi xâm lược hèn nhát, sợ chết, còn ta sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc nên chẳng nao núng gì. Chính vì vậy, những tên giặc trời bạc nhược kiểu gì cũng sẽ bỏ chạy.

Nhờ nhận định đúng đắn cùng tinh thần chiến đấu dũng cảm, tổ bay đã sẵn sàng nổ súng đối đầu với địch, thể hiện cách đánh độc đáo, sáng tạo. Máy bay vận tải qua cải tiến không chỉ làm nhiệm vụ chuyên chở hàng hóa mà còn chiến đấu trực tiếp với địch trên bầu trời. Trận đối đầu và nổ súng đầu tiên vào máy bay địch của tổ bay đã nêu gương sáng về tinh thần chiến đấu mưu trí, sáng tạo của phi công Việt Nam, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ quốc tế cao cả, đồng thời rút ra kinh nghiệm quý để sau này bộ đội không quân chiến đấu thắng lợi.

Bài và ảnh: VŨ DUY