Ở Sư đoàn 304, nhưng chúng tôi chưa được điều xuống các đơn vị. Theo anh Giai, Trưởng ban Cán bộ Sư đoàn 304 lúc ấy, cho biết: “Các cậu là lực lượng cán bộ dự bị của sư đoàn, nên tạm giữ ở sư đoàn bộ và có thể được điều xuống các đơn vị bất cứ lúc nào”. Tôi được điều tạm về Ban Tuyên huấn sư đoàn. Sư đoàn bộ đóng quân ở cảng Kampong Som, làm nhiệm vụ quân quản trong thành phố. Trung tá Hoàng Chính, Phó tư lệnh Sư đoàn 304 làm Chủ tịch Ủy ban Quân quản. Nhiệm vụ của ủy ban là quản lý, bảo vệ các kho tàng để sau bàn giao cho bạn. Việc trực tiếp canh gác, bảo vệ là do các chiến sĩ cảnh vệ đảm nhiệm, chúng tôi có nhiệm vụ thường xuyên kiểm tra, đôn đốc.

leftcenterrightdel

Bộ đội tình nguyện Việt Nam với nhân dân Campuchia (tháng 1-1979). Ảnh: NGUYỄN DĨNH 

Chiều 29 tháng Chạp (27-1-1979) là Tất niên, tôi cùng anh Hùng người Nghệ An và anh Giang người Thanh Hóa, cùng hai nữ chiến sĩ của Phòng Chính trị sư đoàn tên là Hoa và Yến, quê Hưng Yên, được tăng cường cho nhà bếp sắp xếp bữa cơm Tất niên cho đơn vị, thực chất chỉ có khoảng 30 người ở cơ quan Bộ tư lệnh Sư đoàn 304. Bữa cơm Tất niên cũng bình thường như bao bữa cơm khác, chỉ thêm thịt hộp xào rau nhiều hơn, đĩa thịt kho với cùi dừa già. Cơm nước xong, khoảng 21 giờ, Trung tá Hoàng Chính cho liên lạc xuống các bộ phận thông báo: Tất cả anh em phải thay nhau canh gác, được để đèn mỗi nhà một bóng, đề phòng tàn quân Pol Pot mò vào. Chúng tôi mỗi người một khẩu AK, 2 băng đạn, mấy quả lựu đạn mỏ vịt, thay nhau canh gác. Thời khắc Giao thừa đến, trong lòng tôi cũng như mọi người đều nghĩ, giờ này ở nhà chắc đầm ấm lắm, tiếng pháo đón xuân về rộn ràng khắp xóm làng. Còn không khí khu vực cảng Kampong Som vắng vẻ đến không ngờ...

Sau ca gác, tôi về nằm trên chiếc giường cá nhân khung sắt đã hoen gỉ, chiếc chiếu cũ sờn mép, nhưng không sao ngủ được. Đồng hồ đã chỉ gần 2 giờ sáng. Ở nhà lúc này chắc chỉ có mình mẹ tôi, gia đình chị gái ở xa, em gái mới đi học tận Lào Cai, tàu xe khó khăn và tình hình vùng biên giới phía Bắc năm ấy đang căng thẳng nên chắc không ai về. Nằm nghĩ thương mẹ đã tuổi cao, sức yếu, ngày xuân đoàn tụ mà con cháu không ai về được.

Sáng mồng Một Tết, tôi dậy đã gần 8 giờ sáng, hầu như cả đêm mọi người đều thao thức. Theo tục lệ, chúng tôi đến các bộ phận chúc sức khỏe, kể chuyện Tết ở mỗi vùng quê cho nhau nghe. Trưa hôm đó, khoảng 11 giờ, khi mọi người vừa ngồi vào bàn ăn, Phó tư lệnh Hoàng Chính đem ra chai rượu, ông chia cho mỗi người một chén nhỏ gọi là mừng năm mới. Bữa cơm đầu năm cũng chỉ như chiều Tất niên và được thêm món cá biển rán. Có điều, cơm bày ra chưa kịp ăn, rượu chưa ai uống thì được tin tàn quân Pol Pot xâm nhập vào một kho ở khu vực cảng. Đồng chí Hoàng Chính liền chỉ thị: Các lực lượng chia đôi quân số, một nửa ở lại trông coi đơn vị, một nửa đi chi viện gấp cho tổ vệ binh đang giữ kho khu vực cảng. Tôi và gần chục anh em vội vàng leo lên hai chiếc xe Jeep lao đi. Đến nơi, chúng tôi nhanh chóng triển khai đội hình chiến đấu. Chừng ít phút sau, thấy có nguy cơ bị tiêu diệt, mấy tên Pol Pot mặc đồ đen, cổ quấn khăn rằn ri vội chạy thục mạng vào rừng, bỏ lại hai tên bị thương. Anh em bắt về khai thác. Thì ra, chúng đói khát quá nên mò vào tìm kiếm đồ ăn. Quần áo chúng rách bươm, mùi hôi nồng nặc do lâu ngày không tắm rửa.

Sau này, tôi có nhiều dịp sang Campuchia, nhưng do bận công việc nên chưa được trở lại cảng Kampong Som để nhớ về một cái Tết không thể quên trong cuộc đời quân ngũ của mình.

HOÀNG QUÝ LÊ