Đại đội 10 (Tiểu đoàn 15) được lệnh xuất phát trước. Đoàn xe pháo bí mật vượt cổng trời trên Đường 12A. Qua biên giới, rồi rẽ sang Đường 128, men theo dãy núi, một bên là rừng săng lẻ cổ thụ mênh mông, một bên là vách đá cao vút. Đúng Giao thừa năm Kỷ Dậu 1969, bỗng xuất hiện một máy bay AC-130 của địch đến bắn chặn. Xe của tôi chở đủ pháo thủ của khẩu đội cùng các trang thiết bị và thêm một số lương thực, thực phẩm của bộ phận hậu cần. Khi máy bay AC-130 bắn đạn 20mm bắt nhiệt xuống, đồng chí lái xe Quang Vinh (quê Hà Nội) trúng đạn và hy sinh ngay sau đó. Xe đã chết máy, nhưng tay anh vẫn cầm chắc vô lăng. Trên thùng xe, Trung sĩ, Tiểu đội trưởng Trần Huy Hiệu, quê ở Ứng Hòa, Hà Tây (nay là Hà Nội), động viên 7 pháo thủ chúng tôi bình tĩnh, rồi anh kéo những bao gạo loại 100kg che cho tôi và mọi người. Nhưng anh cũng trúng đạn và hy sinh.

Trong trận bị tập kích ấy, đại đội chúng tôi hy sinh 4 đồng chí, không ai bị thương. Đêm đó, chúng tôi phải ngừng hành quân để triển khai trận địa bảo vệ những đoàn xe đi vào phía trước. Cho đến sáng hôm sau (tức mồng Một Tết Kỷ Dậu 1969), tôi kiểm tra bao gạo được anh Hiệu kéo che cho mình, có hai viên đạn 20mm làm rách toác bao gạo, nhưng không xuyên xuống lưng tôi-điều kỳ diệu không thể tưởng tượng nổi! Đúng là anh Hiệu đã cứu sống tôi, trong giây phút ngàn cân treo sợi tóc.

Suốt ngày mồng Một, cán bộ, chiến sĩ đại đội vừa sẵn sàng nổ súng, vừa lo thu xếp khâm liệm các liệt sĩ. Chúng tôi liên lạc được với bộ phận chuyên gia giúp bạn Lào ở khu vực này xin ván đóng quan tài cho từng liệt sĩ. Mới đầu xuân mà nước bạn đã nắng nóng đến 35-360C. Chập tối mồng Hai, tôi được lệnh cùng một lái xe đưa thi hài 4 liệt sĩ về nước. Lái xe là anh Bưng quê Thanh Hóa, có kỹ thuật vững vàng, cẩn thận, một mình cầm vô lăng xe Gaz chạy khẩn trương trong đêm... Tôi khoác súng AK ngồi bên thi hài các liệt sĩ. Vừa thương đồng đội, vừa căng thẳng, mệt mỏi suốt mấy ngày, tôi nằm lịm đi lúc nào chẳng biết.

Xe vượt biên giới trở về đất mẹ lúc trời mờ sáng, tôi vẫn lịm đi. Mọi người khiêng tôi vào khu vực bếp của một đại đội rồi tiêm thuốc trợ sức cho tôi nằm nghỉ. Còn anh Bưng đã liên lạc được với chỉ huy Trung đoàn, trung đội công binh gần đó và lực lượng thanh niên xung phong tổ chức chôn cất các liệt sĩ vào một gờ núi bên Đường 12A.

leftcenterrightdel

 Cựu chiến binh Đặng Sỹ Ngọc (bên phải) và đồng đội, đầu năm 2023. Ảnh do tác giả cung cấp

Chiều hôm đó, tôi được đưa về Sở chỉ huy Trung đoàn nghỉ ngơi và chờ đợi xe trở lại đơn vị. Một tuần sau, khi anh Bưng nhận đủ 40 thùng đạn từ kho của binh trạm thì chúng tôi trở lại đơn vị. Qua đèo Mụ Giạ, vượt biên giới, vào đến đất bạn, bỗng máy bay A-7 đến cắt bom tọa độ. Các quả bom không trúng mặt đường, nhưng một quả nổ phía trên lưng núi, ngay gần xe. Lực đẩy của quả bom hất xe của chúng tôi lăn xuống vực, cách mặt đường chừng 15m.

Trong giây phút hoảng loạn, đau đớn, tôi thấy mình và anh Bưng vẫn còn sống trong buồng lái. Xe nằm úp giữa lòng khe cạn, tất cả đạn đã bị đổ ra khỏi thùng xe. Anh em công binh Tiểu đoàn 2 của binh trạm đã phát hiện ra chúng tôi bị nạn. Họ vội vã tổ chức đưa chúng tôi lên cứu chữa. Tôi cảm thấy khó thở, xây xát khắp người. Nhưng được sự chăm sóc chu đáo, chưa đầy một tuần sau, cả hai chúng tôi đều đã khỏe lại và xin quân y trở về để được cùng đơn vị chiến đấu.

Đã hơn 50 năm trôi qua kể từ ngày ấy. Tôi biết tin anh Bưng đã hy sinh trước ngày giải phóng đất nước. Còn tiếng hô “Hồ Chủ tịch muôn năm!” của liệt sĩ Trần Huy Hiệu vẫn vang mãi trong tôi.

ĐẶNG SỸ NGỌC