Đầu năm 1950, Liên Xô, Trung Quốc và nhiều nước xã hội chủ nghĩa đã công nhận ngoại giao với nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Thường vụ Trung ương lại đề nghị Bác cho tổ chức sinh nhật Người vào ngày 19-5-1950. Bác vẫn khước từ. Nhiều tổ chức đoàn thể, nhân dân và nhân sĩ, trí thức gửi thư đề nghị lên Phủ Chủ tịch, Bác mới đồng ý cho tổ chức “lục tuần đại khánh”.

Theo kế hoạch của Bộ Quốc phòng-Tổng Tư lệnh, Đội Thiếu sinh Vệ quốc quân của Chính trị Cục (bao gồm những anh em còn ít tuổi ở nhiều đơn vị, có thành tích chiến đấu và năng khiếu nghệ thuật) đến tham gia biểu diễn chúc thọ Bác. Khỏi phải nói tâm trạng chúng tôi vui mừng và hồi hộp như thế nào. Hôm ấy, thời tiết đầu hè thật đẹp, núi rừng Tân Trào (Tuyên Quang) như khoác trên mình tấm áo xanh tươi mới. Đúng hẹn, 15 giờ, Bác đến, chúng tôi ùa đến quanh Bác, tất cả đồng thanh hô to: “Bác Hồ muôn năm!”. Bác giơ tay ý bảo mọi người im lặng và hỏi chúng tôi bữa trưa ăn có được no, ngon miệng không. Chúng tôi đồng thanh trả lời: “Thưa Bác no ạ! Rất ngon ạ!”.

leftcenterrightdel
Cựu chiến binh Vũ Thành. Ảnh: QUÝ HOÀNG 

Bác cho chúng tôi biết, trưa nay nhà bếp nấu bằng “cây nhà lá vườn” do Bác và các chú bộ đội tự tăng gia. Nói rồi, Bác chỉ tay ra những giàn mướp, bầu, bí, những luống rau muống, rau dền xanh mướt. Bác bảo, trồng rau vừa để ăn, vừa che mắt máy bay địch. Rồi Người hỏi chúng tôi có tăng gia không. Chúng tôi nhìn nhau chưa biết trả lời thế nào thì Bác đã ôn tồn bảo: “Bác cho các cháu 200 đồng làm vốn, đây là tiền nhuận bút của Bác. Các cháu có làm được không? Nếu vượt định mức, Bác sẽ có thưởng!”. Chúng tôi đồng thanh hứa với Bác là sẽ làm được. Đàn cháu nhỏ nhìn Bác đều ứa nước mắt, thương Bác vất vả, mái tóc bạc thêm nhiều. Bác ra hiệu cho chúng tôi ngồi xuống ghế rồi nhắc hai nhạc sĩ Đỗ Nhuận và Lưu Hữu Phước cho chúng tôi đàn hát vui vẻ để chụp ảnh với Bác cho tự nhiên.

Dự buổi gặp mặt mừng sinh nhật Bác hôm ấy có: Phó trưởng ban Thường trực Quốc hội Phạm Bá Trực; Phó thủ tướng Phạm Văn Đồng; Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cùng nhiều vị bộ trưởng, nhân sĩ khác. Buổi gặp mặt diễn ra thật đơn sơ, giản dị mà ấm cúng, thân tình. Linh mục Phạm Bá Trực đọc thơ chúc thọ Bác, Bác tươi cười tiếp lời linh mục: “Tôi có mấy vần thơ, cũng chỉ là khoai sắn thôi, xin đọc ra đây: Sáu mươi tuổi hãy còn xuân chán/ So với ông Bành vẫn thiếu niên/ Ăn khỏe, ngủ ngon, làm việc khỏe/ Trần mà như thế kém gì tiên!”. Bác đọc thơ xong, mọi người vỗ tay vui vẻ. Tôi và anh Phan Phúc liền lách vào. Thấy vậy, Bác hỏi có phải chúng tôi muốn chúc Người điều gì. Chúng tôi dâng cây sáo cho Bác rồi thưa: “Chúng cháu xin thay mặt Đội biếu Bác cây sáo ạ!”.

Bác đỡ lấy chiếc sáo, kéo chúng tôi lại sát bên, rồi bảo: “Đường khoét rất tròn, trơn gọn, chắc phải có bàn tay các anh chị giúp cho, đúng không?”. Nhạc sĩ Đỗ Nhuận đứng dậy đỡ lời: “Thưa Bác, cháu có chuốt lại một chút giúp các em thôi ạ!”. Bác tươi cười bảo đã nghe tài của Đỗ Nhuận rồi. Người còn nhắc lại hồi trong nhà tù Sơn La, nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã làm chiếc đàn nhị bằng vỏ hộp sữa, một đồng chí gái đã cắt tóc làm dây kéo nhị. Với cây đàn nhị ấy, bài hát “Hận Sơn La” và “Côn Đảo” ca ngợi ý chí bất khuất của anh em ta bị Pháp giam giữ trong nhà lao đã ra đời. Nhạc sĩ cảm động ứa nước mắt, không ngờ những việc ấy mà Bác lại biết tường tận.

Hôm ấy, cùng một số bài hát, chúng tôi còn diễn vở kịch ngắn “Con chim kháng chiến”, nói về một thiếu sinh quân vừa tích cực tham gia kháng chiến, vừa yêu quý chim, huấn luyện một con vẹt biết nói: “Đả đảo giặc Pháp!”; “Ủng hộ kháng chiến!”; “Trường kỳ kháng chiến, nhất định thắng lợi!”. Tôi đóng vai con vẹt, còn anh Phan Phúc đóng vai thiếu sinh quân. Xem xong, Bác vỗ tay động viên chúng tôi rồi quay người lại bảo Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Các cháu này tham gia kháng chiến từ khi tuổi còn nhỏ, lại rất có tài năng nghệ thuật, cần phải cho các cháu học thêm văn hóa để bồi dưỡng nhân tài cho đất nước, phục vụ công cuộc kiến quốc sau này!”.

Sau buổi sinh nhật Bác không lâu, các trường thiếu sinh quân được thành lập. Nhiều học sinh của trường sau này trở thành tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp trong Quân đội, hoặc thành danh trên nhiều lĩnh vực. Lời Bác căn dặn, chúng tôi luôn ghi nhớ, tích cực học tập, công tác, trui rèn năng khiếu của mỗi người để phục vụ đồng bào. 

HOÀNG LÊ QUÝ (Ghi theo lời kể của Đại tá Vũ Thành, nguyên cán bộ Ban Ký sự lịch sử, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam)