Ngồi trên chiếc xe lăn với niềm vui còn đọng trên khuôn mặt phúc hậu, từng trải, Trung tướng Phan Hoan không nói về chiến công mà kể cho tôi nghe về mùa xuân đáng nhớ nhất trong cuộc đời chiến trận của ông: “Sau khi ta giành chiến thắng ở Thượng Đức (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) ngày 7-8-1974 và giải phóng Phước Long ngày 6-1-1975, không khí đón xuân ở căn cứ Hòn Tàu, nơi đóng quân của Bộ tư lệnh Mặt trận 44-Quảng Đà khẩn trương và hân hoan.

Là Tư lệnh mặt trận, tiếp xúc nhiều với các đồng chí lãnh đạo cấp trên, tôi biết tình hình trong năm sẽ biến chuyển lớn, niềm hy vọng ngày về quê nhà gặp lại mẹ và người thân yêu trong gia đình lớn dần lên. Đêm Ba mươi Tết, từ Hòn Tàu, một dãy núi thuộc dãy Đông Trường Sơn (bao gồm xã Quế Hiệp của huyện Quế Sơn và xã Duy Sơn thuộc huyện Duy Xuyên) hướng về quê nhà xã Điện Nam, huyện Điện Bàn mà lòng tôi như lửa đốt. Chao ôi, chỉ có 35 cây số thôi mà mấy chục năm qua tôi không thể về thăm mẹ già và người thân lấy một lần.

Quê tôi ở làng Bình Ninh, xã Điện Nam. Đó là vùng đất cát nên cuộc sống của bà con rất vất vả, khổ cực. Đất trồng khoai lang nhiều hơn trồng lúa, bữa ăn hạt cơm cõng hàng chục lát khoai.

Tôi là con út trong gia đình có 5 anh chị em. Anh cả mất lúc mới 7 tuổi, anh hai cũng chỉ sống được mấy tháng. Khi tôi được 3 tháng thì ba mất. Nhà nghèo nhưng mẹ tần tảo nuôi dạy chị em chúng tôi nên người, tôi được mẹ cho ăn học đến khi tốt nghiệp Primaire (tiểu học).

leftcenterrightdel

Trung tướng Phan Hoan (thứ hai, từ phải sang) đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Bộ tư lệnh Quân khu 5 (năm 1990).

 Ảnh: TRẦN MẠNH KỲ 

Tôi tham gia cách mạng năm 1945, năm 1954 tạm biệt mẹ và gia đình tập kết ra miền Bắc. Năm 1965, tôi trở về miền Nam chiến đấu, lúc đầu hoạt động ở Tây Nguyên, sau đó làm Tư lệnh Mặt trận 44-Quảng Đà, chiến đấu trên quê hương. Tuy vậy, tôi không thể gặp mẹ bởi quê tôi trở thành vùng trắng, bọn giặc tàn sát rất dã man những người yêu nước, kháng chiến...

Rồi chiến trận cuốn tôi theo làm nguôi nỗi nhớ mẹ và quê hương. Chiến dịch Tây Nguyên chưa kết thúc, ngày 18-3-1975, mặt trận chúng tôi nhận được điện của đồng chí Võ Chí Công, Bí thư Khu ủy, Chính ủy Quân khu 5: “Các đồng chí tích cực chuẩn bị, hướng chiến dịch sẽ chuyển về phía đó”. Ngày 22-3, thay mặt Ban Thường vụ Đặc khu ủy Quảng Đà, đồng chí Trần Thận, Bí thư Đặc khu ủy kiêm Chính ủy Mặt trận 44-Quảng Đà; Phạm Hồng Quang, Ủy viên Thường vụ phụ trách dân vận và tôi, Ủy viên Thường vụ, Tư lệnh mặt trận lên Quế Sơn để nhận nhiệm vụ.
Mặt trận 44-Quảng Đà chúng tôi đảm nhiệm hướng tấn công phía đông thành phố, đánh chiếm từ Non Nước ra Sơn Trà, chặn không cho địch tháo chạy ra biển. Còn ở hướng bắc và tây, đại bộ phận Quân đoàn 2 đánh chiếm đèo Hải Vân, tiến xuống Nam Ô và ngã ba Huế. Từ phía nam, Sư đoàn 2 (Quân khu 5) theo Quốc lộ 1 chia làm hai cánh: Một đánh thẳng vào quân đoàn 1 ngụy, một cánh thọc vào sân bay Đà Nẵng. Sư đoàn 304 (Quân đoàn 2) từ Ái Nghĩa tiến xuống Hòa Cầm hội quân với cánh quân của Sư đoàn 2 tại sân bay Đà Nẵng.

Tôi nhớ mãi buổi chiều 30-3-1975. Hôm ấy tôi được về thăm quê. Sau 20 năm xa cách, đứng trước làng Bình Ninh, tôi không thể nhận ra nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Địch đã dùng máy ủi san bằng, phát quang để hòng tiêu diệt cơ sở cách mạng. Chúng biến quê tôi thành một bãi đất trống, không nhà cửa, không cây cối. Càng đau đớn khi nghe tin mẹ tôi đã mất. Sau này nghe người nhà kể lại, năm 1972, hay tin tôi về, mẹ đi dọc Đường số 1 để hỏi dò tin tức đứa con trai độc nhất. Năm 1973, mẹ tôi mất, không kịp đợi tôi về...

Tôi đứng lặng hồi lâu trên mảnh đất quê hương. Nỗi đau chung của dân tộc, nỗi đau riêng của xóm làng, của gia đình không thể nói nên lời. Và trong những ngày chiến thắng ấy, tôi mới thấm thía những hy sinh, mất mát của đất nước qua hai cuộc chiến tranh, cái giá của độc lập, tự do cho dân tộc. Sự thấm thía đó tôi khắc sâu vào xương tủy để giáo dục con cháu sau này”.

Ngày 23-6-2014, sau 9 năm chống chọi với bệnh tật, Trung tướng Phan Hoan từ trần. Được ủy quyền của Đảng ủy, Ban biên tập Báo Quân đội nhân dân, tôi và các cán bộ trong cơ quan đại diện miền Trung-Tây Nguyên hòa vào dòng cán bộ, chiến sĩ Quân khu 5; cán bộ, nhân dân tỉnh Quảng Nam, TP Đà Nẵng đến đưa tiễn ông về cõi vĩnh hằng với lòng tiếc thương sâu sắc.  

HỒNG SƠN