Gặp người thân trên đường hành quân

Ông Trương Văn Minh (còn gọi là Trương Sách), sinh năm 1950, cựu chiến binh Sư đoàn 2 (Quân khu 5), là người may mắn gặp được cha và anh trai trên đường hành quân trong những năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Những cuộc gặp tuy ngắn ngủi nhưng đã động viên ông hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Xin thuốc... gặp được cha

Đến nhà ông Trương Văn Minh ở xã Tam Hiệp (Núi Thành, Quảng Nam), chúng tôi được ông kể: “Năm 1954, cha tôi không tập kết ra Bắc mà ở lại miền Nam bí mật hoạt động giao bưu. Năm 1958, cha tôi bị địch bắt và đánh đập dã man, người gầy trơ xương. Do không khai thác được, địch buộc phải thả ông với ý định giam lỏng ở Kỳ Khương (nay là xã Tam Hiệp). Lúc cha về nhà gần trưa, tôi năm ấy còn nhỏ, chưa kịp nhớ dáng hình hay nét mặt thì chập choạng tối đã có người của ta đến đón cha đi”.

Cha trong diện truy nã của giặc, anh trai thứ ba hy sinh tại quê, người anh thứ tư thoát ly hoạt động, mẹ bị bắt, nhà mấy lần bị đốt... khiến chàng thiếu niên Trương Văn Minh càng căm thù giặc. Còn nhỏ chưa đi bộ đội được nên Minh xin giấy ra làm phu củi ở Nam Ô, Đà Nẵng. Tại đây, anh đã được thử thách và gia nhập Huyện đội Hòa Vang, rồi vào đội hình Sư đoàn 2. Lúc ấy, Minh mới 15 tuổi.

leftcenterrightdel
 

Cựu chiến binh Trương Văn Minh (bên phải) và đồng đội ở Trung đoàn 1 (Sư đoàn 2). Ảnh: HÀ MY

Sau Chiến dịch Khâm Đức, Trương Văn Minh cùng các chiến sĩ của đại đội trinh sát Trung đoàn 1 về Tam Kỳ chuẩn bị chiến trường cho trận đánh mới. Ngày 1-6-1968, đến sông Tranh (Trà My, Quảng Nam), mọi người dừng nghỉ ngơi. Minh đang thèm thuốc lá thì phát hiện phía trước có một người mang ba lô cùng một cần vụ nghỉ trên mỏm đá. Lúc này, tất cả anh em cùng mắc võng nghỉ trong lán. Riêng Minh, như có linh tính mách bảo, anh đi ra vừa xin thuốc lá vừa làm quen với người khách lạ.

Khi Minh hỏi thăm về quê quán, người nhiều tuổi không nói gì. Minh cố gặng hỏi khiến người cần vụ cảnh giác. Đến khi biết Minh muốn xin thuốc, người nhiều tuổi móc trong ba lô ra hai lá thuốc khô. Minh đem về chia cho 6 người, hai lá thuốc chẳng thấm tháp vào đâu nên Minh quay trở lại xin thêm. Thấy người nói giọng quê mình, Minh cho biết mình ở thôn Khương Đại, con ông Phan. Nghe đến đó, người nhiều tuổi ngẩng lên sửng sốt: “Trời, con trai tôi!”... Ông bước đến ôm Minh và bật khóc. Người cha không nhớ mặt, bất ngờ được gặp ở đây, anh sung sướng không nói nên lời. Đồng đội ùa đến chia vui cùng hai cha con. Người cha tên thật là Trương Quân (còn gọi là Phan), cán bộ giao bưu. Đêm ấy, hai cha con tâm sự về gia đình, quê hương, cuộc sống, công tác của hai cha con. Hôm sau, hai cha con chia tay nhau để về đơn vị.

Ba lon bắp yêu thương

Năm 1967, Trương Văn Minh về Hiệp Đức (Quảng Nam) cùng đơn vị trinh sát, chuẩn bị cho trận đánh lớn. Anh đang lúi húi tác nghiệp trên cây cao, súng ống giao cho hai đồng chí của mình ở dưới. Không ngờ, hai anh này đi tìm nước uống vừa lúc một người lạ đi đến. Minh vội tụt xuống, tư thế cảnh giác dù biết rằng nơi đây chủ yếu là “đằng mình”.

Không ngờ người lạ ấy là anh Bốn-người anh đi bộ đội đã mất liên lạc bấy lâu nay. Hai anh em ôm chầm lấy nhau, mừng rỡ. Mấy năm rồi không gặp, anh Bốn không ngờ em mình lại trưởng thành đến vậy. Còn Minh thì vô cùng tự hào về anh trai, cán bộ giao bưu của Quân khu 5. Lúc này, anh Bốn đang vừa đi tiền trạm để đặt đường dây mới, vừa đi kiếm lương thực cho đơn vị. Hai anh em tâm sự chuyện nhà. Nỗi nhớ người anh trai đã hy sinh, thương mẹ, chị gái và người em trai bệnh tật đang sống trong nanh vuốt kẻ thù làm cả hai trào nước mắt. Trước khi chia tay, anh Bốn mở ba lô đầy bắp khô và nói với em trai: “Em đưa mũ, anh đổ cho em 3 lon bắp để dành ăn. Anh chỉ có vậy thôi”. Minh vội can: “Đơn vị em lo được, anh đem về đi!”. Không ngờ đó là lần gặp cuối của hai anh em. Sau đó, anh Bốn (tức Trương Văn Bồi) đã hy sinh trong một lần đi công tác qua sông Tranh.

Gặp được cha và anh trai, đó là nguồn động viên tiếp thêm cho Trương Văn Minh sức mạnh, đánh giặc càng hăng. Cuối tháng 3-1975, trong đoàn quân thần tốc của Sư đoàn 2 giải phóng Đà Nẵng, Minh được chọn phỏng vấn trên sóng phát thanh. Ông Quân lúc này đã về nhà, nghe tiếng con trên đài, nói với vợ: “Thằng Minh còn sống, bà ạ!”. 6 tháng sau, hoàn thành nhiệm vụ, Minh mới về đoàn tụ với gia đình. Ông Trương Quân sau này làm Bí thư Đảng ủy Sở Bưu điện Quảng Nam-Đà Nẵng (trước đây). Minh ra quân về sống ở quê nhà.

Đến năm 1983, đang làm ăn với người chú ở Bình Thuận, ông Minh quyết định về quê phụng dưỡng cha mẹ do người em út đau ốm liên miên. Trên đường trở về, ông theo xe của những người bán cá lên huyện miền núi Trà My để tìm mộ anh trai. Khi xe đỗ gần nghĩa trang huyện, ông thử vào tìm. Thật lạ lùng, chỉ mới tìm đến ngôi mộ thứ bảy, hàng thứ nhất, ông đã thấy tên và địa chỉ của anh trai. Tìm hiểu thông tin ở Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Trà My, ông được biết, khi anh trai hy sinh, đồng đội đã đưa lên chôn cất bên bờ sông Tranh, đẽo cây gỗ tốt khắc tên và quê quán của anh lên đó. Từ thông tin của người dân, huyện đã quy tập và đưa vào nghĩa trang. Không chỉ riêng anh mà hai đồng đội cùng hy sinh hôm đó đều được chôn cất chu đáo, trong đó có người là bà con của ông Minh ở quê. Ông đã giúp đưa hài cốt hai liệt sĩ về quê.

HỒNG VÂN