Ở thị xã Kon Tum ngày ấy, bọn FULRO tập trung trong núi Chư Hreng, cách thị xã khoảng 3km theo đường chim bay, là nơi giáp ranh với huyện Chư Păh (nay thuộc tỉnh Gia Lai). Đó là Sư đoàn FULRO tại Kon Tum, được chia làm 3 trung đoàn: 1, 2 và 3, với quân số khoảng 200 tên.

Đầu tháng 7-1976, cấp trên giao nhiệm vụ cho LLVT thị xã Kon Tum “thanh toán” toàn bộ Sư đoàn FULRO đứng chân trên địa bàn. Lúc đầu, quân ta sử dụng lực lượng mạnh của quân đội và công an tiến công áp đảo. Chúng bị bất ngờ, chống cự yếu ớt bằng vài loạt AR15, vài quả M79 và M72 rồi kéo nhau rút chạy. Ta tiêu diệt tại chỗ khoảng 80 tên, nhưng bọn chỉ huy chạy trước nên thoát được. Sau đó, chúng tổ chức tập hợp các toán nhỏ khoảng gần 100 tên, được “FULRO Trung ương” tăng cường thêm mấy tên chỉ huy ở Đắk Lắk ra để chỉ huy trực tiếp. Chúng nhen nhóm lại rồi tiếp tục phân tán ra hoạt động, ban ngày vào rừng ở, ban đêm lén lút vào nhà dân và sử dụng chiêu bài cũ để tuyên truyền, giáo dục, hăm dọa, dụ dỗ dân lấy gạo, lấy muối, lấy thực phẩm...

Để hăm dọa đồng bào và cảnh báo cho ta, bọn chúng đã sát hại một số cán bộ cơ sở. Ở xã Ia Chim, thị xã Kon Tum, bọn FULRO đột nhập vào nhà uy hiếp và giết hại 3 người trong gia đình ông A My, nguyên Chủ tịch UBND xã, gồm: A My, A Đồng (con trai ông A My lên thay cha làm chủ tịch) và con trai của A Đồng, mới 2 tuổi. Hôm sau, chúng tung tin là tay sai của cộng sản giết chết cả 3 người trong gia đình ông A My. Chưa hết, chúng còn tới hợp tác xã Ia Chim bắn chết ông chủ nhiệm hợp tác xã và một người ở cùng. Sau đó, chúng huy động 10 tên xuống cướp tất cả số muối, cá khô, vải vóc, áo quần và những đồ nhu yếu phẩm nhẹ mà hợp tác xã nhập về để bán cho dân trong xã. Sau khi lấy hết của cải, chúng đốt nhà rồi mới chịu rút đi.

Cũng tại xã Ia Chim, có một số hộ dân người Kinh ở phường Quyết Thắng, phường Thắng Lợi lên buôn bán các mặt hàng nhu yếu phẩm như: Nước mắm, cá khô, muối... hoặc vào vùng dân tộc thiểu số đổi gạo, đổi nếp. Đường xa nên họ ở lại, chờ bán hết hàng mới về xuôi. Biết được tình hình đó, lính FULRO thường xuyên rình rập rồi bất ngờ đổ ra bắt giết. Phụ nữ bị chúng bắt được thì hãm hiếp rồi giết, còn nam giới thì bắt giết rồi lấy xe, lấy đồ đạc.

leftcenterrightdel
 Thị đội trưởng Kon Tum Thái Phước Hiệp (mặc quân phục, đứng bên trái) trao súng cho lực lượng dân quân đánh FULRO.

Trên cương vị Thị đội trưởng, vận dụng kinh nghiệm trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tôi xác định muốn tiêu diệt được bọn này cần phải dựa vào dân, phải thực hiện “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” và phải thật sự chân thành, tin tưởng nhân dân. Trực tiếp về với dân, tôi chia dân làng Klâu Ngo (xã Ia Chim, thị xã Kon Tum) ra làm 3 nhóm: Nhóm một là có liên quan, trung thành với tổ chức FULRO, có tiếp tế liên lạc, có ý định cố tình chống đối lại cách mạng; nhóm 2 là loại lưng chừng vì bị ép buộc, hăm dọa, phỉnh phờ mà dẫn tới việc phải tiếp tế, liên lạc với chúng và nhóm 3 là căm thù FULRO nhưng không dám nói ra, không dám làm gì trái lại, phải vào hùa theo loại thứ hai, cũng có tiếp tế, có liên lạc, có đi họp nhưng không nói nhiều.

Sau khoảng 5 tuần, tôi có thể đánh giá trong số 200 người dân tại làng Klâu Ngo thì loại 1 và loại 3 chiếm tỷ lệ rất ít, đại bộ phận là loại 2. Nắm được tình hình, tôi về báo cáo Ban Thường vụ Thị ủy và đề xuất biện pháp xử lý bằng cách táo bạo là “dùng FULRO để đánh FULRO”, dùng người dân đã tiếp tế chúng để đánh chúng chứ lực lượng bộ đội không thể nào bao vây hết khu rừng được. Tôi đề xuất cơ quan công an bắt những người trong nhóm 1, thị đội bắt những người thuộc nhóm 3. Mục đích công an bắt để giáo dục, khai thác phát hiện tổ chức FULRO và mang tính chất cải tạo, còn thị đội bắt để giáo dục giác ngộ và trang bị vũ khí để họ tự đánh địch.

Trước hội nghị, có ý kiến không nhất trí vì như thế là quá mạo hiểm. Tôi khẳng định: “Chúng ta đã nói tin quần chúng mà không tin thì làm sao làm được cách mạng? Chúng ta có quyền nghi ngờ, có quyền cảnh giác, nhưng cũng có quyền làm. Tôi đề nghị chúng ta cứ làm, có gì tôi xin chịu trách nhiệm”. Trên cơ sở danh sách tôi cung cấp, cơ quan công an thị xã lựa chọn 5 người để bắt nhốt bên công an. Phía thị đội, tôi triệu tập 4 người về cơ quan. Số người bị công an bắt mục đích để giáo dục, khai thác nên không ai được phép vào thăm. Còn bên thị đội, chúng tôi cho phép gia đình và người thân đến thăm hằng ngày. Trong số người đến thăm đó, tôi biết chắc chắn sẽ có những tên FULRO cải trang để nắm tình hình. Vì vậy, chúng tôi phải làm thật kín kẽ để không ai nghi ngờ việc bắt giữ của chúng tôi. Hết giờ thăm nuôi, chúng tôi thả họ ra, mời vào nhà nghỉ ngơi. Chế độ ăn uống hằng ngày cao gấp đôi định mức của mình, bữa ăn có cá, có rượu, thịt. Tối ngủ mắc màn cẩn thận, có đài để nghe. 4 người ở một phòng và tôi trực tiếp ngủ chung, ăn chung một mâm với họ. Vừa trò chuyện vừa giáo dục đến ngày thứ chín, tôi mới nói: “Bây giờ tôi hỏi thật các anh nhé! Các anh có dám đánh FULRO không?”. “Dám chớ”. Mấy người cùng đáp.

Sau đó, tôi hướng dẫn cách sử dụng súng, chọn địa điểm phục kích, nơi chúng tôi sẽ để súng cho họ... Dự kiến về trên xã sẽ trang bị cho 4 người 2 khẩu súng AR15 và 2 khẩu súng AK. Kiểm tra lần cuối thấy mọi việc đã yên tâm, tôi ra lệnh thả người. Đồng thời, tôi cũng đề nghị bên công an thả 5 người đó về. Đêm thứ nhất, bọn FULRO vẫn chưa biết mấy người này được về. Đêm thứ hai, chúng bố trí 8 tên đến gặp mấy người bị bắt vừa được thả, cùng tập trung đến nhà có chủ theo FULRO để thịt gà nấu cháo, chế rượu uống mừng những người cải tạo đã được về. Khoảng 2 giờ sáng, biết chúng sắp tàn cuộc, 4 người nháy nhau đi về trước lấy súng và bố trí phục kích đón đầu trên hướng đi Chư Păh.

leftcenterrightdel

Vợ chồng Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Thái Phước Hiệp. Ảnh do gia đình cung cấp

Khoảng 3 giờ, toán FULRO lọt vào khu vực phục kích, bị mấy anh em nổ súng bắn chết 2 tên và bị thương 1 tên, số còn lại mang súng chạy. 4 anh em thu được 1 khẩu M72, 1 khẩu AR15 và 1 khẩu carbine. Trước đó, tôi đã dặn họ sau khi bắn, dù được hay không được cũng phải quay lại rừng giấu súng, về nhà xem như không biết chuyện gì hết, sau đó giả vờ ra xem có chuyện gì xảy ra rồi báo cáo lại. Song hôm ấy, có 1 anh mừng quá, quên lời tôi đã dặn nên đánh xong đã vác 3 khẩu súng chạy quanh làng, nhảy lên hô hào: “Đánh được FULRO rồi! Đánh được FULRO rồi!”.

Sáng hôm sau, 4 người lên thị đội báo cáo kết quả trận đánh và mang mấy khẩu súng thu được lên giao nộp. Tôi mời mấy anh em ăn uống đầy đủ, biểu dương tinh thần chiến đấu dũng cảm của họ. Sau đó, tôi mới nhẹ nhàng rút kinh nghiệm: “Thực tình, do vui quá nên các anh đã làm hỏng hết việc lớn. Chúng tôi dự kiến trận này mới là trận đầu, sau này còn nhiều trận nữa, nhưng các anh đã làm lộ bí mật rồi”. Một anh ngượng ngùng trả lời: “Tôi không nhớ anh dặn là không được hô hào lên như thế”.

Tình huống xảy ra ngoài dự kiến, theo dõi khoảng một tuần sau vẫn thấy tình hình căng thẳng, tôi có ý định đưa bộ đội đến để bảo vệ dân vì vụ lộ kế hoạch vừa rồi chắc chắn bọn FULRO sẽ trở lại báo thù. Tôi báo cáo với Thường vụ Thị ủy ý định của mình: “Chúng ta phải đưa bộ đội lên bảo vệ làng này. Nếu không bảo vệ làng này thì chúng vào đánh trở lại, thiệt hại đến dân thì mình cũng có tội”. Được cấp trên nhất trí, tôi cho quân lên đó chốt 10 ngày vẫn thấy tình hình im ắng nên cũng có phần yên tâm. Sau đó, bằng các biện pháp quyết liệt và đồng bộ, đến cuối năm 1978, quân ta mới cơ bản giải quyết được FULRO trên địa bàn thị xã Kon Tum.

NGUYỄN AN NHIÊN (Ghi theo lời kể của Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Thái Phước Hiệp, nguyên Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh Kon Tum)