Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Bệnh viện Bạch Mai 4 lần bị ném bom. Đặc biệt, đêm 21, rạng sáng 22-12-1972, hơn 100 quả bom của không quân Mỹ đã ném xuống khiến bệnh viện bị tàn phá vô cùng nghiêm trọng. PGS Đỗ Doãn Đại trầm giọng: “Thực ra nhiều tháng trước đó, một phần bệnh viện đã được sơ tán về huyện Mỹ Đức và vùng Ứng Hòa (Hà Tây, nay là Hà Nội). Bệnh viện Bạch Mai cũng đã được xây dựng hệ thống hầm ngầm kiên cố, có thể bảo đảm an toàn cho nhiều người. Vậy mà đêm ấy, sau khi bị bom B-52 đánh trúng, lúc tôi đạp xe vào bệnh viện thì trước mắt tôi là một đống đổ nát!”.
    |
 |
Quang cảnh Bệnh viện Bạch Mai sau đêm 22-12-1972. Ảnh tư liệu |
Ông Đỗ Doãn Đại đã không thể kìm lòng khi nhìn khu vực làm việc quen thuộc của mình bị sập gần hết, rất nhiều nơi trong bệnh viện chỉ còn là đống bê tông, gạch vụn. Sau phút bàng hoàng, Giám đốc Bệnh viện Đỗ Doãn Đại liền nghĩ ngay đến các phương án ứng cứu. Ông gặp anh Sương, phụ trách nhà bếp của bệnh viện và chỉ đạo phải nhanh chóng dọn dẹp, nấu mấy nồi cháo ngay. Đồng thời kiểm tra trong kho còn bao nhiêu đường thì mang lên, vì nạn nhân phải ăn và các lực lượng khác cũng vậy. Rồi ông đến tổ điện yêu cầu cho máy nổ chạy đều và kéo điện đến những nơi cần thiết. Khi đến khu vực của Khoa Nội, Khoa Da liễu và Khoa Tai-Mũi-Họng, toàn bộ đã bị đổ sập. Rất nhiều người mắc kẹt trong hầm, kêu la thảm thiết, trong khi miệng hầm nhỏ và thấp. Vốn thông thạo bệnh viện cùng mệnh lệnh cứu người thôi thúc khiến bác sĩ Đỗ Doãn Đại không ngần ngại nằm bẹp xuống đất, bò lết vào trong, dù biết hầm có thể sập xuống bất kỳ lúc nào. “Tôi bò vào hầm, sờ được chân chị Ninh, bác sĩ Khoa Da liễu. Chị bị thương và đang rất hoảng sợ. Tôi trấn an, động viên chị bình tĩnh. Thật may mắn, không lâu sau đó, đội cứu hộ đã đưa được chị ra ngoài. Nhưng càng bò sâu vào bên trong thì cảnh tang thương càng hiện ra. Có một số thi thể nằm bịt kín lối vào. Nghe tiếng kêu cứu của anh chị em mà chúng tôi không sao tiếp cận được vì những tảng bê tông lớn chặn đường. Những tiếng kêu cứu cứ lịm đi rồi tắt dần khiến trái tim chúng tôi se thắt”-bác sĩ Đỗ Doãn Đại rưng rưng.
    |
 |
PGS, bác sĩ Đỗ Doãn Đại. Ảnh: KHÁNH AN
|
Bây giờ, nhắc lại ký ức đau thương ấy, những cái tên được nhắc nhớ lại một lần cứa sâu vào nỗi đau của người lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai nay đã ở tuổi 97. Đó là 3 cô gái còn rất trẻ ở Khoa Da liễu: Đặng Thị Hồng Diên, Đào Thị Khuyến, Đỗ Thị Ngọc Thạch. Họ là 3 người bạn thân thiết, chết trong tư thế ôm lấy nhau. Khi được tìm thấy, các ông phải gỡ mãi mới tách được các chị ra. Chị Hồng Diên mới cưới và đang mang thai hai tháng. Là bác sĩ Lâm Duy Kế, mới chiều hôm trước còn nói chuyện với ông về việc xung phong vào phục vụ chiến trường, vậy mà sáng hôm sau đã không còn. Có người mới nhận tin chồng hy sinh ngoài mặt trận như bác sĩ Đoàn Thị Giỏi cũng ra đi mãi mãi. Đau xót hơn là cháu gái 8 tuổi theo mẹ là chị Nguyễn Thị Kim Liên vào bệnh viện tránh bom cũng tử nạn cùng mẹ trong cái đêm định mệnh đó... Và bác sĩ Đỗ Doãn Đại cũng biết bao lần tự trách mình không thể cứu được những sinh mệnh vẫn còn hơi thở khi được đưa lên từ đống đổ nát như trường hợp em Đinh Thị Thúy, sinh viên Y6. Được đưa lên, Thúy mở mắt, yếu ớt gọi: “Thầy à!”. Vậy mà lát sau Thúy đã chìm trong hôn mê rồi không bao giờ tỉnh lại nữa. Ông đã ước rằng, giá lúc ấy, có nhiều phương tiện hiện đại cũng như thuốc tốt như bây giờ thì đã có thể cứu được sinh mạng của cô sinh viên trường y tài năng!
Giữa lúc rối ren, bệnh viện đã nhận được sự giúp đỡ của các cơ quan, chính quyền, các đội cứu hộ. Trong 5 ngày đêm, các lực lượng làm việc không ngừng để tích cực cứu hộ, cứu nạn. Bằng sự tận tâm và trách nhiệm, một thời gian sau, bác sĩ Đại đã cùng tập thể lãnh đạo bệnh viện chỉ đạo xây dựng lại bệnh viện. Công việc tái thiết một cơ sở y tế lớn bị tàn phá gần như hoàn toàn như Bệnh viện Bạch Mai đã trải qua muôn vàn khó khăn. Theo trí nhớ của ông, phải đến 3 năm sau mới hoàn thành. “Vừa xây dựng lại cơ sở vật chất, đồng thời chúng tôi vừa triển khai hoạt động y tế bình thường ở các khoa lâm sàng, cận lâm sàng. Việc “hồi sinh” bệnh viện lúc ấy, sau này, mỗi lần nhắc đến, tôi đều cho đó là một câu chuyện cổ tích”-PGS Đỗ Doãn Đại khẳng định.
THU THỦY