Trận đánh đó xảy ra ở dốc Vườn Đào, Đường 14 thuộc địa phận Phước Long, nằm gần cuối đoạn từ Chi khu Bù Đăng đến chốt Bù Na. Đây là chỗ con đường vận chuyển cắt qua Quốc lộ 14, nối liền các khu kho hậu cần dọc biên giới Campuchia với Đoàn Hậu cần 81, đóng trên địa bàn các tỉnh Đồng Nai, Long Khánh. Con đường độc đạo này cũng là tuyến quân lên xuống mỗi khi chuẩn bị chiến dịch. Nhưng hôm đó, địch không nhằm chia cắt con đường mà thực hiện một cuộc càn quét vào khu vực hậu cứ của ta. Một đại đội lính mũ nồi xanh ngụy được trực thăng đổ xuống khu Vườn Đào nằm dọc theo Đường 14, nhưng chúng không hành quân theo đường lớn mà xuyên rừng, đi tới đâu có máy bay trinh sát L19 dẫn đường tới đó. Hướng đi ấy chọc qua trạm phẫu, nơi có hàng chục thương binh, bệnh binh đang điều trị. Nhiệm vụ của Đại đội 1, Tiểu đoàn Vận tải 49, Bộ chỉ huy Miền chúng tôi là phải đánh chặn, không cho địch tiếp cận hậu cứ trạm phẫu, bảo vệ thương binh, bệnh binh.

leftcenterrightdel

Tác giả (bên trái) tại chiến trường, năm 1970. Ảnh do nhân vật cung cấp 

Chọn địa thế trên sườn đồi, chúng tôi bố trí công sự theo từng tổ chiến đấu. Tầm 9 giờ sáng, địch xuất hiện. Từ các công sự, quân ta đồng loạt nổ súng. Bị bất ngờ, nhiều tên địch thương vong. Chúng lui quân về phía Vườn Đào, gọi pháo bắn dữ dội về phía quân ta. Khi pháo dừng, chúng lại tổ chức thúc quân lên. Phía ta, một số chiến sĩ bị thương, nhưng Phó đại đội trưởng Tô Xuân Minh động viên anh em kiên quyết giữ vững trận địa, bảo vệ mục tiêu. Sau hai đợt tổ chức tấn công với sự hỗ trợ của hỏa lực mạnh bất thành, không từ bỏ ý đồ, địch lại chuẩn bị cho đợt tiếp theo.

Địch gọi pháo từ chi khu Bù Đăng, Phước Bình, Đồng Xoài... giội tới. Pháo dừng, địch lại ồ ạt xông lên. Công sự của tôi bị trúng pháo không còn, tôi vừa nép vào sau gốc cây săng lẻ có bạnh rễ lớn thì thấy đám cây trước mặt động đậy, rồi mấy bộ quần áo rằn ri lộ ra, trong đó có tên lính đeo bộ đàm. Nhìn thấy công sự tan nát, chúng reo lên sung sướng: “Tụi nó chết hết rồi bây ơi”. Khoảng cách lúc này chỉ chừng dăm, sáu mét. Tôi nổ súng vào tốp lính thông tin. Bị bất ngờ, chúng vội tìm nơi ẩn nấp rồi bắn như vãi đạn về phía tôi.

Cái gốc cây săng lẻ đã che chắn cho tôi khỏi những loạt đạn bắn thẳng của địch. Bỗng tôi thấy bắp chân trái mình rát bỏng, rồi như có dòng nước ấm từ đấy chảy ra, dồn xuống bàn chân. Tôi chưa kịp định thần thì một tiếng nổ khô giòn của đạn M79 vang lên ngay phía sau lưng. Toàn thân tôi từ đầu tới chân rát buốt. Cảm giác không thể đứng vững, nhưng tôi cũng cố siết một loạt đạn vào những cái bóng nhấp nhô, rồi gục xuống không còn biết gì nữa.

Tỉnh lại trong bệnh viện, tôi thấy khắp mình quấn băng trắng. Một lỗ phá nơi bắp chân trái của viên đạn M16, nhưng chỉ đi sát ống xương. Bác sĩ đưa cho tôi xem chiếc áo đã được giặt sạch, những vết thủng lỗ chỗ như mặt sàng. Đó là dấu vết những mảnh đạn M79 đang nằm trong lưng tôi. Bác sĩ bảo không thể nào đếm được, lớn thì bằng hạt ngô, nhỏ như hạt đậu, phủ khắp từ đầu đến chân. May sao không có mảnh nào vào chỗ hiểm. Mổ chỉ gắp được những mảnh đạn nằm nông, còn sâu thì chịu. Từ đó đến giờ, nhiều mảnh đạn vẫn “ngủ yên” trong cơ thể tôi. Tôi và chúng đã “chung sống hòa bình” với nhau hơn 50 năm qua, tuy nhiều khi trái gió trở trời, chúng hành hạ tôi đau đớn.

Năm 2011, trong chuyến đi châu Âu, tại sân bay quốc tế Charles de Gaulle Paris (Pháp), khi tôi qua cửa kiểm soát, máy dò báo không an toàn. Nhân viên an ninh yêu cầu tôi dừng lại kiểm tra, ngoài bộ quần áo đang mặc thì không có gì. Tôi giải thích là có thể trong người tôi còn có những mảnh đạn, nên máy báo có kim loại. Sau khi biết chuyện, nhân viên an ninh thoáng vẻ ngạc nhiên rồi gật đầu cho tôi đi.

Sau lần bị thương ấy tôi cũng chuyển đơn vị. Không còn ở đơn vị cũ, nhưng vẫn là những chuyến đi, những lần đến với đồng đội, khi biên giới Tây Nam, lúc dọc dài trận tuyến phía Bắc. Biết bao con người tôi đã gặp nơi chiến hào khói lửa hay chốn hậu phương giữa cuộc sống đời thường. Cũng như tôi, trông bề ngoài thì có vẻ lành lặn, “ngon lành”; nhưng đằng sau lớp vải áo là một “góc nhỏ” chiến tranh, dấu binh lửa ấy sẽ đeo đẳng cho đến cuối cuộc đời.

LÊ VĂN VỌNG