Thử thách khắc nghiệt
Ngày ấy, Cồn Thoi là vùng đất ngập mặn do sông Đáy và sông Càn bồi tạo, rộng khoảng 6.000ha. Kinh nghiệm của ông cha ta cho thấy, ở vùng ven biển này, cứ từ 10 đến 15 năm phải đắp đê lấn biển một lần để mở ra vùng canh tác màu mỡ. Nếu không, bãi bồi bị sóng biển dồn cao lên ở phía ngoài sẽ tạo ra vùng trũng ngập nội đồng, gây khó khăn cho sản xuất và làm mất cân bằng sinh thái. Đắp đê lấn biển ngoài việc tạo ra vùng kinh tế mới còn góp phần tăng cường thế trận phòng thủ ven biển, bảo vệ đất nước.
Với ý nghĩa to lớn và quan trọng đó, từ tháng 10-1980, kế hoạch đắp đê lấn biển Cồn Thoi được Bộ Quốc phòng giao cho Quân khu 3 chủ trì thực hiện, nhiều đơn vị chủ lực được điều động tham gia. Theo lệnh của Bộ Quốc phòng, cuối năm 1980, Binh chủng Công binh đưa lực lượng xuống Cồn Thoi, đắp được một số con đường vươn ra biển và 1.000m đê bao. Nhưng đến tháng 7-1981, cơn bão số 2 đổ bộ đã xóa sạch thành quả lao động của các đơn vị. Sau đó, lực lượng công binh phải rút bớt đi làm nhiệm vụ cấp bách khác, ở Cồn Thoi chỉ còn lại một số ít đơn vị, vì vậy, từ năm 1981 đến 1984, kế hoạch quai đê lấn biển Cồn Thoi không có tiến triển gì đáng kể. Năm 1985, kế hoạch này được Bộ Quốc phòng đôn đốc thực hiện với cách thức tổ chức mới.
Nhiệm vụ giao cho Binh chủng Công binh là làm tiếp một số đường trục với tổng chiều dài gần 1km, đắp một đoạn đê bao dài 2.200m (trong tổng chiều dài phải đắp là 14,7km). Yêu cầu đường phải đắp có chiều rộng mặt đường là 3m, chân 6m, cao 3,5m để khi thủy triều lên cao nhất sẽ không bị ngập. Đê bao phải đắp có chiều rộng mặt đê 3m, chiều rộng chân đê 20m, cao 3,5m. Mặt ngoài phía biển phải làm kè bằng đá hộc để chắn sóng. Tổng khối lượng đất đào, đắp (cả đường và đê) là gần 130.000m3. Bộ tư lệnh Binh chủng Công binh quyết định giao Lữ đoàn 279 là đơn vị chủ yếu thực hiện nhiệm vụ này.
|
|
Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 279 (Binh chủng Công binh) tham gia đắp đê lấn biển Cồn Thoi. Ảnh tư liệu
|
Ngày 10-11-1985, Lữ đoàn 279 hành quân từ hậu cứ Hà Bắc xuống vùng biển Cồn Thoi. Nhiệm vụ đắp đê bao có những khó khăn mới, khi thủy triều lên, nước ngập sâu không thi công được; khi thủy triều xuống phải vét lớp bùn nhão mới lấy được lớp đất tương đối chắc để đắp đê. Chế độ thủy triều ở vùng biển này thường xuống vào ban đêm. Mùa đông rét mướt, mưa phùn, bộ đội phải dầm mình trong nước suốt đêm, ai nấy đều lạnh cóng, mệt mỏi. Những đêm không trăng, không sao, trời tối đen như mực, Lữ đoàn phải dùng đèn bão, đèn măng sông cho bộ đội lao động, nhưng đèn cũng thiếu, vì thế mà nỗi vất vả, cực nhọc của bộ đội càng tăng lên gấp bội.
Gian khổ, thiếu thốn khiến sức khỏe bộ đội giảm sút, bệnh sốt rét, bệnh đường ruột, bệnh ngoài da... phát sinh và lây lan ngày một rộng. Nguyên nhân là do nguồn nước ăn uống, sinh hoạt, vệ sinh môi trường và điều kiện lao động của bộ đội chưa bảo đảm. Bộ tư lệnh Binh chủng Công binh quyết định tăng tiêu chuẩn ăn cho bộ đội và mỗi ngày ăn 4 bữa chính. Bên cạnh đó, mỗi đại đội được phép tổ chức một tổ đánh bắt tôm, cá để cải thiện bữa ăn. Do điều kiện thi công phụ thuộc vào chế độ thủy triều nên Lữ đoàn trực tiếp điều hành giờ thi công, giờ ăn, giờ nghỉ để bảo đảm cho bộ đội được nghỉ ngơi, duy trì sức khỏe làm nhiệm vụ lâu dài. Việc thi công được tổ chức thành từng đợt ngắn, theo mức khoán khối lượng cho từng đại đội. Đầu quý II-1986, Lữ đoàn được bổ sung thêm quân số từ các đơn vị trong Binh chủng, đưa tổng quân số tham gia thi công lên 1.500 người.
|
|
Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 279 (Binh chủng Công binh) tham gia đắp đê lấn biển Cồn Thoi. Ảnh tư liệu |
Đang hy vọng về con đê bao sắp được hoàn thành thì ngày 25-8-1986, cơn bão số 4 với sức gió cấp 10, cấp 11 ào ào đổ vào Bắc Bộ, tâm bão đi vào địa phận tỉnh Hà Nam Ninh gây mưa to, gió lớn, nước biển dâng với những con sóng cao dồn dập kéo dài 4-5 ngày liền. Đoạn đê của Lữ đoàn lại là nơi xung yếu nhất, không chịu nổi sóng gió nên bị sạt lở và cuốn trôi. Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn quyết tâm khôi phục lại. Sau nửa tháng lao động quên mình, đơn vị đã cơ bản khắc phục được hậu quả của cơn bão số 4.
Thế nhưng, đêm 25, rạng sáng 26-9-1986, cơn bão số 5 lớn hơn cơn bão số 4 lại đổ bộ. Bão tan để lại 12 đoạn đê, mỗi đoạn dài 25-30m bị tàn phá. Những đoạn còn lại cũng bị lở loét nham nhở, không còn nguyên vẹn, gần 55.000m3 đất bị cuốn trôi, mức độ thiệt hại gấp gần 4 lần so với cơn bão số 4. Toàn công trường cũng bị thiệt hại nghiêm trọng.
Vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ
Sau sự tàn phá của những cơn bão, không ít cán bộ có biểu hiện nản chí, chiến sĩ thì hoang mang, dao động. Chưa bao giờ quyết tâm của cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn lại giảm sút nghiêm trọng như lúc này. Lữ đoàn đang đứng trước thử thách: Chấp nhận thất bại hay vươn lên làm lại từ đầu?
Lữ đoàn triệu tập hội nghị cán bộ từ cấp trung đội trở lên để bàn biện pháp. Trong hội nghị, có một số ý kiến cho rằng không thể thực hiện được nhiệm vụ quai đê lấn biển trong tình hình này, tiếp tục làm chỉ thêm tốn công sức mà vẫn thất bại, như “dã tràng xe cát Biển Đông” mà thôi. Qua trao đổi, đấu tranh gay gắt, hội nghị đi đến nhất trí: Đắp đê lấn biển là việc có thể làm được, nhân dân ta đã nhiều lần làm thành công. Cách đây hàng trăm năm, cụ Nguyễn Công Trứ đã tổ chức đắp đê lấn biển, lập nên các huyện Kim Sơn (Ninh Bình) và Tiền Hải (Thái Bình) là bằng chứng hùng hồn cho thấy quyết tâm và ý chí của con người có thể thắng được thiên nhiên. Sau cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, bộ đội và nhân dân miền Bắc cũng đã quai đê lấn biển thành công, lập nên Nông trường Bình Minh (Ninh Bình), giáp ranh với công trường quai đê lấn biển Cồn Thoi. Nguyên nhân thất bại của Lữ đoàn chủ yếu là do thiếu đá kè, chắn nên đê không đủ sức chống lại sóng lớn, gió bão; chưa kịp thời trồng thêm thảm thực vật ngoài đê để ngăn sóng. Qua hai cơn bão lớn, còn 200m đê đã kè đá vẫn đứng vững chính là minh chứng thực tế. Do đó, để kịp thời có đá, Lữ đoàn đề nghị Bộ tư lệnh cho trực tiếp quản lý việc khai thác, vận chuyển đá...
Việc đắp đê lần này hầu như phải làm lại từ đầu, bộ đội vẫn phải thi công theo con nước thủy triều, nước xuống ban đêm thì thi công ban đêm, nước xuống ban ngày thì thi công ban ngày. Lữ đoàn đã có thêm nhiều kinh nghiệm, lực lượng kè mái đê bằng đá hộc được tổ chức thành những bộ phận chuyên trách, do đó, tốc độ làm kè nhanh và có chất lượng ngày càng cao. Cán bộ chỉ huy đắp đê nắm vững chế độ của thủy triều để tổ chức thi công, nâng độ cao mặt đê nhằm bảo đảm đất đắp có điều kiện phơi nắng gió, mau khô cứng, không bị sụt lở, tạo điều kiện cho việc xếp đá kè nhanh và ổn định hơn.
Ở bộ phận khai thác đá, nhiều kinh nghiệm cũng được nghiên cứu và phổ biến đến bộ đội kịp thời. Nhờ vậy, năng suất khai thác ngày một cao, tiết kiệm được thuốc nổ, bảo đảm an toàn cho bộ đội và nhân dân quanh vùng. Cán bộ chỉ huy khai thác đá cũng nắm vững từng con nước thủy triều để sà lan vận chuyển được nhiều đá trong một con nước, không để sà lan mắc cạn ngoài biển. Toàn Lữ đoàn cần cù lao động, bất kể mùa đông rét buốt, mưa phùn hay mùa hè nắng gắt như đổ lửa, cán bộ, chiến sĩ vẫn luôn hăng say, sáng tạo với nhiệm vụ được giao.
Hai năm làm nhiệm vụ quai đê lấn biển Cồn Thoi, Lữ đoàn 279 đã vượt qua bao gian khổ, khó khăn, vật lộn với bùn lầy, nước mặn, sóng to, gió lớn, không quản dãi nắng dầm mưa hay trời đông giá rét, mồ hôi, công sức đổ ra thật to lớn. Đây cũng là giai đoạn thử thách cam go nhất, tuy không có đạn bom ác liệt nhưng vẫn có đổ máu, thương vong, cán bộ, chiến sĩ phải chiến đấu gay gắt với thiên nhiên và với chính bản thân mình để rèn luyện ý chí, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Trung tướng HOÀNG KHÁNH HƯNG (nguyên Phó lữ đoàn trưởng về Chính trị Lữ đoàn 279, nguyên Phó tư lệnh về Chính trị Binh chủng Công binh, nguyên Chính ủy Học viện Kỹ thuật Quân sự)