Sáng sớm 17-4-1975, Đại đội 9 (Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 95, Sư đoàn 325, Quân đoàn 2) chúng tôi triển khai đội hình bên bìa rừng cao su tại Xuân Lộc (Long Khánh). Bộ đội vừa đào công sự vừa quan sát bên kia cánh đồng rộng thấy có nhiều xe tăng, thiết giáp địch. Đại đội trưởng Lê Ngọc Viễn đến bên ra lệnh cho tôi và Nguyễn Văn Tịnh mang súng B40, B41 và cử hai chiến sĩ mang súng AK lên phía trước đội hình của đơn vị thành tổ chiến đấu. Liền đó, pháo kích của địch từ căn cứ Trảng Bom bắn cấp tập vào đội hình của đơn vị. Bên kia cánh đồng, xe tăng, thiết giáp của địch đồng loạt xuất kích.

Trận chiến bắt đầu. Có hai chiếc thiết giáp thẳng tiến vào hướng tổ chiến đấu. Tôi nói với Tịnh bắn chiếc đi bên trái, chiếc đi bên phải để tôi. Bình tĩnh để mục tiêu lọt vào tầm ngắm, tôi bóp cò. Quả đạn B41 vút ra khỏi nòng, bay thẳng vào chiếc thiết giáp, một tiếng nổ đanh vang lên, chiếc xe đứng khựng lại, khói đen bốc lên nghi ngút. Không thấy Tịnh nổ súng. Bỗng một tiếng nổ đanh lật tung gốc cây nơi Tịnh và chiến sĩ AK đang trú ẩn. Nguyễn Văn Sinh, y tá đại đội chạy đến cõng Tịnh; Nguyễn Văn Nam, liên lạc đại đội cõng chiến sĩ AK về tuyến sau cấp cứu. Trận đánh diễn ra ác liệt. Hai bên thương vong nhiều. Trên cánh đồng, 3 chiếc xe tăng, thiết giáp đang bốc cháy với nhiều bộ binh địch cùng chung số phận.

Khoảng 15 giờ cùng ngày, chỉ huy lệnh cho toàn đơn vị rút quân. Tôi cùng một chiến sĩ chạy về hướng có bụi cây thì gặp bờ suối sâu. Ngoảnh mặt nhìn lại thấy bộ binh địch đuổi theo nói to: “Không bắn, để bắt sống”. Không còn cách nào khác, tôi lao cả người xuống lùm cây rậm rạp dưới bờ suối. Quân địch chạy đến đứng trên bờ bắn xối xả xuống lùm cây. Rất may, tôi nhảy xuống lọt phía sau gốc cây nên được che chở. Thoát chết, nhưng thân mình cũng dính hai vết đạn hay mảnh pháo gì đó.

leftcenterrightdel
Tác giả bài viết (bên trái) và đồng đội tại Sài Gòn, chiều 30-4-1975. Ảnh do tác giả cung cấp 

Biết mình bị thương nhưng không dám cựa quậy, sợ địch trên bờ phát hiện, tôi nằm im. Máu chảy nhiều, tôi ngất lịm đi lúc nào không hay. Khi đâu đó có tiếng gà gáy, tôi tỉnh lại. Bên kia bờ suối có ông cụ râu tóc bạc phơ, tay cầm dao cán dài đang lội sang chỗ tôi. Biết mình đã bị phát hiện, tôi nói: “Ông đứng lại, nếu không tôi sẽ ném lựu đạn”. Ông cụ trả lời muốn giúp chứ không hại tôi, rồi ông chạy đến dùng dao phát bỏ dây quấn chằng chịt làm tôi rơi xuống suối cạn. Toàn thân tôi tê cứng, khó khăn lắm ông cụ mới kéo được tôi lên.

Để tôi nằm lại, ông đi đâu đó, một lúc sau thì cùng một cô gái khoảng 16, 17 tuổi đi đến. Cô quỳ gối, miệng lầm bầm cầu kinh. Hai người dìu tôi vào một cái lán nhỏ trong vườn có nhiều cây xanh, hoa trái. Tiếp đó, ông cụ giúp tôi băng tạm vết thương. Cô gái trao cho tôi mấy trái cây thơm, ngọt. Tôi hỏi ông: “Sao đang đánh nhau thế này mà hai ông cháu lại ở đây?”. Ông trả lời: “Ông cháu tui ra đây làm vườn như thường ngày, nhưng không may bị mắc kẹt vì bom đạn nên phải liều ở lại”...

Được hai ông cháu chăm sóc, tôi khỏe hơn và xin tạm biệt hai người để tìm về đơn vị. Vì hai vết thương ở mông và sườn nên tôi đi lại khó khăn, ông cụ dìu tôi men theo bờ suối, tìm được nơi có bộ đội quân y và du kích đang cứu thương. Hai ngày sau đó, vào khoảng 24 giờ ngày 19-4, có đơn vị bạn vào thay thế, chúng tôi mới rút ra. Thấp thoáng trong bóng đêm dưới rừng cây cao su, tôi thấy đa số bộ đội đều phải băng bó vì bị thương...

Sáng 20-4, khi mặt trời lên cao, y tá đại đội đến thay băng vết thương cho từng đồng chí. Chúng tôi ở trong vườn cà phê của dân. Bộ đội được ăn bữa cơm ngon từ tay nuôi quân của đơn vị. Những người bị thương được ưu tiên bát cháo gà thơm ngon do người dân mang đến. Bỗng một ông cụ râu tóc bạc phơ nói to: “Chú bộ đội hôm trước đây rồi!”. Nghe tiếng, cô gái từ trong nhà chạy đến chỗ tôi nói: “Cháu chào ông, vết thương còn đau lắm không ạ?”... Sáng 21-4, đơn vị được xe dân sự đến đón đi, để lại trong tôi nỗi nhớ hai ông cháu mới quen...

leftcenterrightdel
 Tác giả (bên trái) trò chuyện với đồng đội. Ảnh do tác giả cung cấp

Một buổi trưa bên sông Sài Gòn, bộ đội dừng chân mắc võng, tôi mở ba lô lấy bộ quần áo, phát hiện sau túi ba lô có một tờ giấy với dòng chữ viết vội: “Cho cháu đổi cách xưng hô bằng anh Giải phóng quân, không gọi bằng ông Cộng sản nữa. Những giây phút bên anh tuy xa lạ, vội vàng, ban đầu gặp chút sợ hãi nhưng nay đổi lại trong em là nỗi nhớ và sự quý trọng... Vì đã tận mắt chứng kiến những tuyên truyền sai sự thật của lính Cộng hòa. Lá thư viết vội, nhét trộm vào túi ba lô không biết anh có đọc được không. Giờ này anh đã đi và mang theo cả tâm hồn ngơ ngẩn của em. Em chỉ biết cầu mong Chúa ban phước lành cho anh, chóng khỏi vết thương, khỏe, an lành để có dịp trở lại với Xuân Lộc...”.

Sau ngày 30-4-1975, những người lính chúng tôi lại mải miết với những nhiệm vụ mới. Và cho đến hôm nay, tôi cũng vẫn chưa thể quay về Xuân Lộc để tìm gặp lại người em gái đáng mến ấy...

NGUYỄN NHÂN MÙI