Để bảo đảm sẵn sàng chiến đấu, nhà trường phối hợp với Thị đội Vĩnh Yên (nay là Ban CHQS TP Vĩnh Yên, Bộ CHQS tỉnh Vĩnh Phúc) xây dựng kế hoạch hiệp đồng tác chiến phòng thủ; đồng thời hoàn thành phương án tác chiến của nhà trường, hướng dẫn các đơn vị luyện tập phương án chiến đấu, bổ sung vũ khí, khí tài cho các cơ quan, đơn vị. Hệ thống công sự, hầm hào được xây dựng, bố trí xung quanh nhà ở của giáo viên, học viên, giảng đường và khu vực núi Đinh...
Vừa khẩn trương chuẩn bị mọi mặt cho sẵn sàng chiến đấu, nhà trường vừa bảo đảm mọi hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học và công tác. Nhà trường cử 100 cán bộ, giáo viên, học viên đến các đơn vị biên giới phía Bắc và phía Tây Nam tham gia công tác bảo đảm kỹ thuật, đồng thời nghiên cứu thực tế, bổ sung cho bài giảng và phục vụ nghiên cứu khoa học. Từ đó, những đề tài nghiên cứu cải tiến vũ khí bộ binh của các thầy giáo: Trần Đăng Điện, Đoàn Định, Kiều Văn Thông, Trần Minh Thước, Nguyễn Đình Sại... được đưa vào trang bị sử dụng ở các đơn vị. Đề tài thiết kế công sự sở chỉ huy kiểu lắp ghép đi cùng của các thầy giáo: Nguyễn Thuận, Đỗ Như Tráng, Vũ Đình Lợi, Lương Trọng Giang được Bộ tư lệnh Quân khu 2 cho sử dụng ngay, đồng thời bổ sung vào chương trình huấn luyện của Khoa Công trình quân sự.
Giữa tháng 2-1979, tôi tham gia đoàn công tác của nhà trường do Trung tá Mai Sơn, Chủ nhiệm Khoa Quân sự làm trưởng đoàn, đi đến các đơn vị thuộc Quân khu 2. Đoàn chúng tôi tới Hoàng Liên Sơn, đến các Trung đoàn Pháo binh 168, 368 và Trung đoàn Pháo cao xạ 256, cùng một số đơn vị hỏa lực, trực tiếp hướng dẫn bộ đội tổ chức công tác bảo đảm kỹ thuật tại các trận địa pháo. Nhờ đó giúp các đơn vị bảo đảm vũ khí, trang bị tốt đưa vào chiến đấu.
    |
 |
Học viên Học viện Kỹ thuật Quân sự ứng dụng công nghệ thông tin vào nghiên cứu khoa học. Ảnh: VŨ KHOA |
Từ thực tiễn công tác đã giúp cán bộ, giáo viên nhà trường hình thành những đề tài nghiên cứu khoa học như: Bảo đảm bí mật thông tin vô tuyến điện; giải pháp nâng cao chất lượng ắc quy kiềm; thiết bị chiếu sáng cho khí tài phục vụ bắn pháo ban đêm. Tháng 10-1979, Hội đồng khoa học Trường Đại học Kỹ thuật Quân sự tổ chức hội nghị, xác định đưa công tác nghiên cứu khoa học gắn chặt chẽ hơn nữa với nhiệm vụ huấn luyện, giải quyết các bài toán kỹ thuật nảy sinh từ thực tiễn chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu và sản xuất quốc phòng. Theo phương hướng trên, giáo viên các chuyên ngành tập trung nghiên cứu khai thác các trang bị mới, bảo đảm phát huy hết công năng, kéo dài tuổi thọ của vũ khí, khí tài, trang bị có trong biên chế... Chỉ hơn một năm, có 32 trong tổng số 48 đề tài theo yêu cầu của các quân, binh chủng đã hoàn thành, đưa nhanh vào thực tế chiến đấu và công tác.
Cùng với đào tạo, nghiên cứu khoa học phục vụ bảo đảm kỹ thuật và cải tiến, khai thác hiệu quả vũ khí, trang bị kỹ thuật, nhà trường còn bổ sung cho đơn vị, trên các hướng chiến trường nhiều cán bộ, giáo viên giàu kinh nghiệm, giỏi chỉ huy tham mưu kỹ thuật và có năng lực tổ chức bảo đảm kỹ thuật tốt. Có thể kể đến các đồng chí: Nghiêm Sỹ Chúng, giảng viên Khoa Trang bị cơ-điện (sau này là Thiếu tướng, Phó chủ nhiệm kiêm Tham mưu trưởng Tổng cục Kỹ thuật); Khúc Văn Nghi, cán bộ Phòng Huấn luyện (nay là Phòng Đào tạo); Nguyễn Minh Châu; Nguyễn Kim Long, giáo viên các chuyên ngành kỹ thuật... Hơn 170 học viên khóa 8 tốt nghiệp được điều động về các đơn vị, trong đó có 24 học viên ngành đạn đi thẳng vào tiền phương Tổng cục Kỹ thuật ở Campuchia...
Nhớ lại những năm tháng chuẩn bị mọi mặt cho công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, tôi tự hào là một cán bộ của Trường Đại học Kỹ thuật Quân sự. Truyền thống gắn nhà trường với thực tế chiến trường tiếp tục được Học viện Kỹ thuật Quân sự hôm nay kế thừa, phát triển, để từ đó mà “trí tuệ tỏa sáng” như lời căn dặn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đối với cán bộ, giảng viên, học viên khi đến thăm Học viện Kỹ thuật Quân sự vào tháng 5-1989...
Đại tá TRẦN CÔNG HUYỀN (Nguyên cán bộ Phòng Chính trị, Trường Đại học Kỹ thuật Quân sự)