Trung tuần tháng 6-1966, đế quốc Mỹ dùng nhiều loại máy bay để do thám, bắn phá, dọn bãi đổ quân xuống dãy núi Chư Prông (thị trấn Chư Prông, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai), gần Trạm 5 của ta. Mục đích của chúng là chiếm điểm cao này để ngăn chặn tuyến đường hành quân chi viện của ta. Nơi đây cũng là khu vực được Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 66 chọn làm hậu cứ tập kết quân. Trước âm mưu của địch, Đại đội 6 được Tiểu đoàn 8 giao nhiệm vụ tấn công tiêu diệt quân Mỹ đang chốt ở điểm cao gần Trạm 5.

“Trung đội 3 (Đại đội 6) do tôi là Trung đội trưởng, có nhiệm vụ tấn công trên hướng có địa thế phức tạp, dốc cao, khó vận động. Khi phát hiện quân ta, địch ở trên đỉnh núi liên tục dùng hỏa lực bắn xuống. Trung đội 3 phải dựa vào các gò đất, ụ mối, gốc cây to ở sườn núi, vận dụng mọi tư thế trong chiến đấu để tiếp cận đến gần quân địch. Khi bị bao vây, chúng gọi máy bay, pháo binh bắn chi viện, ngăn chặn đội hình tiến công của ta”, ông Phạm Văn Đắc nhớ lại.

leftcenterrightdel
 Cựu chiến binh Phạm Văn Đắc (ngoài cùng, bên phải) cùng đồng đội chụp ảnh với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, năm 2016. Ảnh: KIÊN CƯỜNG

Nhưng với quyết tâm làm chủ trận địa, bảo vệ trục đường giao thông qua lại Trạm 5, mũi tiến công của Trung đội 3 vừa đánh nghi binh để phân tán sự chú ý, tập trung của địch, vừa tổ chức lực lượng thọc sâu lên đỉnh núi, nơi có điện đài và sở chỉ huy của chúng; đồng thời, hỏa lực của ta tiến hành chi viện tiêu diệt các mục tiêu trên không. Tranh thủ các vòng lượn của máy bay địch, cán bộ, chiến sĩ Trung đội 3 từng bước lấn sâu vào trung tâm chốt, áp sát đỉnh núi, bám sát địch. Khi các mũi đã gần mục tiêu, được thời cơ, Trung đội trưởng Đắc hô: “Xung phong!”. Toàn Trung đội 3 đồng loạt lao về phía đỉnh núi, vừa tấn công địch vừa tránh bom đạn và cảnh giác địch phản công bất ngờ. Được sự yểm trợ của hỏa lực, Trung đội 3 xông lên mãnh liệt tiêu diệt địch. Không thể kháng cự, địch hoảng loạn, bỏ chạy, có tên bắn chỉ thiên loạn xạ. Ta kiên quyết truy kích địch tới cùng.

“Khi lên đến đỉnh núi, Trung đội 3 gặp phải ổ kháng cự cuối cùng. Chúng dùng lựu đạn và súng phóng lựu M79 chặn đường. Vì địa hình dốc, ở cự ly khó vận động nên một số đồng chí bị thương và hy sinh. Có đồng chí đã dũng cảm lấy lại lựu đạn của địch ném trả. Tôi may mắn tránh được một số quả, nhưng cũng bị một số mảnh lựu đạn găm vào người”, ông Đắc kể.

leftcenterrightdel
Cựu chiến binh Phạm Văn Đắc (bên phải) cùng đồng đội ôn lại kỷ niệm trên chiến trường B3-Tây Nguyên. Ảnh: KIÊN CƯỜNG 

Trước các mũi tấn công mãnh liệt của ta, sự phản công của địch giảm dần. Riêng mũi của đồng chí Đắc chỉ huy cùng 6 đồng đội khác phối hợp chiến đấu nhịp nhàng, người bắn yểm trợ, người ném lựu đạn tạo thế áp đảo, buộc quân Mỹ giữ chốt phải bỏ chạy. Đơn vị đã chiếm được toàn bộ cao điểm, làm chủ hoàn toàn trận địa. Trong khi Trung đội 3 đang củng cố đội hình chiếm giữ đỉnh núi thì Trung đội trưởng Đắc phát hiện có khoảng 15-20 tên Mỹ đang tháo chạy. Trung đội 3 tiếp tục tổ chức lực lượng truy kích, tiêu diệt được 3-4 tên Mỹ. Lúc này, máy bay, pháo địch bắn chi viện để ngăn chặn sự truy đuổi của ta. Để tránh cho đồng đội bị thương vong, trung đội đã tạm dừng việc truy kích, triển khai nhiệm vụ thu dọn chiến trường, băng bó vết thương, đưa đồng đội về hậu cứ, an táng liệt sĩ, thu dọn chiến lợi phẩm. Trận này, ta tiêu diệt 18 tên Mỹ, thu được 11 súng AR15, 1 bộ điện đài...

Trận đánh thắng lợi, Trung đội 3 được tuyên dương hành động dũng cảm của cán bộ, chiến sĩ, được cấp trên đề nghị Mặt trận B3 tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba. Riêng Trung đội trưởng Phạm Văn Đắc được tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”.

BIỆN CƯỜNG