Sang làm nhiệm vụ quốc tế tại Lào từ năm 1961, Trung tá Thái Đình Duyệt, nguyên Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 19 kể: “Trung đoàn 19 (Sư đoàn 968) thành lập ngày 26-4-1972, có nhiệm vụ tác chiến chủ yếu trên đất bạn Lào. Cuối năm 1975, Sư đoàn 968 (thiếu Trung đoàn 39) đang đứng chân tại Nam Lào thì được lệnh về nước. Khi về đến Tây Nguyên, đồng chí Hoàng Minh Thảo thay mặt Bộ chỉ huy Chiến dịch Tây Nguyên giao nhiệm vụ cụ thể cho sư đoàn: Nhanh chóng thay cho Sư đoàn 10 và Sư đoàn 320A đang đứng chân trên địa bàn hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum để hai sư đoàn này cơ động về hướng chính làm nhiệm vụ. Yêu cầu mà trên giao là khi thay phiên, Sư đoàn 968 phải tuyệt đối giữ bí mật, không để địch nghi ngờ hoặc phát hiện việc ta đã rút hai sư đoàn chủ lực đi. Đồng thời bằng mọi biện pháp, phải thu hút sự tập trung đối phó của địch lên hướng Bắc Tây Nguyên, ghìm chân địch ở hướng này càng lâu càng tốt cho đến ngày hướng chính nổ súng”.
    |
 |
Đại tá Lê Quang Huân (thứ hai, từ trái sang) trong một lần gặp mặt đồng đội. Ảnh: BÙI THƯỢNG TOẢN |
Theo ý đồ chiến thuật đã báo cáo và được Bộ chỉ huy chiến dịch thông qua, quá trình phòng ngự ở Tây Pleiku, để bảo đảm yếu tố bí mật và nghi binh lừa địch, Trung đoàn 19 lấy phiên hiệu là Mặt trận Y; Tiểu đoàn 2 của trung đoàn lấy phiên hiệu là Sư đoàn 320, Tiểu đoàn 3 lấy phiên hiệu là Sư đoàn 10 còn Tiểu đoàn 1 sẵn sàng cơ động... Đại tá Lê Quang Huân, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 19, nay đã hơn 70 tuổi, cho biết: “Ngày 12-12-1974, tôi vừa học xong thì được Tổng cục Chính trị điều về làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 19. Trong Chiến dịch Tây Nguyên, sư đoàn giao cho Trung đoàn 19 bước đầu phòng ngự chiếm giữ phía tây và bắc Đường 19. Những ngày ấy, các đơn vị của chúng tôi liên tục hoạt động, làm công sự phòng ngự, cùng dân quân du kích ở các làng bản mở đường quân sự, làm gấp sân bay Đức Cơ...”.
Để “dụ địch vào tròng”, đầu tháng 2-1975, một mạng thông tin giả do tổ cơ yếu của Trung đoàn 19 và cụm đài của sư đoàn đảm nhiệm được phát đi liên tục. Đúng như ý định của ta, địch đã phán đoán: Các sư đoàn 320, 10 và 968-lúc này là Mặt trận Y đang hoạt động ở Tây Pleiku. Như vậy là Việt cộng đã tăng quân ở hướng này.
    |
 |
Các cựu chiến binh Sư đoàn 968 Quân tình nguyện trong một lần gặp mặt đồng đội tại Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh, tháng 2-2020. Ảnh: BÙI THƯỢNG TOẢN |
Cho đến 15 giờ 40 phút ngày 1-3-1975, Trung đoàn trưởng Lê Quang Huân kiểm tra lại toàn bộ đội hình. Đúng 16 giờ cùng ngày, 3 quả pháo hiệu bắn lên từ vị trí chỉ huy, lập tức pháo 85mm, cối 120mm, ĐKZ75 và các loại hỏa lực giội bão lửa lên cao điểm Đồn Tầm-Chốt Mỹ. Lợi dụng pháo bắn, Trung đoàn trưởng Lê Quang Huân ra lệnh cho Tiểu đoàn 2 và Tiểu đoàn 3 mở cửa bằng bộc phá liên tục. 35 phút sau, ông tiếp tục lệnh cho pháo chuyển làn về cao điểm 605 và quận lỵ Thanh Bình-Thanh An. Bộ binh và các đơn vị xung phong đánh chiếm lô cốt đầu cầu và phát triển vào trung tâm. Đến 17 giờ 15 phút, cơ bản ta đã làm chủ được cứ điểm Đồn Tầm-Chốt Mỹ. “Trung đoàn 19 chúng tôi đã hoàn thành xuất sắc trận đánh mở đầu. Vậy nhưng thông tin mà địch thu được lại là Sư đoàn 320 và Sư đoàn 10 đã tiến công Đồn Tầm-Chốt Mỹ. Và thế là chúng đã điều động quân dồn về đây. Nhưng thực tế không phải vậy, chỉ có một trung đoàn đánh trận này, còn 2 sư đoàn của ta đã có mặt ở hướng chính chiến dịch mà địch không biết. Chúng tôi đã tổ chức thành công trận đánh hiệp đồng binh chủng mà địch không thể ngờ được”, đồng chí Lê Quang Huân cười hào sảng khi kể lại chiến công này.
Suốt những ngày sau đó, ngày nào Trung đoàn 19 cũng tổ chức tấn công địch trên trục đường đến Thanh Bình-Thanh An, Hòn Rồng, Chư Sê... Địch càng nghi ngờ ta tập trung lực lượng lớn ở Pleiku lại càng đưa quân về đây “giải vây” mà bỏ lỏng Buôn Ma Thuột. Như vậy, với đợt nghi binh ngoạn mục ấy, Trung đoàn 19 nói riêng và Sư đoàn 968 nói chung đã lừa được địch, thực hiện thành công kế “điệu hổ ly sơn” để tạo thuận lợi cho các đơn vị bạn tiến công giải phóng Buôn Ma Thuột, sau đó là kết thúc thắng lợi Chiến dịch Tây Nguyên tháng 3-1975.
HƯỚNG NAM