Nụ cười thân tình, gần gũi luôn xuất hiện trên khuôn mặt phúc hậu; khi trò chuyện thì nhỏ nhẹ, điềm đạm. Đằng sau mỗi câu chuyện đời, chuyện nghề mà ông chia sẻ bao giờ cũng hàm chứa những thông điệp sâu sắc... Đó là cảm nhận của chúng tôi trong mỗi lần được gặp và trò chuyện với nhà báo Hà Đăng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng biên tập Báo Nhân Dân, nguyên Trưởng ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương).
Ông tên thật là Đặng Ha, sinh năm 1929 tại Phú Yên, có anh trai ruột là Đặng Minh Phương-cũng là một nhà báo nổi tiếng. Những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, nhà báo Hà Đăng hoạt động chủ yếu ở Liên khu 5. Khi Hiệp định Geneva được ký, ông tập kết ra Bắc. Do có kinh nghiệm làm báo ở chiến trường nên ngay khi vừa tập kết và hoàn thành đợt học tập chính trị khoảng một tháng, ông được biên chế về làm phóng viên chuyên trách của Báo Nhân Dân. Cuối năm 1961, ông được cử sang Nga học tập tại Trường Đảng cao cấp Liên Xô. Ba năm sau ông trở về nước, tiếp tục công việc ở Báo Nhân Dân, làm Phó trưởng ban miền Nam, phụ trách theo dõi mảng quân sự và chính trị. “Đây cũng là thời kỳ tôi viết sung sức nhất, cứ một, hai ngày là lại có bài trên mặt báo. Làm báo là công việc yêu thích của tôi, thế nhưng là một đảng viên, tôi luôn xác định không được tìm cách lựa chọn công việc. Tổ chức phân công làm việc ở đâu thì sẵn sàng chấp hành điều động đó”-nhà báo Hà Đăng chia sẻ với chúng tôi trong lần gặp gần đây nhất tại nhà riêng của ông trên phố Đốc Ngữ, Hà Nội.
Và có lẽ chính điều này đã lý giải một phần lý do vì sao đang ở Báo Nhân Dân, ông lại được cử đi làm một nhiệm vụ rất đặc biệt, trong gần 5 năm: Trợ lý cho đồng chí Nguyễn Thị Bình, Trưởng đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (sau là Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam) tại Hội nghị Paris (1968-1973). Trò chuyện với chúng tôi, tình huống bất ngờ được cấp trên giao nhiệm vụ đi biệt phái này đến giờ ông vẫn còn nhớ rõ...
Sau những thắng lợi lớn của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, tháng 5-1968, Chính phủ Mỹ buộc phải tính tới việc trở lại bàn đàm phán với Việt Nam. Cho đến đầu tháng 11-1968, trước quan điểm, thái độ kiên quyết của phái đoàn ta, cùng với những thất bại nặng nề trên chiến trường và tình hình nội bộ nước Mỹ, Tổng thống Mỹ Johnson không còn cách nào khác đã phải tuyên bố ngừng ném bom phá hoại miền Bắc Việt Nam.
Trên mặt trận ngoại giao, cuộc đấu tranh giữa Việt Nam và Mỹ bắt đầu xoay quanh vấn đề hình thức, thành phần hội nghị và cuối cùng đã đi đến thống nhất tổ chức Hội nghị Paris, với thành viên tham dự là 4 bên, gồm: Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, phía Mỹ và Việt Nam Cộng hòa (chính quyền ngụy Sài Gòn). “Cũng vào một ngày đầu tháng 11-1968, sau khi hoàn thành bài báo và nộp duyệt, tôi ra đứng dưới gốc cây đa ở số 71 Hàng Trống, Hà Nội (nơi đặt trụ sở của Báo Nhân Dân) để tạm thư giãn đầu óc thì Tổng biên tập Hoàng Tùng đi họp về. Trông thấy tôi, anh vội xuống xe rồi đi thẳng đến chỗ tôi và nói: “Đăng về làm công tác chuẩn bị để đi Paris trong một vài ngày tới nhé!”. Chưa biết mình sang đó cụ thể sẽ làm gì, tôi vội hỏi lại ngay thì anh chỉ cười, trả lời rất ngắn gọn: Đi làm phụ tá cho đồng chí Nguyễn Thị Bình” - nhà báo Hà Đăng cho biết.
Với “một bụng băn khoăn” do chưa mường tượng được cụ thể công việc sắp tới, nhưng nhà báo Hà Đăng vẫn chấp hành ngay. Đến tận ngày họp đoàn trước hôm lên đường sang Pháp, ông mới biết chính xác mình được phân công viết các bài phát biểu chuẩn bị sẵn cho đồng chí Trưởng đoàn Nguyễn Thị Bình. Bài viết do ông dự thảo sẽ được đưa ra “hội đồng” để các thành viên trong đoàn đóng góp ý kiến. Sau khi sửa chữa, bổ sung nhiều lần mới chính thức công khai trên diễn đàn hội nghị. Sau này, tuy chưa có văn bản chính thức nhưng ông vẫn được xem như người phát ngôn của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Paris.
    |
 |
Nhà báo Hà Đăng. Ảnh: THU HÒA
|
Theo lời kể của nhà báo Hà Đăng, Hội nghị Paris có hai diễn đàn: Diễn đàn công khai và diễn đàn bí mật. Ở diễn đàn công khai, hội nghị gồm 4 bên. Trong khi đó, diễn đàn bí mật chỉ diễn ra giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Mỹ. “Tuy hai mà một” là chiến lược ngoại giao của ta được xác định ngay từ đầu. Theo đó, về hình thức, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam là hai đoàn hoạt động độc lập, nhưng thực chất và bản chất lại là một: Đại diện cho nhân dân Việt Nam, cho đất nước Việt Nam. Nhà báo Hà Đăng kể lại: “Tôi nhớ, hồi đó có một đồng chí nêu ý kiến là tôi viết bài hiền quá...”. Đồng chí cho tôi xem hai bài viết đăng trên Báo Nhân Dân mà mình cắt ra, cất cẩn thận trong túi tài liệu cá nhân làm ví dụ. Tôi cầm đọc thì hóa ra đó lại là hai bài viết của chính mình. Tôi cười nhận mình là tác giả bài báo và giải thích thêm với đồng chí ấy vì sao viết báo như thế thì được, còn viết văn đàm phán, nhất là cho lãnh đạo thì cần phải khác nhiều”.
Một trong những khác biệt luôn khiến trợ lý Hà Đăng “đau đầu” và gặp nhiều khó khăn là các bài viết do ông chấp bút phải qua nhiều lần dự thảo, nhiều cấp sửa, duyệt, mỗi người một ý, đôi lúc còn tranh luận gay gắt chỉ bởi một từ ngữ. Cuộc đàm phán tại Hội nghị Paris kéo dài gần 5 năm. Đã có hàng trăm phiên họp, tức là hàng trăm bài phát biểu của lãnh đạo phải chuẩn bị. Nhiều đến nỗi chính đồng chí Hà Đăng cũng không nhớ nổi mình đã viết tất cả bao nhiêu bài. “Vất vả là vậy, thế nhưng tôi dường như quên hết tất cả khi trực tiếp chứng kiến giờ phút hiệp định được ký kết. Xúc động lắm! Ngay lúc đó trong đầu tôi đã hiện ra hình ảnh đối phương phải cuốn cờ về nước. Chiến tranh kết thúc, cờ đỏ sao vàng sẽ tung bay rợp trời ở cả hai miền Nam-Bắc. Cho đến tận bây giờ, hàng chục năm trôi qua nhưng mỗi lần nghĩ tới điều đó, lòng tôi vẫn trào dâng những cảm xúc khó diễn tả!”-ông bồi hồi nói.
ĐINH THỊ NGỌC