Sau Hiệp định Geneva, một số cán bộ, chiến sĩ, đồng bào miền Nam được tập kết ra Bắc học tập, chuẩn bị lực lượng cho sự nghiệp cách mạng lâu dài. Trong cuộc chuyển quân ấy có vợ chồng ông bà Nguyễn Hoài Pho-Phan Thị My cùng con gái Nguyễn Ngọc Diễm và con trai Nguyễn Hoài Phúc. Đến Thanh Hóa, ông bà gửi Ngọc Diễm (4 tuổi) cho nhà trẻ nội trú chăm sóc, con trai nhỏ Hoài Phúc thường ốm yếu thì ở cùng mẹ làm việc tại một cơ sở y tế.

Có chồng bộ đội thường xuyên vắng nhà, bà My vừa chăm lo cho con vừa cố gắng làm việc để chồng yên tâm công tác. Bà Ngọc Diễm, năm nay 73 tuổi, nhớ lại: “Ngày hè hay Tết, tôi được ba má đón về sum họp gia đình. Có lần, ba đón tôi về ở khoảng 10 ngày, cố gắng sắm sửa đủ thứ để con không thiếu hụt. Năm 1956, ba tôi được cử đi Liên Xô học hai năm. Thời gian ấy, mẹ tôi sanh em trai là Nguyễn Hoài Phan. Về nước, ba tôi nhận nhiệm vụ Phó sư đoàn trưởng Sư đoàn 338”.

Sợi dây liên kết trong thời gian xa cách là những lá thư được gửi qua lại giữa hai vợ chồng. Trong thư gửi vợ ngày 15-10-1956, ông Pho viết: “Ở đây mọi sinh hoạt văn hóa đầy đủ, rất có lợi cho thể chất, tinh thần cũng như sự tiến bộ của anh... Anh cũng mong rằng ở nhà, khi tạm xa nhau, em nỗ lực phục vụ nhân dân, nuôi nấng, giáo dục con chúng ta để sau này chúng trở thành những công dân tốt”. Thư ngày 16-6-1957 có đoạn: “Hè năm sau anh về, nếu tình hình bình thường như bây giờ, anh có thể về phép thăm em vài mươi ngày đấy. Việc đầu tiên là em làm cho anh bữa cơm mắm kho ăn với rau sống nhé em yêu mến của anh”...

leftcenterrightdel

Đồng chí Nguyễn Hoài Pho trong thời gian công tác trên địa bàn Quân khu 9.

Ảnh do gia đình ông Nguyễn Hoài Thao nhân vật cung cấp

Ngoài thăm hỏi sức khỏe, động viên vợ và các con, vui khi Diễm học tiến bộ hay lo lắng khi hai con trai dẫn nhau đi bơi nếu không may trượt ngã, ông còn góp ý với vợ cách nuôi dạy con... Đôi khi, ông đổi cách xưng hô từ “em” sang “cô” để trêu đùa vợ: “Nếu tôi về, cô cho tôi ăn cá lóc nướng trui, cá rô kho tiêu chắc cái bụng tôi to bằng trống đình, đi lạch bạch như Đổng Trác. Rồi cô làm Điêu Thuyền cưỡi trên lưng tôi cũng mát dạ...”.

Nhưng ước mơ giản dị ấy lại không dễ thực hiện trong hoàn cảnh đất nước còn chia cắt. Tháng 4-1960, ông Pho nhận lệnh vào Nam chiến đấu. Bà Ngọc Diễm kể: “Ba tôi cùng đoàn cán bộ hơn 50 người từ miền Bắc vào Nam tăng cường cho các tỉnh trên địa bàn Quân khu 9. Trước khi đi, ba về thăm và dẫn tôi ra hiệu ảnh chụp tấm hình để ba đem theo. Ba dặn tôi nhiều lắm nhưng tôi đâu ngờ đó là những lời nói cuối cùng”.

Thập niên 1960, để xây dựng, củng cố và bảo toàn lực lượng trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, rừng U Minh được chọn làm căn cứ cách mạng. Do đó, đây là chiến trường ác liệt, nhiều cán bộ, chiến sĩ cũng như người dân cưu mang, che chở bộ đội đã anh dũng hy sinh. Viết thư, bao giờ ông cũng khuyên các con cố gắng học, chăm ngoan, biết yêu thương nhau và đỡ đần việc nhà giúp má. Trong thư gửi về tháng 11-1964, ông Pho dặn Phúc: “Ráng học nghe con, ít năm nữa lớn đi bộ đội, vào đây đánh giặc tiếp... Nói chơi vậy chớ khi con lớn thì ba và các chú trong này diệt xong tụi nó rồi”.

9 năm chia xa, vợ chồng ông Pho chỉ gặp nhau qua những lá thư mà khi đến tay người nhận phải mất một thời gian dài. Trong thư ngày 22-5-1969, ông gửi cho vợ có đoạn: “Bữa nay lên đường gấp nên anh vội vàng viết thư này để em và các con đỡ trông tin. Những ngày sắp tới, anh cùng anh em trong này tiếp tục chiến đấu quyết liệt với kẻ thù. Em và các con hãy vững lòng tin anh làm tròn trách nhiệm của Đảng giao phó và gia đình trông đợi. Chúc em, các con mạnh khỏe và mọi việc tốt đẹp”. Có lẽ do di chuyển gấp nên cuối thư không có những câu nhắn gửi yêu thương thắm thiết như mọi khi, cả chữ ký cũng nguệch ngoạc không rõ tên Nguyễn Hoài Pho mà chỉ ngắn gọn một chữ “P”. Hẳn chiến trường lúc này đang khốc liệt lắm!

leftcenterrightdel

Tấm ảnh kỷ niệm của cô bé Ngọc Diễm trước khi ba đi chiến trường, năm 1960. 

Ảnh do gia đình ông Nguyễn Hoài Pho cung cấp  

Tháng 7-1969, Trung ương Cục có ý định chuyển bà My vào Nam công tác cùng chồng. Bà My rất muốn sát cánh, chia sẻ mọi hiểm nguy, gian khó với chồng và đóng góp sức mình cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc nhưng các con còn nhỏ dại, đang cần mẹ chăm sóc. Dù nhớ thương, mong gặp chồng nhưng bà quyết định ở lại miền Bắc nuôi dạy các con, cũng là để ông yên tâm chiến đấu. Ban đầu là y tá, bà phấn đấu trở thành y sĩ, thi đậu Trường Đại học Y Hà Nội. Sau này, bà nhận công tác tại Cục Bảo vệ sức khỏe (nay là Cục Y tế, Bộ Công an), được cấp căn nhà nhỏ tại khu tập thể Nam Đồng, Đống Đa, Hà Nội. Bà Ngọc Diễm kể: “Đất nước thống nhất, má tôi ngày ngày ngóng chờ ba để gia đình đoàn tụ sau những năm xa cách rồi cùng nhau về quê hương miền Nam. Nhưng niềm hy vọng của má bị dập tắt khi tháng 3-1976, gia đình tôi nhận giấy báo tử do Đại tá Hồ Bá Phúc ký ghi rõ Đại tá Nguyễn Hoài Pho hy sinh ngày 2-3-1971, trong trận máy bay địch oanh tạc. Do yêu cầu của tổ chức nên hồ sơ liệt sĩ được bảo mật, 5 năm sau ngày ba hy sinh mới thông báo cho gia đình. Năm 1984, má tôi chuyển vào TP Hồ Chí Minh sống cùng vợ chồng em trai Nguyễn Hoài Phúc và mất năm 2004, thọ 80 tuổi”.

Trong các di vật của liệt sĩ Nguyễn Hoài Pho được đơn vị bàn giao cho gia đình chỉ còn một tấm ảnh và chiếc đồng hồ mặt đen. Sau tấm ảnh, người đồng đội của ông là Lý Hoàng Lan viết ngày 10-5-1972: “Kính gửi chị My (vợ anh Ba Mai). Gửi chị tấm ảnh anh Ba. Anh Ba hy sinh ngày 2-3-1971 dương lịch, nhằm ngày 6-2-1971 âm lịch tại ấp Móng Chiêm, xã Khánh Lâm (Sông Đốc, Cà Mau). Gửi chị một đồng hồ đeo tay, di vật của anh Ba để chị lưu giữ. Thăm chị và các cháu, chúc chị khỏe”.

Qua bài viết này, gia đình hy vọng đồng đội từng sống, chiến đấu cùng Đại tá, liệt sĩ Nguyễn Hoài Pho những năm 1963-1971 cung cấp thêm thông tin về ông. Đó là những tư liệu quý để con cháu tự hào về tấm gương hy sinh của cha ông, không ngừng học tập, phấn đấu. Mọi thông tin cung cấp xin gửi về: Nhà văn Hồ Kiên Giang, Thư ký tòa soạn Báo Quân khu 9, số điện thoại: 0913.943.142.

TRƯƠNG NAM CHI