Đã 65 năm trôi qua, nhưng với ông Nguyễn Đắc Hiền, nguyên Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đồng Tháp, hào khí của trận đánh Giồng Thị Đam-Gò Quản Cung vẫn còn rõ như in trong ký ức. Thời điểm đó, ông Hiền thuộc tổ báo chí (Ban Tuyên huấn tỉnh Kiến Phong), làm nhiệm vụ của một phóng viên chiến trường và cùng các đơn vị tham gia chiến đấu. Ông nhớ lại: “Ngày 23-9-1959, tại Giồng Thị Đam, Ban chỉ huy Tiểu đoàn 2 bộ đội Bình Xuyên được liên Tỉnh ủy Trung Nam Bộ chính thức đổi phiên hiệu thành Tiểu đoàn 502. Tiểu đoàn có 5 đại đội, hoạt động phân tán ở các huyện. Tiểu đoàn trưởng là đồng chí Lê Văn Khuyên (Tám Dần), Chính trị viên là đồng chí Nguyễn Văn Phàn (Sáu Chung), Tiểu đoàn phó là đồng chí Trương Văn Trung (Ba Trung) và Chính trị viên phó là đồng chí Nguyễn Hữu Hạnh”.

Sau hai ngày thành lập, ngày 25-9-1959, Đại đội 271, Tiểu đoàn 502 đã có mặt tại Giồng Thị Đam với nhiệm vụ cùng cơ sở xã Bình Thạnh, huyện Hồng Ngự (nay là TP Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) thực hiện vũ trang tuyên truyền, phá kế hoạch gom dân lập ấp của địch; đánh diệt trung đội bảo an rất ác ôn đóng tại đây. Tuy nhiên, trong thời gian quân ta tập kết về Giồng Thị Đam để chuẩn bị cho đợt hoạt động thì bị địch phát hiện. Chúng liền điều động lực lượng chia thành 4 cánh quân, bao gồm 6 đại đội chủ lực của Tiểu đoàn 2 và Tiểu đoàn 3 thuộc Trung đoàn 43 (Sư đoàn 23) và 1 đại đội bảo an tiểu khu Kiến Phong, cộng thêm 3 tàu chiến bố trí trên kênh Phước Xuyên, với ý định tìm và tiêu diệt lực lượng của ta tại Giồng Thị Đam, đồng thời mở cuộc càn quét khu vực Gò Quản Cung.

leftcenterrightdel
Ông Nguyễn Đắc Hiền.  

Giồng Thị Đam-Gò Quản Cung nằm ở địa bàn giáp ranh giữa huyện Thanh Bình và huyện Hồng Ngự (nay thuộc xã Phú Hiệp, huyện Tam Nông và xã An Phước, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp). Đây là địa bàn tạm ém quân của Tiểu đoàn Đinh Bộ Lĩnh và Tiểu đoàn 2 bộ đội Bình Xuyên (tiền thân của Tiểu đoàn 502) từ năm 1956 đến 1959. “Trong ngày 25-9-1959, các cánh quân địch bắt đầu mở cuộc hành quân lục soát các vùng sâu giáp ranh Hồng Ngự, Thanh Bình. Tuy nhiên, lực lượng của ta tại Giồng Thị Đam vẫn giữ được yếu tố bí mật. Đến khoảng 9 giờ sáng hôm sau, trinh sát của ta phát hiện một cánh quân địch từ Sa Rài đang tiến về hướng Giồng Thị Đam. Lực lượng của ta lúc này bao gồm Đại đội 271, Ban chỉ huy Tiểu đoàn 502, một tổ trinh sát đặc công của Đại đội Năm Bình, tổ quân y... tổng số chưa đến 100 người. Ban chỉ huy Tiểu đoàn 502 đã mở cuộc họp chớp nhoáng phân tích tình hình địch và ta, cuối cùng đi đến thống nhất “trụ lại, phục kích đánh địch”. Ta khẩn trương di chuyển và bố trí các bộ phận tại những điểm trọng yếu trên hướng hành quân của địch; lợi dụng địa hình, địa vật có lợi để ẩn nấp, ngụy trang. Quân ta khí thế hừng hực, chỉ chờ có lệnh là nổ súng”, ông Nguyễn Đắc Hiền nhớ lại.

Đúng như nhận định của ta, cánh quân địch hành quân bằng xuồng từ Sa Rài đi theo đường cộ (vệt đường xe trâu đi trong mùa khô, đến mùa nước, xuồng, ghe theo đó dễ đi lại) tiến dần đến Giồng Thị Đam, quân ta đã bố trí chờ sẵn. Khi địch cách trận địa phục kích của ta khoảng 10m, tổ trung liên được lệnh bắn thẳng vào xuồng chỉ huy địch. Cả đơn vị từ các vị trí ẩn nấp lao ra và đồng loạt nổ súng. Bị đòn bất ngờ, cả cánh quân địch nhốn nháo, đội hình rối loạn, binh sĩ mất tinh thần, quăng súng, nhảy xuống nước đầu hàng. Xuồng địch bị lật, chìm rất nhiều. Sau 15 phút, toàn bộ Đại đội 12 đi đầu và Ban chỉ huy Tiểu đoàn 3 của địch bị ta tiêu diệt và bắt làm tù binh.

leftcenterrightdel
Di tích Chiến thắng Giồng Thị Đam - Gò Quản Cung là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.  

Cùng thời điểm này, sau khi nhận được tin còn một cánh quân của địch từ An Phong càn theo hướng Tây Bắc đến Gò Quản Cung, Ban chỉ huy Tiểu đoàn 502 quyết định chuyển lực lượng gấp về Gò Quản Cung (cách Giồng Thị Đam 3km) để đón lõng. Đến khoảng 14 giờ cùng ngày, tại phía Nam Gò Quản Cung, ta bố trí xong trận địa thì cánh quân thứ hai của địch cũng vừa tới. Súng địch bắn rộ lên ở Gò Bộ Tức, cách trận địa của ta hơn 1km (chúng bắn đuổi theo hai chiến sĩ trinh sát của ta có nhiệm vụ nhử địch vào trận địa phục kích). Hai đồng chí này nhận được lệnh tiếp tục chống xuồng đi thẳng về phía Giồng Thị Đam để giữ bí mật trận địa. Quân địch hối hả đuổi theo và lọt vào đội hình phục kích của Đại đội 271, cả đơn vị đồng loạt nổ súng xung phong. Hỏa lực của ta áp đảo mạnh, tiêu diệt một số tên địch ngay loạt đạn đầu, số còn lại lặn ngụp dưới nước và bị bắt, vài tên sống sót bơi xuồng thục mạng về hướng Tân Dinh.

Như vậy, trong ngày 26-9, Tiểu đoàn 502 đã diệt gọn 2 đại đội và Ban chỉ huy Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 43, Sư đoàn 23 chủ lực ngụy, đánh bại cuộc hành quân càn quét cấp trung đoàn do Phân khu Bắc của địch tổ chức; bắt 105 tù binh, thu 127 súng, 12 máy thông tin và nhiều quân dụng khác. Ta hy sinh 1 đồng chí, bị thương 2 đồng chí.

Với Chiến thắng Giồng Thị Đam-Gò Quản Cung, bên cạnh yếu tố chính trị, tinh thần, Tiểu đoàn 502 còn cho thấy việc vận dụng linh hoạt nghệ thuật quân sự “lấy ít địch nhiều” thông qua cách tổ chức lực lượng hợp lý để chuyển hóa từ lực nhỏ thành sức lớn; lập thế trận hiểm, dùng cách đánh hiểm để tạo thế vững, lực lượng mạnh và chọn thời cơ có lợi đánh trúng mục tiêu hiểm yếu.

Để ghi dấu ấn lịch sử hào hùng của quân và dân tỉnh nhà, năm 1999, tỉnh Đồng Tháp đã xây dựng khuôn viên và Tượng đài Chiến thắng Giồng Thị Đam-Gò Quản Cung tại xã An Phước, huyện Tân Hồng. Năm 2004, Di tích Chiến thắng Giồng Thị Đam-Gò Quản Cung  được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia. Đây là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ trẻ. Trung tá Trương Minh Hùng, Chính ủy Trung đoàn 320, Bộ CHQS tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Di tích Giồng Thị Đam-Gò Quản Cung là niềm tự hào của thế hệ chúng tôi cũng như lớp lớp cán bộ, chiến sĩ đơn vị. Di tích này gắn liền với sự ra đời và phát triển của Tiểu đoàn 502 trực thuộc Trung đoàn 320 hiện nay. Thế hệ nối tiếp của Trung đoàn hôm nay đã và đang giữ vững truyền thống quý báu đó trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ đổi mới”.

Bài và ảnh: THẾ HIỂN