Nhớ về trận đánh không tiếng súng năm xưa, ánh mắt cựu nhạc công Nguyễn Kim Dần (88 tuổi, trú tại phường Khương Trung, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) như có lửa. Ông kể với giọng đầy tự hào: “Trong cuộc đời quân ngũ, tôi không bao giờ quên buổi biểu diễn đặc biệt ở bờ Bắc sông Bến Hải vào ngày 20-7-1964. Ngày ấy, khi chúng ta đang kỷ niệm 10 năm ký kết Hiệp định Geneva thì chính quyền ngụy Sài Gòn âm mưu chống phá cách mạng bằng việc tổ chức một cuộc mít tinh lớn tại bờ Nam sông Bến Hải để hô hào “Bắc tiến”, chúng gọi đó là ngày “quốc hận”. Việc phá tan cuộc mít tinh này được xem là một thành công lớn trên chính trường thời điểm đó và Đoàn Quân nhạc Quân đội được giao nhiệm vụ quan trọng này. Cá nhân tôi luôn xác định đây không chỉ đơn thuần là một buổi biểu diễn mà là một trận chiến thực sự, vì chúng tôi chỉ dùng tiếng nhạc, nhưng địch có thể dùng vũ khí.

leftcenterrightdel

Cựu chiến binh Nguyễn Kim Dần (bên trái) tại buổi gặp mặt kỷ niệm 60 năm Chiến thắng bằng âm thanh. Ảnh: HỮU LÊ 

Trong buổi tiếp cán bộ Đoàn Quân nhạc Quân đội ngày 19-7-1964, đồng chí Trần Đồng, Bí thư Đặc khu ủy Vĩnh Linh nói rõ chủ trương đấu tranh của ta trong việc phá buổi lễ của địch vào sáng 20-7-1964. Dự kiến ban đầu, ta dùng hệ thống loa phóng thanh kêu gọi đồng bào bên bờ Nam tẩy chay cuộc mít tinh của địch. Nhưng hệ thống loa của ta ít, công suất nhỏ, lại ngược gió nên khả năng thành công không cao. Cuối cùng, phương án chọn quân nhạc để đối chọi với hệ thống loa của địch được đưa ra và nhận được sự đồng thuận cao. Đoàn Quân nhạc Quân đội lúc này quân phục đã được cải thiện, khá đẹp so với những năm trước đây; hơn nữa, khoảng cách từ nơi bố trí đến chỗ địch tổ chức mít tinh lại gần, đồng bào bên bờ Nam nhìn thấy rất rõ, họ sẵn có tinh thần hướng về miền Bắc xã hội chủ nghĩa nên có thể bỏ mít tinh chạy ra bờ sông xem quân nhạc biểu diễn, cuộc mít tinh “quốc hận” của địch do đó sẽ thất bại”.

Tối 19-7-1964, Chi bộ Đoàn Quân nhạc Quân đội họp nghe phổ biến chủ trương của trận đánh. Chi bộ nhất trí với chủ trương, phương án của trận đánh và hạ quyết tâm dù có phải hy sinh cũng quyết dùng tiếng kèn, tiếng trống khiến quân địch thất bại; đồng thời động viên, cổ vũ đồng bào chiến đấu cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đồng chí Văn Tiến, Nhạc trưởng, trình bày phương án chiến đấu. Theo đó, lực lượng tham gia trận đánh tổ chức thành hai thê đội. Thê đội 1 gồm 40 đồng chí bố trí ở tuyến trước, ngay sát bờ sông, do Nhạc trưởng Văn Tiến chỉ huy. Thê đội 2 gồm 20 đồng chí bố trí ở phía sau, do Nhạc phó Trần Ngọc My chỉ huy. Khi tiếng kèn của thê đội 1 nổi lên, nếu quân địch nổ súng, thê đội 2 cho hòa tấu tiếp sức không để đứt đoạn. Trường hợp Nhạc trưởng bị thương hoặc hy sinh thì Nhạc phó lên chỉ huy thay. Nếu sau bản hòa tấu thứ nhất, quân địch không phản ứng thì thê đội 2 tràn lên nhập vào đội hình thê đội 1 tiếp tục chương trình biểu diễn.

Trong phương án tác chiến có dự kiến tình huống khi bị thất bại, địch có thể nổ súng vào đội hình quân nhạc. Đồng chí Trần Đồng động viên anh em: Các đồng chí cần xác định đây là một trận chiến quyết liệt với kẻ thù, giữa một bên là những người chỉ dùng âm thanh làm vũ khí với một bên là quân địch được trang bị súng đạn tận răng. Trong tình huống xấu có thể có hy sinh, đổ máu. Nhưng các đồng chí hãy vững vàng xuất quân. Các đồng chí chiến đấu không đơn độc. Quân ta nhất định thắng lợi.

Sau khi nghe kế hoạch, cán bộ, chiến sĩ Đoàn Quân nhạc Quân đội ai cũng hào hứng, phấn khởi. Sáng sớm ngày 20-7-1964, cả đoàn được lệnh ra địa điểm tập kết sát bờ sông Bến Hải, hướng sang bờ Nam. Cựu nhạc công Nguyễn Kim Dần nhớ lại: “Khi tên tướng Nguyễn Chánh Thi của địch bước ra lễ đài khai mạc mít tinh cũng là lúc lời giới thiệu của nhạc công Phạm Sinh Duyên phát sang bờ Nam và giai điệu hùng tráng của bài “Giải phóng miền Nam” cất lên. Chương trình biểu diễn đặc biệt năm ấy còn có các bài: “Tiếng súng Nam Bộ”, “Tiểu đoàn 307”, “Tiếng gọi thanh niên”, “Diệt phát xít”, “Bình Trị Thiên khói lửa”... Càng diễn, chúng tôi càng thấy khỏe, tiếng kèn càng vang, cuốn hút đông đảo đồng bào về phía bờ sông, khiến cho địch không thể tiếp tục cuộc mít tinh. Đoàn Quân nhạc Quân đội đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, giải tán cuộc mít tinh tuyên truyền phản động do địch tổ chức. Anh em nhạc công ai nấy cũng trào dâng xúc động, vui mừng và tự hào vì vừa lập được chiến công”.

MỸ ANH