Bằng chất giọng trầm ấm, Đại tá Nguyễn Thanh Tân kể: “Sau khi đánh thắng trận đầu ở Ninh Bình, Tiểu đoàn 61, Trung đoàn 236, Sư đoàn 361 chúng tôi về triển khai khí tài tại trận địa Phùng, Đan Phượng, Hà Tây (nay là Hà Nội). Tại đây, ngày 26-8-1965, chúng tôi vinh dự được đón Bác Hồ về thăm. Người ân cần trò chuyện với cán bộ, chiến sĩ rồi căn dặn: “Trong trận chiến đấu vừa qua, các chú đánh rất giỏi, đã diệt gọn một tốp máy bay Mỹ. Nếu các chú bắn tiết kiệm đạn mà rơi nhiều máy bay Mỹ thì càng tốt hơn”.

Tháng 12-1965, tôi là trắc thủ góc tà, cùng đồng đội được lệnh vào trận địa Khắc Phục thuộc địa bàn huyện Hà Trung (Thanh Hóa). Đơn vị nhanh chóng triển khai khí tài làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng, một đầu mối giao thông quan trọng mà địch thường xuyên bắn phá ác liệt.

Giáp Tết, trời rất lạnh nhưng không khí đón xuân của bộ đội vẫn rộn ràng. Ngoài quân số trực chiến, chúng tôi được phân công mỗi người một việc: Người ngụy trang trận địa, người tìm nhà dân xin lá dong, lá chuối để gói bánh chưng, người vào rừng kiếm giang làm lạt, người đãi gạo, ngâm đỗ... Phần gói bánh được giao cho cánh lái xe. Hầu hết các anh đều đã có gia đình nên rất thạo việc, chỉ nhoáng cái đã có một chồng bánh vuông vức. Tuy nhiên, để nấu được bánh trong điều kiện kẻ địch luôn rình rập là việc hết sức khó khăn. Chúng tôi phải đào bếp Hoàng Cầm, ngụy trang cả đầu ra của khói rất tỉ mỉ. Vui nhộn nhất là nhóm lính trẻ làm nhiệm vụ trang trí khánh tiết. Dẫu trong hoàn cảnh chiến tranh, bom đạn, chúng tôi vẫn có đủ câu đối, hoa rừng, báo tường, thậm chí còn tổ chức bình báo rất sôi nổi. Khi nồi bánh chưng mới lục bục sôi, không khí đón xuân đang rộn ràng, chúng tôi được lệnh chuẩn bị vượt cầu Hàm Rồng về tập kết triển khai chiến đấu ở trận địa đồi Sim (Hợp Thành, Triệu Sơn, Thanh Hóa).

leftcenterrightdel

Bác Hồ thăm Trung đoàn 236, Sư đoàn 361, năm 1965. Ảnh tư liệu

Ba mươi Tết, đơn vị tổ chức đón xuân chóng vánh để lên đường sớm. Ngay trên trận địa, bộ đội vừa vui vẻ ăn Tết, vừa thu hồi khí tài và làm công tác chuẩn bị hành quân vượt trọng điểm cầu Hàm Rồng. Khó khăn lớn nhất đơn vị phải đối mặt lúc này là làm sao đưa được các xe kéo dắt khí tài tên lửa cồng kềnh vượt sông trong điều kiện đêm tối, trời rét, địa hình giao thông nhiều “ổ gà”, “ổ voi” và những khúc cua vừa gấp vừa hẹp. Cuộc họp dân chủ nhanh chóng diễn ra, mọi phương án hành quân trên đường được đơn vị bàn bạc rất kỹ với quyết tâm cao. Mục tiêu cuối cùng của chúng tôi là phải khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Đêm Ba mươi, từ trận địa Khắc Phục, đơn vị bắt đầu hành quân. Thời khắc Giao thừa, chúng tôi lắng nghe lời chúc Tết của Bác Hồ qua chiếc radio bên hông của tiểu đoàn trưởng. Đến khu vực cầu Hàm Rồng, để bảo đảm tuyệt đối an toàn, tránh con mắt cú vọ của địch, tất cả đèn xe đều tắt, chỉ còn duy nhất chiếc đèn gầm le lói. Cứ thế, từng xe chầm chậm nối đuôi nhau xuyên đêm. Vì tải trọng của cầu Hàm Rồng chỉ đủ cho từng chiếc xe qua nên việc di chuyển của các loại xe xích, xe kéo dắt khí tài cồng kềnh gặp khá nhiều khó khăn. Để hỗ trợ đắc lực cho các đồng chí lái xe vượt sông, Đại đội trưởng Đại đội 1 Vũ Ngọc Diệp (sau này là Thiếu tướng, Phó chánh thanh tra Bộ Quốc phòng) đã cởi áo quân phục để lộ chiếc áo may ô màu trắng, rồi cứ thế đi trước đầu xe như một cọc tiêu sống. Chính sự hiện diện của Đại đội trưởng và nhờ cái bóng áo trắng lờ mờ trong đêm ấy, anh em lái xe thêm vững tin để đưa từng chuyến xe vượt trọng điểm an toàn.

Sau khi hành quân vượt cầu Hàm Rồng, ngày 7-3-1966, trên đất Quỳnh Thắng (Quỳnh Lưu, Nghệ An), chúng tôi đánh một trận đặc biệt xuất sắc: Chỉ với 1 quả đạn tên lửa, Tiểu đoàn đã tiêu diệt gọn tốp máy bay 2 chiếc RF-101 rơi tại chỗ. Đây là trận đánh đạt hiệu suất rất cao, là chiến công độc đáo của bộ đội tên lửa. Sau đó, ngày 18-3-1966, cũng trên quê hương Nghệ An, Tiểu đoàn chúng tôi tiếp tục diệt gọn tốp máy bay 2 chiếc F-10B của Mỹ”.

QUỲNH VÂN