Tháng 12-1971, chàng trai Nguyễn Tuyên Giáo 19 tuổi, từ giã quê hương xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) vào bộ đội. Ban đầu anh được biên chế về Tiểu đoàn 6, Bộ tư lệnh Đặc công. Vốn thông minh, nhanh nhẹn, lại tích cực rèn luyện, phấn đấu, chỉ 8 tháng sau, anh được kết nạp Đảng. Tháng 8-1973, anh được chọn vào ngành cơ yếu.

Sau thời gian học tập, luyện rèn, được trang bị những kiến thức cơ bản của một nhân viên cơ yếu, anh về làm nhân viên mã dịch ở Ban Cơ yếu Sư đoàn 341, Quân khu 4. Tháng 1-1975, Nguyễn Tuyên Giáo có quyết định đi B.

Ông Nguyễn Tuyên Giáo kể rằng, nhân viên cơ yếu đi chiến trường, có hai vật bất ly thân là khẩu súng ngắn K54 và tài liệu (đựng trong xắc cốt da đen đeo vai cùng chiếc hòm tôn, kích cỡ 40×50×15cm). Khi làm nhiệm vụ là đặt hòm tôn lên đùi để dịch công văn, điện khẩn. Khi chiến dịch diễn ra, cơ yếu mã dịch ở dưới hầm nhưng khi trình điện cho thủ trưởng đều phải cơ động trên mặt đất. Cơ yếu thường được thủ trưởng Sư đoàn quan tâm và quản lý chặt chẽ, nhất là thời điểm chờ tin trên và tin dưới để kịp thời chỉ huy chiến đấu.  

Vào chiến trường, ông cùng đồng đội tham gia một số trận đánh, rồi bắt tay vào chuẩn bị cho trận đánh Xuân Lộc (nay là huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai). Lần đầu cùng đồng đội tháp tùng chỉ huy đi chuẩn bị chiến trường, ông có kỷ niệm nhớ đời, ấy là khi phát hiện mình ngủ ngay cạnh đơn vị lính bảo an của địch đang nống ra ngăn ngừa ta đánh tập hậu.

Ông Nguyễn Tuyên Giáo kể: “Tối hôm ấy, chúng tôi chuẩn bị gọn gàng quân tư trang để đi nghiên cứu tình hình chiến trường. Đi cả tối, đến khoảng nửa đêm thì dừng nghỉ. Khoảng 4 giờ sáng, tôi choàng tỉnh vì tiếng súng lách cách, tiếng người gọi nhau í ới. Lúc ấy mới phát hiện ra, cả đoàn đã ngủ ngay gần doanh trại của địch. Vậy là anh em bảo nhau rút trong yên lặng!”.

Đúng 5 giờ 40 phút ngày 9-4-1975, quân ta nổ súng tiến công Xuân Lộc. Ngay từ ngày đầu, chiến dịch đã diễn ra vô cùng gay go, ác liệt. Trong ngày chiến đấu đầu tiên, quân ta đã chiếm được một phần hai thị xã, toàn bộ khu hành chính tiểu khu. Trưa ấy, tranh thủ lúc mặt trận im tiếng súng, địch ở Biên Hòa chỉ bắn cầm canh, ông đi trình điện cho đồng chí Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn.

leftcenterrightdel

Đại tá Nguyễn Tuyên Giáo kể lại những kỷ niệm ở chiến trường. Ảnh: KHÁNH AN 

Nguyễn Tuyên Giáo vừa đến cửa hầm của Chủ nhiệm Chính trị Nguyễn Quế thì nghe tiếng pháo nổ. Như một phản xạ tự nhiên, ông ngã nhào vào hầm. Ngay sau đó, một bàn tay cũng kéo ông vào sâu trong hầm. Một lát sau, trong khói bụi mịt mù, ông thấy một bàn tay sờ nắn khắp người cùng lời hỏi thăm trìu mến: “Cậu có làm sao không?”. Đó là tiếng của ông Nguyễn Quế.

Ông Nguyễn Tuyên Giáo nhớ lại: “Khi ấy, một nửa cơ thể tôi ở trong hầm, còn một nửa ở ngoài. Quả pháo nổ rất may không trúng vào người, nhưng điều tôi ấn tượng hơn cả là sự quan tâm, lo lắng của người chỉ huy với cấp dưới. Sau khi kiểm tra khắp người, thấy tôi không bị thương, đồng chí Nguyễn Quế mới nhận bức điện và lệnh cho tôi về vị trí làm việc. Thường ngày, ông là vị chỉ huy rất mẫu mực, nghiêm khắc, thường ít chuyện trò với cấp dưới. Nhưng qua sự việc ấy, tôi mới biết ông là người rất tình cảm”.

Trong trận đánh Xuân Lộc, Nguyễn Tuyên Giáo còn có thêm một lần “chết hụt”, ấy là vào khoảng 5 giờ chiều 10-4. Khi di chuyển sang hầm Tư lệnh để trình điện, vừa di chuyển ra khỏi hầm thì ông nghe tiếng pháo nổ sát bên tai. Ông chỉ kịp nằm xuống. Lát sau nhìn lại, cách chỗ ông khoảng vài chục mét có 3 chiến sĩ bộ binh đã hy sinh vì pháo địch.

Ngày 21-4-1975, chiến dịch tiến công Xuân Lộc kết thúc thắng lợi, thị xã Long Khánh được giải phóng. “Cánh cửa thép” để tiến vào Sài Gòn-Gia Định đã mở. Trong khí thế tiến công như vũ bão vào Sài Gòn, anh Nguyễn Tuyên Giáo cùng đồng đội tham gia đánh chiếm các mục tiêu và vỡ òa niềm vui chiến thắng trong ngày 30-4 lịch sử. Sau đó, ông làm nhiệm vụ quân quản tại Trại Đào Bá Phước, đường Tô Hiến Thành, quận 10.

Trải qua một số nhiệm vụ, tháng 8-1979, sau khi hoàn thành tốt nhiệm vụ giúp bạn Campuchia, ông Nguyễn Tuyên Giáo được cử ra Bắc học tập và phục vụ ngành cơ yếu cho đến lúc nghỉ hưu.

THỦY TIÊN-THU HOÀI