Đêm 28-4-1975, tất cả chúng tôi được lệnh xuống hầm, trừ các đồng chí cảnh vệ và các đồng chí có nhiệm vụ đặc biệt ở lại trên công sự nổi. Mọi người đã sẵn sàng tại vị trí chiến đấu của mình.
Khoảng 4 giờ sáng 29-4, pháo binh ta bắt đầu bắn vào sân bay Tân Sơn Nhất và các mục tiêu khác đã định ở Sài Gòn. Lúc đầu pháo ta bắn còn thưa, sau đó bắn cấp tập thành từng đợt. Nằm dưới hầm, chúng tôi nghe tiếng pháo nổ inh tai ở sân bay và tiếng rít của các quả đạn pháo bay ngang qua khu vực Trại Davis, bởi trại nằm trong sân bay Tân Sơn Nhất, một trong 5 mục tiêu quan trọng nhất của Chiến dịch Hồ Chí Minh. Trước đó, khi xây dựng hệ thống hầm hào chiến đấu trong Trại Davis, chúng tôi đã được cấp trên quán triệt phải làm hầm kiên cố để có thể tránh được đạn pháo khoan sâu dưới 1-2m.
Trưa 29-4, có 4 “vị khách” đến Trại Davis xin gặp trưởng đoàn ta. Họ tự giới thiệu là “phái viên của Phó tổng thống Nguyễn Văn Huyền” đến bàn việc bàn giao chính quyền. Đoàn khách gồm các ông: Nguyễn Văn Diệp, Trưởng đoàn; Nguyễn Đình Đầu; Tô Văn Cang; Nguyễn Văn Hạnh. Lúc này, lãnh đạo đoàn ta không thể tiếp nên cử cán bộ ra chuyển lời: Đoàn không được ủy quyền bàn bạc bất kỳ vấn đề gì. Vì vậy, 4 “vị khách” ngậm ngùi ra về.
|
|
Bộ đội Sư đoàn 10 (Quân đoàn 3) đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất ngày 30-4-1975. Ảnh: ĐINH QUANG THÀNH |
Khoảng 14 giờ 30 phút chiều hôm đó, đoàn thứ hai gồm 2 “vị khách”: Giáo sư Châu Tâm Luân và Linh mục Chân Tín đến Trại Davis xin gặp đoàn ta. Lãnh đạo đơn vị cử Trung tá Bùi Thiệp ra gặp và cũng trả lời tương tự như buổi trưa. Đúng 3 giờ sau đó, lại có đoàn “khách” thứ ba đến xin gặp, gồm: Giáo sư Châu Tâm Luân, Linh mục Chân Tín và luật sư Trần Ngọc Liễng. 3 “vị khách” tự giới thiệu họ thuộc thành phần thứ ba, được Tổng thống Dương Văn Minh cử đến, khẩn khoản mong được ta tiếp.
Sau khi cân nhắc kỹ, lãnh đạo đoàn ta thấy đây là những người thuộc thành phần thứ ba, trước đây đã từng đối lập với chế độ độc tài Nguyễn Văn Thiệu. Họ đã không nề nguy hiểm để đến Trại Davis giữa lúc pháo ta vẫn bắn liên tục vào sân bay Tân Sơn Nhất. Mặt khác, 2 trong 3 người đến đây lần thứ hai nên ta đồng ý tiếp họ, nhưng nói rõ là ta sẽ tiếp họ với danh nghĩa cá nhân chứ không phải với danh nghĩa là đại diện của ai. 3 “vị khách” được đưa xuống căn hầm chỉ huy dự bị và được Đại tá, Phó trưởng đoàn Võ Đông Giang tiếp chuyện. Vừa chui xuống hầm, 3 “vị khách” hết sức ngạc nhiên vì căn hầm rất kiên cố và khá rộng rãi, lại vừa đào xong, đất vẫn còn mới nguyên...
3 “vị khách” cho biết, họ được Tổng thống Dương Văn Minh cử đến, đề nghị Đại tá Võ Đông Giang trình với thượng cấp cho thương thảo, làm sao để cuộc tấn công vào Sài Gòn tránh gây đổ máu và bớt tổn hại về vật chất. Đại tá Võ Đông Giang trả lời với thái độ thân thiện nhưng dứt khoát: “Các ông về nói với ông Dương Văn Minh là đầu hàng đi thôi, vì bây giờ không còn gì để thương lượng. Mọi vấn đề đã được Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam khẳng định rõ trong tuyên bố ngày 26-4-1975”. Nghe vậy, họ đứng lên xin phép về để trình với ông Dương Văn Minh.
|
|
Đại tá Đào Chí Công (bên phải) chúc mừng Đại tá Nguyễn Văn Khả (1929-2023), nguyên Trưởng ban liên lạc Trại Davis, tháng 3-2023. Ảnh: THÁI KIÊN |
Lúc này, pháo của ta vẫn bắn cấp tập vào khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, nếu để họ về Sài Gòn sẽ rất nguy hiểm. Vì vậy, ta khuyên họ nên ở lại, chờ hết đợt pháo rồi hãy đi. Tuy vậy, để tránh hiểu nhầm là ta cố tình giữ họ ở lại, ta nói rõ nếu họ quyết định ra về thì ta sẽ không cản. 3 “vị khách” bàn bạc với nhau, rồi quyết định xin ở lại.
Suốt đêm 29-4, đồng chí Võ Đông Giang đã trò chuyện với 3 “vị khách” về các chính sách của cách mạng mà họ quan tâm. Đồng chí lên án cuộc chiến tranh tàn bạo do
Mỹ-ngụy tiến hành ở miền Nam Việt Nam và phê phán họ trắng trợn phá hoại Hiệp định Paris. Đồng chí nói rõ vì sao chúng ta buộc phải tiến hành chiến tranh cách mạng để đánh đổ ngụy quyền Sài Gòn và khẳng định, đó là một hành động hoàn toàn chính đáng.
Phía trên, pháo của ta vẫn tiếp tục bắn vào sân bay Tân Sơn Nhất. Lúc này, mọi người dưới chiến hào ai nấy đều phấn chấn, rạo rực đón chờ tin chiến thắng. Xung quanh Sài Gòn, 5 cánh quân ta đang áp sát và siết chặt vòng vây. Một số đơn vị đã bắt đầu đột nhập vào nội thành...
Rạng sáng 30-4-1975, pháo ta bắn thưa dần. Chúng tôi được cấp trên thông báo, xe tăng của ta đã tràn qua sân bay Tân Sơn Nhất tiến về ngã tư Bảy Hiền, mọi người ở nguyên vị trí, không ra khỏi hầm. Anh em chúng tôi vui sướng đến trào nước mắt, ai cũng muốn nhảy ra khỏi hầm ngay lập tức để được tận mắt chứng kiến và tiếp đón các cánh quân của ta đang ào ạt tiến vào giải phóng Sài Gòn.
|
|
Đại tá Đào Chí Công. Ảnh do nhân vật cung cấp |
Khoảng 10 giờ trưa, Thiếu tướng,?Trưởng đoàn Hoàng Anh Tuấn và Đại tá Võ Đông Giang tiễn 3 “vị khách” ở lại qua đêm ra cổng. Khi đó, tôi là Trợ lý Đối ngoại văn phòng được đi cùng và mang theo 3 túi quà của đoàn ta tặng mỗi người 2 chai rượu “Lúa mới” và 1 bánh lương khô 702. Trên đường ra cổng, chúng tôi gặp một đơn vị Quân Giải phóng tiến vào Trại Davis. Đồng chí chỉ huy đứng nghiêm chào và báo cáo Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn: “Tôi là Sơn, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 24, Sư đoàn 10, Quân đoàn 3. Tôi xin phép thủ trưởng cho triển khai bộ đội bảo vệ khu vực Trại Davis”. Đồng chí Hoàng Anh Tuấn chào và nói: “Xin chúc mừng chiến công của các đồng chí! Các đồng chí cho triển khai nhiệm vụ theo phương án đã định”.
3 “vị khách” lúc đó được tận mắt chứng kiến khí thế hùng dũng của đoàn quân chiến thắng. Linh mục Chân Tín xúc động dang rộng hai tay, nói lớn: “Đây là giờ phút sung sướng nhất của dân tộc chúng ta”. Sau đó, 3 “vị khách” nhận giấy giới thiệu của đoàn ta gửi các trạm kiểm soát Quân Giải phóng, yêu cầu các trạm tạo điều kiện thuận lợi để họ trở về Sài Gòn an toàn...
Trưa 30-4-1975, chúng tôi nghe qua Đài Phát thanh Sài Gòn, Tổng thống ngụy quyền Dương Văn Minh đã tuyên bố đầu hàng.
Tình hình diễn biến nhanh quá sức tưởng tượng! Chẳng ai hình dung được trong suốt 823 ngày đêm đấu tranh gay go, quyết liệt trên mặt trận ngoại giao quân sự, chúng tôi lại có vinh dự được chiến đấu trong những ngày cuối cùng của tháng 4-1975 lịch sử, được trực tiếp chứng kiến chiến thắng vĩ đại và trọn vẹn của dân tộc.
Đại tá ĐÀO CHÍ CÔNG, nguyên Trợ lý Đối ngoại văn phòng, đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trong Ban Liên hợp quân sự hai bên Trung ương tại Trại Davis, Trưởng ban liên lạc cựu chiến binh Ban Liên hợp quân sự - Trại Davis tại Hà Nội.