Đầu năm 1979, tôi nhận quyết định điều động từ Trường Văn hóa Quân chủng Hải quân về công tác tại Nhà văn hóa Quân chủng Hải quân. Khi đến nhận công tác ở đơn vị mới, Thượng tá Ngô Thế Lãng, Giám đốc (nay là Chủ nhiệm) Nhà văn hóa Quân chủng Hải quân sau khi hỏi thăm về sức khỏe, gia đình, rồi hỏi: “Cục Chính trị Quân chủng điều đồng chí về công tác ở đây làm nhiệm vụ viết văn, viết báo. Đồng chí thấy sao?”. Tôi bất ngờ với câu hỏi này, nên trả lời: “Thưa thủ trưởng, tôi chỉ mới viết được một vài cái tản văn, mấy cái bút ký đăng trên báo tỉnh, báo quân khu, các thủ trưởng đã điều tôi về đây có vội vàng quá không ạ?”. “Kể ra bài vở mới có ngần ấy thì cũng hơi vội thật, nhưng tình hình đang rất khẩn trương, cho nên đồng chí hãy về nhận phòng ở, rồi chuẩn bị chiều mai xuống tàu hậu cần ra đảo ngay. Gặp chuyện gì thấy hữu ích thì viết. Thể loại gì không quan trọng, miễn là hay. Thế nhé”.

leftcenterrightdel

Nhà văn Lê Hoài Nam (ngoài cùng, bên trái) cùng các thế hệ văn nghệ sĩ, đồng nghiệp Nhà văn hóa Hải quân. Ảnh: VĂN HÓA  

Chúng tôi ra đảo Vạn Hoa sau đó. Ban chỉ huy tiểu đoàn bố trí cho tôi ở trong ngôi nhà cùng với họ, nhưng tôi đề nghị cho tôi xuống đại đội để được sống với bộ đội. Tiểu đoàn trưởng đích thân chèo xuồng đưa tôi sang đại đội pháo bờ biển đóng trên một bán đảo nhỏ. Tôi và anh tiểu đoàn trưởng cứ vén cỏ gianh mà đi. Đến được lán đại đội, tôi đưa tay lên xoa mặt, thấy có máu thấm đỏ vì bị lá cỏ gianh cứa ngang dọc. Ở đây có mấy khẩu pháo bố trí ở các vị trí khác nhau. Bên cạnh hầm pháo là những chiếc lán thưng bằng phên nứa, mái lợp cỏ gianh. Lán của ban chỉ huy đại đội ở quãng giữa, tại vị trí cao hơn lán của các khẩu đội một chút. Tôi được bố trí ở căn lán này. Tôi nhận thấy tinh thần sẵn sàng chiến đấu của những người lính pháo binh hải quân rất cao, đời sống vật chất cũng không đến nỗi quá thiếu thốn, nhưng đời sống tinh thần thì quả là quá nghèo nàn. Cả đại đội chỉ có một chiếc đài bán dẫn dùng để nghe chung. Cứ tối đến anh em thay nhau đến lán ban chỉ huy nghe đài. Khi về khẩu đội thì chỉ còn biết chuyện trò tán gẫu cho đỡ buồn.

Một hôm, anh đại đội trưởng phát hiện ra trong ba lô của tôi có bộ tiểu thuyết “Phục sinh”, hai tập, của Lev Tolstoy. Anh hỏi: “Có phải tác giả cuốn tiểu thuyết này cũng chính là tác giả của cuốn “Chiến tranh và hòa bình” không?”. Tôi trả lời rằng đúng. Bạn đọc nước ta đã quen với tên nhà văn này qua hai cuốn tiểu thuyết nổi tiếng “Chiến tranh và hòa bình” và “Anna Karenina”. Còn cuốn “Phục sinh” ít người nhắc đến nhưng tôi lại rất thích, vì cốt truyện hay, nhân vật ấn tượng, văn phong hấp dẫn... Đại đội trưởng nghe tôi nói thì gật gù bảo: “Vậy thì anh giúp tôi đọc cho anh em trong đại đội nghe cuốn tiểu thuyết này”...

Đọc xong hai tập “Phục sinh”, tôi sực nhớ mình ra đảo đã gần một tháng. Rồi đến một hôm, con tàu hậu cần lại cập vào đảo. Anh thuyền trưởng trao cho tôi một bức thư của Thượng tá Ngô Thế Lãng. Trong thư ông yêu cầu tôi, nếu vốn sống ở đảo đã dày dặn, thì tôi có thể trở về cơ quan quân chủng ngồi viết.

Tôi trở về cơ quan thì tiết trời đã bắt đầu sang hạ. Tính ra trong những tháng còn lại của năm 1979, tôi đã viết được 1 truyện ký và 3 truyện ngắn. Truyện ký “Biển dữ biển lành” đăng Tạp chí Văn nghệ Quân đội số tháng 2-1980. Truyện ngắn “Đảo xa” đăng Báo Văn nghệ số Tết Nguyên Đán 1980. Truyện ngắn “Cát vàng” đăng Báo Tiền phong và truyện ngắn “Nhà thơ của quần đảo” đăng Tạp chí Cửa biển (Hội Văn học Nghệ thuật thành phố Hải Phòng) sau đấy một thời gian. Tôi không ngờ chỉ một năm đầu tiên trở thành “người viết chuyên nghiệp”, ngòi bút của tôi lại may mắn, hanh thông đến thế. Có được diễm phúc ấy là do tôi đã có thời gian sống cùng bộ đội, lăn lộn với thực tiễn và chịu khó ghi chép tư liệu.

Tháng 5-1980, nhà thơ Trần Đăng Khoa được điều động từ Tổng cục Chính trị về Quân chủng Hải quân, làm việc cùng tổ sáng tác Nhà văn hóa và ở cùng căn phòng với tôi. Sau hơn 2 năm sáng tác ở đây, năm 1982, tôi và Trần Đăng Khoa đi đào tạo ở trường đại học. Học được một năm thì Khoa sang Liên Xô học tiếp. Tôi học xong, tốt nghiệp trở lại quân chủng công tác, một thời gian sau thì chuyển ngành. Những năm tháng ở Quân chủng Hải quân, tôi đã có được hàng nghìn trang viết về biển đảo, Bộ đội Hải quân. Đó là niềm hạnh phúc của tôi!

Nhà văn LÊ HOÀI NAM