Khi còn sống, ông Đỗ Văn Liên kể với chúng tôi: Ông quê ở xã Đông Ninh, huyện Khoái Châu. Lớn lên trong nghèo khó, song ông Liên hăng hái hoạt động cách mạng ở địa phương. Năm 1952, ông nhập ngũ, biên chế vào C47 bộ đội địa phương huyện Khoái Châu và được giao làm Tổ trưởng Tổ trinh sát của C47. Tổ trinh sát có ông và 4 tổ viên là các đồng chí: Hòa, Hải, Tình, Cúc. Sau một thời gian huấn luyện, Tổ trinh sát của C47 được giao nhiệm vụ trinh sát bốt Lạc Thủy (xã Đông Kết, huyện Khoái Châu). Dưới sự chỉ huy của ông, Tổ trinh sát hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; giúp C47 phối hợp với du kích các xã lân cận tổ chức đánh bốt Lạc Thủy. Trận này, ta tiêu diệt 12 tên địch, bắt làm tù binh 29 tên. Tổ trinh sát được cấp trên biểu dương...

Phát huy thắng lợi trận đánh bốt Lạc Thủy, Tổ trinh sát của C47 làm tốt việc trinh sát, nắm tình hình địch; phối hợp với du kích các xã tổ chức chống địch càn quét. Cuối năm 1953, lợi dụng địch bắt phu đào giao thông hào, đắp ụ súng, Đỗ Văn Liên đề nghị và được cấp trên đồng ý cho cải trang làm phụ nữ để đi trinh sát đồn địch giữa ban ngày. Ông kể: “Buổi sáng một ngày cuối tháng 11-1953, tôi cải trang thành phụ nữ, mặc quần đen, áo nâu, vấn khăn mỏ quạ, mặc yếm, chằng buộc hai nửa quả bưởi làm hai vú giả. Tôi gánh đôi quang chạc cùng dân phu đi vào bốt Nghi Xuyên (thuộc xã Chí Tân, huyện Khoái Châu). Sau 5 gánh qua vọng gác, tôi đã quan sát được các vị trí then chốt, các hỏa điểm, cách bố phòng của địch. Đến gánh thứ 6, tôi bị lính của bốt đến bảo không phải gánh nữa mà tới chỗ 3 tên quan Tây phục vụ. Khi chúng lột khăn, cởi áo của tôi thì bất ngờ hai nửa quả bưởi rơi xuống đất. Bọn chúng phá lên cười ngặt nghẽo. Nhanh như chớp, tôi rút quả lựu đạn ở thắt lưng ra. Tất cả bọn chúng khiếp sợ, tôi chớp thời cơ, chạy vài bước, ném lựu đạn lại và nằm xuống. Lựu đạn nổ, một tên quan hai chết tại chỗ, vài tên bị thương.

leftcenterrightdel

Bác Hồ tới thăm công trình đại thủy nông Bắc - Hưng - Hải tại huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên (năm 1958). Ảnh tư liệu 

Sau tiếng lựu đạn nổ, binh lính địch trong bốt báo động và vây bắt được tôi, rồi thay nhau tra tấn hết sức dã man. Nhưng tôi một mực không khai và chỉ trả lời “không biết”. Không khai thác được gì, chúng nhốt tôi vào hầm để đến chiều tối hôm sau đưa ra bờ sông thủ tiêu và vứt xác trôi sông như chúng đã từng làm với nhiều đồng chí, đồng bào ta trước đó. Binh lính địch dẫn tôi ra bờ sông và trói tôi vào cột. Trước đó, tôi đã vận động được một lính ngụy đưa cơm, nên anh ta chỉ trói tôi lấy lệ. Khi anh ta rời đi về phía đám lính hành quyết, tôi nhanh chóng tháo hai tay khỏi cột, lao thẳng xuống sông Hồng. Bọn lính bất ngờ, rồi đồng loạt bắn xối xả xuống sông. Bắn xong thì chúng bỏ đi.

Tôi bơi dọc theo sông Hồng khoảng 2km thì được đồng đội tìm thấy, đưa lên bờ và thay nhau cõng về đơn vị. Sau hai ngày, tôi gượng dậy và nhớ lại cách bố phòng của bốt Nghi Xuyên, rồi vẽ ra giấy. Trên cơ sở trinh sát của tôi, C47 bàn bạc cách đánh, luyện tập trên mô hình, chuẩn bị đánh đồn địch. Ngày 26-3-1954, kết hợp với du kích các xã: Tân Châu, Đông Ninh, Đại Tập, Liên Khê, Đông Kết và được bổ sung trang bị, C47 đã tiêu diệt được bốt Nghi Xuyên.

Bốn tháng sau khi ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ ngày 7-5-1954, C47 giải thể. Tôi xuất ngũ về địa phương, được bầu vào Chi ủy Chi bộ Đảng (nay là Đảng bộ) xã Đông Ninh, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên”.

Ngày 15-7-1958, Đỗ Văn Liên được phân công phụ trách Đội dân công của xã Đông Ninh đi lao động ở công trường đại thủy nông Bắc-Hưng-Hải. Sáng 20-9-1958, Đỗ Văn Liên được Ban chỉ huy công trường lựa chọn tham gia lực lượng bảo vệ đoàn cán bộ cấp cao đến thăm công trường. “Khi đoàn cấp cao đến, tôi rất bất ngờ được biết đó là đoàn của Bác Hồ đến thăm công trường. Tôi vui mừng quá, cũng như mọi người, chẳng ai bảo ai, tất cả đều đứng dồn lại xung quanh Bác. Có tiếng hô “Hồ Chủ tịch muôn năm!”, tất cả đồng thanh hô theo. Bác ra hiệu mọi người im lặng. Rồi Bác hỏi thăm sức khỏe, động viên, khích lệ cán bộ, nhân dân hăng hái lao động để công trình sớm hoàn thành, phục vụ sản xuất, xây dựng chủ nghĩa xã hội... Tôi may mắn được đứng gần Bác, được ngắm nhìn Bác. Suốt đời tôi không thể nào quên hình ảnh, cử chỉ, lời nói ấm áp của Người”, ông Liên kể lại.

Sau khi công trường đại thủy nông Bắc-Hưng-Hải hoàn thành, ông Liên trở về địa phương, được phân công làm Xã đội trưởng Xã đội (nay là Ban CHQS xã) Đông Ninh. Đầu năm 1961, ông Liên tình nguyện đưa cả gia đình đi khai hoang xây dựng kinh tế mới tại huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. Tại vùng quê mới, ông Liên tích cực tham gia công tác ở cơ sở, sau đó được bổ nhiệm Trưởng phòng Thương nghiệp huyện Mai Sơn, đến năm 1992 thì nghỉ hưu.

ĐỖ ĐỨC QUÂN