Tháng 6-1964, Trung úy Nguyễn Minh Quang, Chính trị viên Đại đội Trinh sát, Bộ tư lệnh Quân khu 7, hoạt động tại Chiến khu Đ (nay thuộc TP Tân Uyên, tỉnh Bình Dương). Cách con sông lớn đối diện với Căn cứ Chiến khu Đ, địch xây dựng đồn Cây Gáo với khoảng 120 lính bảo an, có nhiều tên ác ôn. Tận dụng ưu thế hỏa lực mạnh, công sự trận địa vững chắc, chúng thường xuyên bắn phá, tổ chức càn quét ác liệt, gây nhiều thương vong cho nhân dân trên địa bàn, uy hiếp Căn cứ Chiến khu Đ. Trước tình hình đó, Bộ tư lệnh Quân khu 7 quyết định sử dụng Đại đội Trinh sát phối hợp với một số phân đội bộ binh và hỏa lực tổ chức đánh đồn Cây Gáo. Được huấn luyện, bồi dưỡng về đặc công, trinh sát giai đoạn 1954-1962 trong thời gian tập kết tại miền Bắc, Trung úy Nguyễn Minh Quang đã trao đổi với chỉ huy đơn vị tìm ra biện pháp bảo đảm chiến đấu chắc thắng. Yêu cầu đặt ra quan trọng trước hết là phải trinh sát kỹ mục tiêu, tìm ra điểm yếu của địch để đánh địch. 

leftcenterrightdel

Niềm vui tuổi già của vợ chồng Đại tá Nguyễn Minh Quang. 

Ông Quang nhớ lại: “Hôm ấy, đêm tối, trời mưa rả rích, chúng tôi bí mật vượt sông luồn sâu vào trận địa của địch. Vùi mình trong bùn đất, bị côn trùng đốt đau nhức, chúng tôi vẫn nén chịu đựng để tiếp cận mục tiêu, phát hiện 9 lớp hàng rào cùng nhiều công sự, hỏa lực kiên cố của địch. Đánh giá không thể chọn điểm tiềm nhập mở cửa từ hướng bờ sông, chúng tôi tiếp tục trinh sát, phát hiện địch chủ yếu phòng ngự chặt ở hướng bờ sông, còn phía sau chúng bố trí ít hàng rào hơn; việc canh gác cũng lỏng lẻo, chủ quan hơn. Chúng tôi quyết định chọn hướng này để tiềm nhập mở cửa trận đánh. Luồn sâu trinh sát đến đâu, chúng tôi giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ phận đến đó”.

Trung tuần tháng 7-1964, đơn vị hành quân chiếm lĩnh trận địa. Các tổ đặc công, trinh sát bí mật cắt rào, gài bộc phá chuẩn bị mở cửa, bảo đảm yếu tố bí mật đến giờ nổ súng. Đúng 0 giờ, hỏa lực bắn phá dồn dập vào mục tiêu bên trong, các mũi mở cửa đồng loạt đánh bộc phá. Nguyễn Minh Quang và đồng đội chuẩn bị sẵn bao tải, cây, quần áo để vắt lên hàng rào, tạo lối vượt xung phong đánh chiếm mục tiêu bên trong. Bị đánh bất ngờ, địch không kịp trở tay, kháng cự yếu ớt. Sau khoảng 30 phút chiến đấu, đơn vị đã làm chủ hoàn toàn trận đánh, tiêu diệt và bắt sống toàn bộ quân địch tại đồn Cây Gáo.

leftcenterrightdel
Đại tá Nguyễn Minh Quang giới thiệu những bức ảnh kỷ niệm trong kháng chiến. 

Tổ chức trinh sát nắm địch cụ thể, xác định đúng điểm yếu, khâu yếu của địch để chọn đúng điểm đột phá chiến đấu là bài học kinh nghiệm quý được Nguyễn Minh Quang và đồng đội rút ra từ trận đánh đồn Cây Gáo. Sau này, trên các cương vị lãnh đạo, chỉ huy cấp trung đoàn, sư đoàn, trong tổ chức mỗi trận đánh, Nguyễn Minh Quang luôn đặc biệt quan tâm, kiểm tra, tổ chức lực lượng trinh sát kỹ mục tiêu và yêu cầu phải tìm ra được đúng chỗ sơ hở, điểm yếu nhất của địch để tổ chức các trận đánh. Nếu chưa trinh sát kỹ, chưa tìm ra điểm yếu cốt tử của địch thì phải tổ chức trinh sát lại để bảo đảm khả năng chiến thắng cao nhất, hạn chế đến mức thấp nhất thương vong cho đơn vị.

 Đại tá Nguyễn Minh Quang quê ở xã Bình Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An, ông nhập ngũ năm 1952. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế trên đất bạn Campuchia, ông trực tiếp cùng đồng đội chiến đấu, chỉ huy chiến đấu 76 trận từ cấp đại đội đến cấp sư đoàn. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc, năm 1978, ông được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Năm 2022, ông được trao tặng Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng.   

Bài và ảnh: NGUYỄN DUY HIỂN