Con kinh dài hàng trăm cây số như một vòng tay ôm trọn rừng U Minh Hạ-U Minh Thượng do cán bộ, chiến sĩ và nhân dân địa phương hai tỉnh Rạch Giá, Cà Mau hợp sức cùng đào và khơi thông trong những năm kháng chiến, mang tên Quốc Phòng. Dòng kinh này như mạch máu ngầm, tạo một hành lang ven rừng phục vụ vận chuyển đủ thứ, từ con người đến lương thực, vũ khí phục vụ kháng chiến.

Thời chiến tranh khốc liệt đó, trên cung đường này có bao nhiêu lượt người đã đi qua đây, có bao nhiêu người con của cả hai miền Nam-Bắc hy sinh nằm lại? Cho đến tận bây giờ, khó có ai thống kê hết được. Riêng đối với thế hệ chúng tôi, trừ những người đã hy sinh thì những người còn sống không dễ gì quên được người phụ nữ Nam Bộ mà ngày đó tất cả mọi người đều gọi với cái tên trìu mến: Má Bảy!

Căn chòi nhỏ tạm bợ của má cất bằng cột cây tràm, trên lợp lá dừa nước, nằm nép mình dưới tán rừng ven đê, đoạn tiếp giáp giữa hai tỉnh Rạch Giá, Cà Mau. Căn chòi nhỏ ngày đó trở thành địa chỉ không thể thiếu với chẳng riêng gì chúng tôi, từ chén cơm, viên thuốc cho đến manh quần, tấm áo... mà còn giúp đỡ rất nhiều cho công cuộc kháng chiến của vùng đất U Minh vốn nhiều sự tích anh hùng nhưng cũng đầy ắp khổ đau một thời đánh giặc!

leftcenterrightdel
Minh họa: PHÙNG MINH 

Chuyện má Bảy, người phụ nữ già neo đơn bám trụ ở vùng đất mà có đôi lúc cái chết nhiều hơn sự sống đã là chuyện khó tin. Nhưng nhìn lại những việc làm hằng ngày mà má Bảy cho là bình thường mới chính là kỳ tích. Bất kể đêm hay ngày, hễ ở đâu có tiếng súng nổ, có chiến sĩ ta hy sinh mà đồng đội chưa kịp đem thi thể về thì má Bảy tìm mọi cách tới đó cho bằng được để đưa các con Giải phóng về chôn cất. Có lần cả tháng vắng bóng má Bảy, hỏi ra mới biết, má vào tận đồn giặc đòi lại xác mấy đứa con bộ đội Giải phóng đơn vị Trung đoàn Cửu Long hy sinh còn nằm lại sau trận đánh tập kích yếu khu Biện Nhị. Lần đó bị thua đau, kẻ thù bắt má Bảy nhốt vào chuồng cọp, bỏ đói, tra tấn đủ thứ nhục hình, chúng quy tội má là Việt cộng. Nhưng cuối cùng, với lý lẽ nhân từ của một bà má, chúng thiếu cơ sở buộc tội, đành phải cho má về. Má Bảy còn không ít lần ra thành phố, vào tận khám lớn của giặc ở Rạch Giá, Cần Thơ, Chương Thiện, lên tận Sài Gòn dò la tin tức, tìm cách liên lạc với những cán bộ, chiến sĩ không may trong khi đi công tác, hay trong chiến đấu bị địch bắt để báo cho tổ chức, gia đình tìm cách thăm nuôi, giúp đỡ. Má Bảy cũng là cầu nối giữa những người đi kháng chiến có gia đình, thân nhân, họ hàng còn ở trong vùng giặc tạm chiếm. Bất kể ở đâu, má Bảy cũng tìm tới, khi thì đưa họ ra vùng giải phóng để cha con, chồng vợ gặp nhau, khi thì chuyển thư, chuyển quà làm tin đến thân nhân, gia đình họ. Bây giờ nhớ lại, khó ai có thể hình dung được nỗi vui mừng khi người thân xa cách mấy mươi năm ở hai vùng chiến tuyến ngỡ rằng đã chết, giờ gặp lại nhau...!

 Việc làm mà má Bảy cho là bình thường đó, quả thật không bình thường chút nào trong hoàn cảnh loạn lạc chiến tranh, hỏi có mấy ai làm được nếu như không chứa đựng đầy ắp trong lòng một tình yêu quê hương, đất nước, thấu hiểu đến tận cùng nỗi đau của mấy mươi năm dài chiến tranh ly tán. Và vượt lên trên hết là một trái tim quả cảm, nhân hậu đến tuyệt vời của má Bảy.

Cuối cùng rồi ngày giải phóng miền Nam 30-4-1975 cũng đến. Mấy đứa con Giải phóng của má lần lượt ra thị xã, ra thành phố với bề bộn công việc những ngày đầu tiếp quản... Chỉ còn má Bảy ở lại với cánh rừng. Còn đó căn chòi nhỏ xiêu vẹo, con kinh Quốc Phòng, tràm xanh nước đỏ U Minh... mà sao buồn đến vậy! Ngồi một mình thèm được nghe tiếng gọi má ơi, thèm được nghe tiếng hát của mấy đứa con gái Cẩm Nhung, Sơn Ca của Đoàn Văn công Giải phóng Rạch Giá. Tiếng con cá đớp mồi, má ngỡ xuồng của mấy đứa con vừa bơi qua, còn đọng lại mái dầm khua nước.

Chiều Ba mươi Tết năm 1976, Tết của năm hòa bình đầu tiên, tôi cùng nhà báo Ngô Hoàng Vân mới có dịp về thăm má Bảy ở xã Tân Bằng, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau. Sau bữa cơm đạm bạc cúng rước ông bà, tôi nhận thấy má Bảy vui lắm! Má moi từ trong chiếc thùng sắt đựng đạn súng đại liên M60 của Mỹ ra khoe với chúng tôi đủ thứ: Hộp trà Thái Nguyên do thằng Lê Thế Thành ở Văn nghệ Quân Giải phóng Khu 9 gửi về; còn đây lọ cao Sao Vàng của thằng Thượng từ Hà Nội; tấm khăn choàng, chiếc áo dài này là của con Kim Đính, Đoàn Văn công Giải phóng khu Tây Nam Bộ gửi về từ Cần Thơ; lọ thuốc bổ của thằng Sáu Nhứt, Ban Dân y gửi về từ Rạch Giá... Và còn rất nhiều thứ khác, có cả thiệp chúc Tết, tập bài ca vọng cổ, tập thơ Tố Hữu-những món ăn tinh thần hằng ngày mà má Bảy rất thích-do Xuân Tấn, Tiểu ban Văn nghệ Giải phóng tỉnh Rạch Giá và Thanh Xuân, Tiểu ban Giáo dục Giải phóng khu Tây Nam Bộ gom góp gửi về cho má.

Đêm Giao thừa năm đó, má Bảy cùng tôi và Ngô Hoàng Vân có trọn một đêm không ngủ với cơ man nào là chuyện. Má cứ dặn đi dặn lại không biết bao nhiêu lần hai đứa tôi nhớ cùng anh em ngoài đó cố tìm cho bằng được hài cốt thằng Cẩm, bộ đội địa phương huyện Vĩnh Thuận hy sinh năm 1973, còn nằm đâu đó ở cạnh vàm Ký Ướng, xã Vĩnh Bình Nam; thằng Tư Xuân, Bảy Truyền ở Tiểu ban Thông tấn, báo chí giải phóng tỉnh Rạch Giá hy sinh ở vùng gần ngã ba Cây Bàng, xã Vĩnh Hòa; Bảy Liêm, Hoàng Lương của Ban Tuyên huấn huyện Vĩnh Thuận hy sinh ở chùa Đồng Tranh, xã Vĩnh Bình Bắc; thằng Trọng ở đơn vị 207, hy sinh ở ngọn kinh Đòn Dông, xã Vĩnh Thuận; thằng Chương Đ20 hy sinh trong trận tập kích yếu khu quân sự Ba Hồ đưa về nghĩa trang liệt sĩ. Và còn rất nhiều điều má dặn dò, hai đứa chúng tôi chỉ lắng nghe, không dám nói gì, chỉ sợ làm đau thêm nỗi đau của má!

Bây giờ thì má Bảy đã xa lìa cõi trần, về với thế giới người hiền. Chiến tranh cũng đã lùi xa gần 50 năm, thời gian vật đổi sao dời. Thế hệ chúng tôi ngày đó không ai còn trẻ nữa, có không ít đứa đã từ giã cõi trần. Nhưng có một điều rất lạ, dù có đi đâu về đâu, vẫn đau đáu về một U Minh xưa, tưởng chừng như vừa mới rời xa ngày hôm qua. Và ở nơi đó, ven con kinh Quốc Phòng, vẫn còn nguyên một căn chòi xiêu vẹo, nằm nép mình dưới tán rừng tràm xanh. Vẫn hiển hiện vẹn nguyên hình hài bằng xương bằng thịt, một bà má Bảy!

Bút ký của LÊ NAM THẮNG