Điểm cao 468 nằm ở thôn Nặm Ngặt, xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên là điểm nóng ác liệt nhất trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc. Thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tri ân các anh hùng liệt sĩ, Đảng, Nhà nước đã quan tâm, xây dựng đền thờ các anh hùng liệt sĩ trên điểm cao 468 bề thế, trang nghiêm. Đây không chỉ là nơi để các chiến sĩ năm xưa tụ họp về thắp hương cho những đồng đội đã ngã xuống mà còn là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

Vào dịp tháng 7 hằng năm, như có hẹn ước với đền thờ các anh hùng liệt sĩ trên điểm cao 468, dòng người từ khắp mọi miền Tổ quốc lại hướng về đây thắp nén hương thơm với lòng biết ơn sâu sắc trước sự hy sinh cao cả của các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống cho nền độc lập, tự do của dân tộc, sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Hơn 40 năm trôi qua, những vết thương đã lành, những đỉnh núi đá đã phủ một màu xanh cây cối, các anh cũng đã ngủ yên trong lòng đất mẹ, song những ký ức về hàng nghìn người con đất Việt anh dũng, kiên cường “sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá bất tử” đều là ký ức khó quên của người trở về sau cuộc chiến.

Xúc động, nghẹn ngào là cảm xúc của gia đình ông Lê Văn Thọ (ở Thanh Hóa) khi trở lại đền thờ các anh hùng liệt sĩ trên điểm cao 468 để thắp hương tri ân các liệt sĩ và người anh trai của mình. Ông Thọ có anh trai là liệt sĩ Lê Văn Thịnh từng chiến đấu, hy sinh tại Mặt trận Vị Xuyên, hiện đang yên nghỉ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên. Ông Thọ chia sẻ: “Hằng năm, gia đình tôi đều đến điểm cao 468 và Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên thắp nén hương cho anh trai mình và các anh hùng liệt sĩ nơi đây. Mỗi lần đến đây, chứng kiến hàng nghìn ngôi mộ liệt sĩ, gia đình tôi ai cũng xúc động”.

Phần lớn khách đến viếng đền thờ các anh hùng liệt sĩ trên điểm cao 468 và Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên là các cựu chiến binh từng chiến đấu tại Mặt trận Vị Xuyên từ năm 1979 đến 1989. Một trong số đó là ông Doãn Mạnh Hùng, cựu chiến binh thuộc Sư đoàn 356 (nay là Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 356, Quân khu 2) từng chiến đấu tại Mặt trận Vị Xuyên cho biết: “Hằng năm, các cựu chiến binh chúng tôi đều quay lại đây để thăm viếng và thắp hương tri ân các đồng đội của mình”.

leftcenterrightdel
 Các cựu chiến binh và nhân dân đến thăm viếng, thắp hương tri ân tại đền thờ các anh hùng liệt sĩ trên điểm cao 468. 

Bên cạnh đền thờ các anh hùng liệt sĩ trên điểm cao 468, Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên cũng thường xuyên đón lượng lớn du khách và các cựu chiến binh. Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên như một minh chứng bi tráng của những người con đất Việt đã đặt vận mệnh đất nước lên trên tất cả. Trải qua một số lần trùng tu, Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên hiện mang diện mạo mới khang trang, sạch đẹp, là nơi yên nghỉ của gần 2.000 liệt sĩ, trong đó có 1 mộ liệt sĩ tập thể và 408 ngôi mộ liệt sĩ chưa xác định được thông tin. Chiến tranh đã đi qua, đất nước đã hòa bình, nhân dân sống trong hạnh phúc, nhưng vẫn còn đó những nỗi đau thương, mất mát, day dứt khôn nguôi khi tại Mặt trận Vị Xuyên vẫn còn rất nhiều liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt, chưa thể cất bốc và quy tập trở về với quê hương, gia đình và đồng đội.

Đền thờ các anh hùng liệt sĩ trên điểm cao 468, Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên là những nơi còn in dấu thời gian về sự hy sinh, mất mát trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc. Thế hệ chúng ta hôm nay cần sống, lao động và học tập sao cho xứng đáng với những cống hiến, hy sinh to lớn của các bậc cha anh, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Bài và ảnh: TỐ NHƯ