“Bộ đội lạ” được nhắc đến trong Thông cáo số 1 nói trên chính là Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân (VNTTGPQ)-đội quân chủ lực đầu tiên và cũng là một trong những tổ chức tiền thân của Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam, được thành lập ngày 22-12-1944, tại khu rừng Trần Hưng Đạo, châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng.

Dịp kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam (1944-2014), chúng tôi đã tìm về thị trấn Đạ Tẻh, huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng tìm gặp và trò chuyện cùng cụ Tô Tiến Lực (tức Tô Văn Cắm)-một trong 34 chiến sĩ Đội VNTTGPQ có mặt trong buổi lễ tuyên thệ. Thời điểm lúc bấy giờ, cụ là người cuối cùng trong số 34 chiến sĩ còn sống. Cụ Tô Tiến Lực quê gốc ở bản Um, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Đầu thập niên 1980, cụ theo con trai vào lập nghiệp ở thị trấn Đạ Tẻh. Tiếp chúng tôi lúc đó, cụ đã rất cao tuổi, tuy một số chuyện có thể lãng quên nhưng những ký ức về Đội VNTTGPQ ngày đầu thành lập, đặc biệt là trận đầu diệt đồn Phai Khắt thì cụ Tô Tiến Lực vẫn nhớ như in. Với giọng nói sang sảng nhưng chậm rãi, cụ kể một cách say sưa:

- Đêm ấy, sau bữa cơm “không rau, không muối” và giao lưu với bà con địa phương rồi về lán, cả Đội thao thức không ngủ. Chúng tôi trao đổi với nhau về chỉ thị của Bác Hồ trước ngày thành lập Đội: “Trong vòng một tháng phải có hoạt động để gây tin tưởng cho các chiến sĩ và gây truyền thống hành động tích cực nhanh chóng cho bộ đội... Trận đầu ra quân phải đánh thắng”. Sáng ra, được anh Văn (đồng chí Võ Nguyên Giáp), Đội trưởng Hoàng Sâm và Chính trị viên Dương Mạc Thạch cho biết là Đội sẽ đánh vào một vài đồn địch, cướp súng của chúng; trận đầu phải thắng thật giòn giã để gây thanh thế, chúng tôi háo hức như mở cờ trong bụng. Để chuẩn bị cho trận đánh “mở hàng” này, Ban chỉ huy Đội phải đau đầu giải quyết hàng loạt vấn đề như: Đánh vào đâu, đánh như thế nào để với một lực lượng nhỏ có thể giành được thắng lợi to lớn về chính trị và quân sự mà ta lại ít tổn thất? Đồng thời vẫn bảo vệ được cơ sở khỏi sự trả thù của quân địch? Chúng tôi hiểu rằng đây là một trận đánh cực kỳ quan trọng, vì nếu giành thắng lợi sẽ không chỉ làm cho tinh thần anh em trong Đội thêm phấn chấn, tin tưởng... mà còn thúc đẩy phong trào cách mạng ở Nguyên Bình tiến lên. Ngược lại, nếu thất bại thì tác động tiêu cực của nó sẽ rất lớn, bởi vậy, sự cân nhắc của Ban chỉ huy, sự chuẩn bị kỹ càng trước trận đánh của toàn Đội là hết sức cần thiết.

leftcenterrightdel
 Lễ thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân ngày 22-12-1944. Ảnh tư liệu

Sau khi nghiên cứu kỹ tình hình tại chỗ và cân nhắc mọi yếu tố, chỉ huy Đội quyết định chọn đồn Phai Khắt làm mục tiêu cho trận đánh đầu tiên. Là người con của Tam Kim, Nguyên Bình nên tôi hiểu lựa chọn này là hợp lý vì Tam Kim có cơ sở nhân dân rất tốt, có truyền thống cách mạng. Bản Phai Khắt từng là một bản Việt Minh hoàn toàn. Đồn Phai Khắt vốn là nhà ở của đồng chí Nông Văn Lạc-một cơ sở cách mạng của ta từ lâu. Khi quân Pháp kéo về đây, chúng đã đuổi gia đình đồng chí Lạc ra khỏi nhà, chiếm ngôi nhà này làm chỗ đóng quân, dựng hàng rào và xây dựng thành đồn. Chúng nó ác lắm, thường xuyên lùng sục bắt bớ, cản trở làm ăn của bà con dân bản.

Chọn mục tiêu để đánh thắng trận đầu đã khó, tìm hiểu cặn kẽ về địch ở đồn Phai Khắt còn khó hơn. Để tiếp cận và nắm được bố phòng của địch ở trong đồn phải nhờ vào bé Hồng (Nông Văn Xương). Tuy mới 12 tuổi nhưng bé Hồng rất nhanh nhẹn, tháo vát, hay đưa trứng, rượu vào bán cho quan Tây trong đồn nên ra vào dễ dàng và biết được mọi ngóc ngách trong đó, đặc biệt là cách bố trí của địch ở trong đồn. Bé Hồng đã cung cấp cho chúng tôi nhiều thông tin quý giá.

Để đánh chiếm đồn Phai Khắt, chúng tôi cải trang thành một tốp lính dõng đi tuần để đột nhập vào đồn. Sau khi lọt được vào bên trong, chúng tôi nhanh chóng chiếm nơi để súng, buộc quân địch phải đầu hàng. Tên nào ngoan cố chống cự sẽ bị tiêu diệt. Thú thực hồi đó đâu có biết chiến thuật này nọ đâu, nghe chỉ huy giảng giải mà sướng cái bụng!

Chuẩn bị cho trận đánh này, đồng chí Nông Văn Lạc được giao nhiệm vụ phối hợp với cơ sở lo công tác hậu cần, đặt các trạm canh gác, thu dọn và đối phó với địch sau trận đánh... Anh Văn và Ban chỉ huy Đội được một người dân địa phương dẫn đường lên đỉnh Slam Cao để trực tiếp quan sát đồn Phai Khắt. Trước đó, anh Văn đã chuẩn bị sẵn một tờ lệnh giấy đi tuần “giả” giao cho đồng chí Thu Sơn. Tờ giấy này cũng được đóng dấu “củ khoai” đỏ chót, có cả chữ ký của quan Tây.

Chiều 25-12-1944, chúng tôi xuất phát, xuống đến đầu cánh đồng Phai Khắt thì cả Đội dừng lại cải trang thành lính dõng. Tham gia trận này không đủ 34 người như hôm thành lập vì một số người đang đi công việc. Tuy nhiên, phối hợp cùng chúng tôi hôm đó có gần 50 người, bao gồm cả du kích và cán bộ Việt Minh ở địa phương. Sẩm tối, chúng tôi chia làm hai mũi tiến vào bản Phai Khắt. Đồng chí Thu Sơn cao to, có cái “mũi lõ” giống Tây, vào vai đội sếp, tay lăm lăm khẩu súng Mỹ, hai bên là hai lính khố xanh (do đồng chí Bế Văn Sắt và Thịnh Nguyên đóng), ung dung tiến vào đồn. Theo sau là một toán lính dõng. Vừa vào đến cổng, đồng chí Thu Sơn hất hàm quát lớn: “Chúng tao đang đi tuần, quan đồn có nhà không?”. Tên lính gác tỏ vẻ sợ sệt thưa: “Bẩm ngài, quan Tây đi vắng”. Đồng chí rút tờ lệnh chìa cho tên lính gác xem và không quên nhắc: “Quan Tây đi vắng, chúng mày phải canh gác cẩn thận”. Tên lính gác vừa đưa tay đón tờ lệnh còn chưa kịp xem thì đồng chí Thu Sơn cùng cả tốp đi thẳng vào trong đồn.

Một nhóm nhanh chóng tiếp cận nơi để súng, nhóm còn lại bao vây căn nhà ở của bọn lính. Đồng chí Thu Sơn hô lớn bằng tiếng Pháp: “Rassemblement!”, ra lệnh cho bọn lính tập hợp để đón quan châu đi tuần. Gần 20 tên cả cai lẫn lính nghe tiếng hô liền tập hợp đông đủ tại sân đồn. Nhìn thấy lính của quan châu ai cũng súng ống lăm lăm, vẻ mặt có vẻ “hơi khác”, bọn lính trong đồn tỏ vẻ hoài nghi nhưng chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra thì đồng chí Thu Sơn đã hô lớn: “Chúng tôi là quân cách mạng, anh em đầu hàng sẽ không ai bị giết cả”. Nghe vậy, bọn lính đều giơ tay lên xin hàng.

leftcenterrightdel

Cụ Tô Văn Cắm và con trai tại nhà riêng ở Lâm Đồng, năm 2014. Ảnh: HOÀNG TIẾN 

Chúng tôi đang thu dọn vũ khí và một số dụng cụ để chuẩn bị rút thì bất ngờ có người phóng ngựa từ hướng Nguyên Bình chạy về loan báo: Đồn trưởng cùng đoàn tùy tùng đang trên đường gần về tới nơi. Tình huống xuất hiện quá bất ngờ, Đội trưởng Hoàng Sâm quyết định bắt sống luôn tên đồn trưởng. Chúng tôi được lệnh nhanh chóng đưa số binh lính bị bắt ra phía sau đồn, khống chế, buộc chúng phải ngồi im, đồng thời khẩn trương thu dọn chiến lợi phẩm, triển khai đội hình chờ lệnh. Theo lệnh của chỉ huy, một nhóm bố trí phục sẵn ở ngoài cổng đồn, một nhóm phục sẵn ở khu vực chuồng ngựa vì tên đồn trưởng thường xuống ngựa ở khu vực này sau mỗi lần đi tuần về. Bộ phận ở ngoài được lệnh nếu tên đồn trưởng phát hiện và bỏ chạy thì nổ súng. Đúng như dự đoán, một lát sau, tên đồn trưởng phi ngựa vào. Hắn vừa xuống ngựa, chưa kịp định thần đã bị đồng chí Võ Văn Luận nổ súng bắn chết do quá căm thù.

Trận đánh kết thúc nhanh chóng sau chừng nửa giờ. Bà con trong bản Phai Khắt nghe tiếng súng nổ đã kéo ra reo hò và xem mặt tên quan Tây gian ác bị trừng trị thích đáng. Tôi cùng một số anh em trong Đội được đổi súng kíp lấy những khẩu súng trường còn mới vừa thu được từ đồn Phai Khắt, ai cũng vui mừng. Cả đội nhanh chóng thu dọn chiến trường, ngoài vũ khí, chúng tôi còn thu được vô số đồ dùng. Xác tên đồn trưởng được chôn cất tử tế, còn lương thực, thực phẩm thu được đem phát hết cho dân. Trước khi rút, Ban chỉ huy Đội cho dán một mẩu giấy trước cửa đồn ghi mấy dòng bằng tiếng Pháp: Chúng tôi đã cùng Việt Minh đi đánh Nhật, đồng thời giao cho đồng chí Nông Văn Lạc ở lại cùng với cơ sở bàn cách đối phó, bảo vệ dân, phòng khi quân địch quay lại khủng bố trả thù.

Chúng tôi rút vào rừng vừa lúc chập tối. Trước đó, quản lý Văn Tiên đã vận động bà con dân bản chuẩn bị cơm nước rất chu đáo. Đêm 25-12-1944, sau khi thay bộ quần áo lính dõng vừa thu được ở đồn Phai Khắt, cả Đội tiếp tục hành quân xuống Cẩm Lý để chuẩn bị cho trận đánh tiếp theo vào ngày hôm sau: Trận Nà Ngần.

TRẦN VĨNH THÀNH