Đầu năm 1970, chưa đầy 18 tuổi, đang học cuối cấp 3, tôi viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Giữa năm 2003, tôi được Bộ Quốc phòng cho phép chuyển ngành ra Bộ Văn hóa-Thông tin làm công tác quản lý nhà nước về báo chí. Tại ngũ chừng ấy năm, ký ức về Bộ đội Cụ Hồ không mờ phai, theo suốt cuộc đời tôi.
Tôi không bao giờ quên nụ cười và ánh mắt của Vũ Viết Vô, bạn học cùng Lớp 10A, Trường cấp 3 Hải Hậu (Nam Định) năm 1970. Vô là một trong những học sinh giỏi nhất khóa chúng tôi. Tôi và Vô cùng viết đơn nhập ngũ. Tháng 11 năm ấy, khi gió mùa Đông Bắc tràn về tê buốt, tôi và Vũ Viết Vô cùng đơn vị vượt Trường Sơn vào Nam chiến đấu. Trên đỉnh Trường Sơn giáp Tết năm ấy, chúng tôi được kết nạp Đảng và đều được giao làm cán bộ tiểu đội.
Đầu năm 1971, chúng tôi được bổ sung vào Công trường 5 (Sư đoàn 5) đánh địch ở miền Đông Nam Bộ và biên giới Việt Nam-Campuchia. Rồi Vô được điều động đi nhận nhiệm vụ mới. Tôi không ngờ đêm chia tay Vô cũng là đêm cuối cùng gặp bạn. Vài ngày sau, Vô hy sinh trong một trận đánh chốt.
|
|
Chiến sĩ Trần Thế Tuyển (thứ hai, từ trái sang) cùng đồng đội những ngày ở chiến trường biên giới Tây Nam. Ảnh do tác giả cung cấp |
Nghe tin Vô hy sinh, tôi bàng hoàng. Nhắm mắt lại là thấy ánh mắt và nụ cười của Vô. Sau này biên chế về Trung đoàn 174 trực tiếp chiến đấu, có đêm tôi chôn cất hàng chục đồng đội. Với liệt sĩ nào tôi cũng ám ảnh nụ cười và ánh mắt của Vũ Viết Vô.
Sau ngày 30-4-1975, Vũ Viết Vô và nhiều đồng đội không trở về. Chúng tôi may mắn sống sót, tiếp tục huấn luyện sẵn sàng cho cuộc chiến đấu mới. Tôi nhớ một buổi chiều khi hoàng hôn nhuộm tím dòng Vàm Cỏ Đông ở Long An, tôi nhận được thư nhà. Bố tôi cho biết, em trai tôi là Trần Văn Thiềng đã hy sinh tại Mặt trận phía Nam vào giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Như người mộng du, tôi lang thang dọc bờ sông. Mùa lũ nước dâng tràn, tiếng bìm bịp kêu đến nao lòng. Ánh mắt, nụ cười của Vô và Thiềng theo tôi mãi...
Từ ký ức về đồng đội, trong đó có em trai liệt sĩ, dù không còn phục vụ trong quân ngũ, tôi vẫn học tập và làm việc với tinh thần của Bộ đội Cụ Hồ. Năm 2008, từ Bộ Văn hóa-Thông tin, tôi được điều về công tác tại Báo Sài Gòn giải phóng, tờ báo của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Hồ Chí Minh.
Dịp kỷ niệm 50 năm mở đường Trường Sơn (1959-2009), Báo Sài Gòn giải phóng phát động Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn. Chưa đầy 4 năm (2009-2012), Báo đã vận động được hơn 150 tỷ đồng để xây dựng những công trình tri ân liệt sĩ và hỗ trợ, chia sẻ với thân nhân liệt sĩ. Từ số tiền trên, Báo đã xây dựng, hỗ trợ làm 1.500 căn nhà tình nghĩa; hơn 20 bệnh xá quân dân y kết hợp và trường học; hàng nghìn suất học bổng cùng nhiều công trình dân sinh được trao tặng các gia đình chính sách dọc đường Trường Sơn-Hồ Chí Minh.
Đặc biệt, qua vận động của Báo đã xây dựng được 5 đền thờ liệt sĩ tại Quảng Trị, Quảng Bình, Long An, Kon Tum; xây dựng mới toàn bộ bản Làng Ho (xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình)... với số tiền gần 100 tỷ đồng, thiết thực chia sẻ khó khăn cho các địa phương vùng căn cứ kháng chiến. Cũng từ ấy, hai câu thơ thành đôi câu đối của tôi: “Thân ngã xuống thành đất đai Tổ quốc/ Hồn bay lên hóa linh khí quốc gia” đã được gần 60 địa phương trong cả nước chọn khắc ghi trong đền thờ, nghĩa trang liệt sĩ, nhà truyền thống, bảo tàng...
|
|
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và Đại tá Trần Thế Tuyển (bên trái). Ảnh: XUÂN NHẬN
|
Cũng từ ký ức về đồng đội, năm 2020, dù đã nghỉ hưu, chúng tôi-những cựu chiến binh từng chiến đấu nơi chiến trường Nam Bộ-đã tập hợp, kiến nghị UBND TP Hồ Chí Minh cho phép thành lập Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP Hồ Chí Minh. Chưa đầy 5 năm kể từ ngày ra mắt, Hội đã góp phần tìm kiếm hàng vạn thông tin liệt sĩ; hỗ trợ đưa hàng trăm hài cốt liệt sĩ về quê; vận động được hàng trăm tỷ đồng hỗ trợ nhân dân phòng, chống đại dịch Covid-19; xây dựng nhiều nhà tình nghĩa, đền thờ, bia tưởng niệm, ghi danh liệt sĩ; hỗ trợ thương binh, đặc biệt là các thương binh nặng vượt qua khó khăn trong cuộc sống, giữ vững phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ...
Đại tá, nhà văn TRẦN THẾ TUYỂN (Nguyên Tổng biên tập Báo Sài Gòn giải phóng; Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP Hồ Chí Minh)