Ngày 2-1-1970, Binh trạm 35 có nhiệm vụ vận chuyển xăng vào Nam. Binh trạm tổ chức đoàn xe gồm 4 chiếc thuộc Tiểu đoàn xe 59, mỗi xe chở 20 phuy xăng, mỗi phuy chứa 200 lít. Chính ủy Nguyễn Tuấn ngồi trong ca bin dẫn đầu đoàn xe. Đoàn xuất phát lúc 18 giờ ngày 2-1-1970. Đến khoảng 3 giờ ngày 3-1-1970, khi xe đến trọng điểm Tăng Cát, tại Km48 thì bị địch phát hiện. Chúng điên cuồng giội bom vào đội hình xe. Chiếc xe dẫn đầu bị trúng bom bốc cháy, gây tắc đường. Trước tình thế cấp bách đó, Thiếu tá Nguyễn Tuấn, Chính ủy Binh trạm đã bình tĩnh chỉ huy, động viên các chiến sĩ lái xe không hoảng sợ, tìm mọi cách cứu hàng, cứu xe.
Đồng chí Hồ Văn Liên, sinh năm 1940, quê ở xã Nam Trung (Nam Đàn, Nghệ An), nguyên Trợ lý Kế hoạch Binh trạm 35, kể lại: “Anh Tuấn xung phong ngồi trong ca bin chiếc xe dẫn đầu đoàn xe chở xăng ngày 2-1-1970 làm cho chúng tôi hết sức kính phục, bởi lái xe đường Trường Sơn lúc đó sợ nhất là xe chở xăng nếu bị máy bay địch ném bom. Hôm đó, khi xe xăng bị cháy, đồng chí Nguyễn Tuấn không lo cho tính mạng của bản thân mà chỉ nghĩ đến cứu xăng. Bởi đồng chí nhận thức rõ vai trò quan trọng đặc biệt của xăng, dầu đối với chiến trường lúc này nên đã cố hết sức đẩy những phuy xăng chưa bị cháy xuống đường. Chỉ đến khi trên người bị cháy hoàn toàn, không thể cố gắng được nữa thì anh Tuấn gục xuống”.
Còn đồng chí Nguyễn Duy Tâm, sinh năm 1926, quê ở xã Xuân Hải (Nghi Xuân, Hà Tĩnh), nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 41 Công binh, Binh trạm 35, nhớ lại: “Thời điểm đó, theo quy định của Bộ tư lệnh 559, nếu trong một đoàn xe chở hàng qua Binh trạm mà không có cán bộ là binh trạm trưởng hay chính ủy thì đoàn xe đó không được lăn bánh. Cho nên, đồng chí Tuấn đã nhiều lần dẫn đầu những đoàn xe. Tôi còn nhớ như in trước ngày hy sinh, có lần đồng chí xuống kiểm tra đơn vị chúng tôi và căn dặn: Anh em đơn vị chúng ta phải dũng cảm, kiên cường hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao”.
    |
 |
Di ảnh liệt sĩ Nguyễn Tuấn. Ảnh do gia đình cung cấp |
Biến đau thương thành hành động, tất cả cán bộ, chiến sĩ của Binh trạm 35 đã noi gương đồng chí Chính ủy, ra sức học tập, đoàn kết, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tinh thần ấy đã được cán bộ, chiến sĩ của Binh trạm cụ thể hóa bằng hành động, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trong tháng tổng công kích của mùa khô 1969-1970 về vận chuyển, hậu cần, tăng gia và các phong trào thi đua của Bộ tư lệnh 559.
Ở chiến trường gian khổ, song đồng chí Nguyễn Tuấn vẫn thường viết thư về cho gia đình, động viên, căn dặn các con. Bức thư cuối cùng đề ngày 15-6-1969 gửi con gái khi đó đang là sinh viên, đồng chí Nguyễn Tuấn căn dặn: “Ngoài học văn hóa, nghiệp vụ, có một điều con phải học là lao động và thường xuyên rèn luyện đạo đức. Phải đoàn kết với bạn, phát huy học tập thể, phải tận tình với đồng đội, phải khiêm tốn, tránh kiêu căng, đừng chây lười. Nếu ở thành phố, đừng có tập những thói hư tật xấu của tiểu tư sản, nếu là ở nông thôn phải cần cù, phải siêng, phải dành nhiều thời gian đi thăm nhân dân, giúp đỡ nhân dân và nhất thiết phải lao động...”.
Đồng chí Nguyễn Tuấn sinh năm 1922, quê ở xã Tràng Cát (nay là xã Nam Cát), huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Khi còn trẻ, đồng chí gia nhập Đoàn Thanh niên cứu quốc, hăng hái tham gia hoạt động cách mạng tại địa phương. Tháng 1-1947, đồng chí được kết nạp vào Đảng. Trước khi nhập ngũ năm 1951, đồng chí là Bí thư Chi bộ xã Tràng Cát. Trong Quân đội, đồng chí Nguyễn Tuấn trải qua các chức vụ: Chính trị viên Kho quân giới; Chính trị viên Tổng kho thuộc Tổng cục Hậu cần; cán bộ tổ chức của cơ quan Tổng cục Hậu cần; Bí thư Đảng ủy Tiểu đoàn 4, đảng ủy viên Đảng ủy Trung đoàn 70, Bộ tư lệnh 559; Phó chính ủy, Chính ủy Binh trạm 35, Bộ tư lệnh 559.
NGUYỄN VĂN TRUNG